Biến đổi khí hậu thành tâm điểm nghị sự quốc gia

ThienNhien.Net – Sáng nay, 31/07/2009, Hội thảo “Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu” do Văn phòng TW Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và Bộ TN-MT cùng phối hợp tổ chức đã khai mạc tại thành phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Hơn 100 đại biểu của các cơ quan TW và lãnh đạo các tỉnh miền Trung đã tham dự hội thảo.


Trong lời phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đang và sẽ là nguy cơ và thách thức lớn cho tiến trình phát triển KT-XH bền vững của Việt Nam, đồng thời kêu gọi toàn bộ hệ thống chính trị cùng phối hợp hành động để thực hiện các giải pháp ứng phó hiệu quả, lâu dài.

Bước đầu, Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ nhằm đối phó với BĐKH và góp phần vào nỗ lực chung của toàn cầu thực hiện Công ước khung của LHQ về BĐKH (UNFCCC) và Nghị định thư Kyoto, thể hiện rõ nhất qua Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH (NTP).

Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên cho biết Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận kịch bản đầu tiên về BĐKH ở Việt Nam, với dự báo trong vòng 100 năm tới, mực nước biển ở Việt Nam sẽ tăng lên từ 75 đến 115 cm. 

Kịch bản sau khi được phê duyệt sẽ là cơ sở quan trọng để các nhà khoa học và chính sách của Việt Nam nghiên cứu và triển khai các giải pháp cần thiết đối phó với các nguy cơ hiện hữu và hậu quả nghiêm trọng của BĐKH và nước biển dâng. Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý đối tượng dân cư nghèo khu vực đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long – nhóm ít góp phần gây ra BĐKH nhưng phải chịu nhiều ảnh hưởng và rủi ro nhất.

Với vai trò là cơ quan đầu mối của NTP, Bộ trưởng kêu gọi và mong muốn lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan TW chia sẻ, ủng hộ và cùng phối hợp thực hiện Chương trình đã được Chính phủ phê duyệt, chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo, quy hoạch và lồng ghép ứng phó BĐKH vào các lĩnh vực phát triển KT-XH của đất nước, nhất là sản xuất nông nghiệp, thủy sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, phòng chống dịch bệnh.

Ngài Peter L. Hansen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, nhấn mạnh một lần nữa Việt Nam là một trong năm quốc gia trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do BĐKH, và sẽ tiếp tục gánh chịu những tác động nghiêm trọng nếu Việt Nam không kịp thời thực hiện các giải pháp ứng phó cấp thiết.

Nghiên cứu gần đây cho biết nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m vào cuối thế kỷ này thì Việt Nam sẽ có khoảng 40.000km2 đất sẽ bị chìm trong nước và 14 triệu dân cư sinh sống tại ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng, đe dọa việc cung cấp lương thực cho hàng triệu người trong nước và trên thế giới.

Đại sứ khẳng định, BĐKH là “một thách thức chính trong suốt cuộc đời của chúng ta. Và chúng ta cần phải hành động ngay từ bây giờ”. Chính phủ Đan Mạch đã cam kết tài trợ cho Việt Nam 40 triệu USD để thực hiện NTP và Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2009-2013.

Hội thảo cũng nghe các bài trình bày về tiến trình tham gia đàm phán về BĐKH của Việt Nam, các kịch bản BĐKH của Việt Nam và lồng ghép vào chính sách phát triển KTXH, kinh nghiệm của Việt Nam về phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH, Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH, và những kế hoạch, giải pháp ứng phó với BĐKH của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn và các tỉnh miền Trung.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày, dưới sự tài trợ của ĐSQ Đan Mạch tại Việt Nam.