Nên loại bỏ năng lượng hạt nhân khỏi Kế hoạch hợp tác ASEAN

ThienNhien.Net – Kế hoạch gây tranh cãi về năng lượng cho các nước Đông Nam Á trong đó đề cập đến các nhà máy năng lượng hạt nhân và việc tăng cường “than sạch” sẽ được xem xét bởi hội nghị các bộ trưởng năng lượng ASEAN lần thứ 27 tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar diễn ra trong hai ngày 29 và 30/07/2009. Nhiều kế hoạch về năng lượng của các nước ASEAN đến thời điểm này vẫn còn rất bất cập, với Myanmar là một ví dụ.


Bản dự thảo Kế hoạch hành động hợp tác năng lượng ASEAN giai đoạn 2010-2015 do Bộ trưởng năng lượng Thái Lan, Wannarat Channukul, kiêm Chủ tịch của hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á soạn thảo đề cập đến vấn đề hợp tác trong 7 lĩnh vực, trong đó có việc xây dựng lưới điện ASEAN, hệ thống ống dẫn khí xuyên quốc gia, thúc đẩy công nghệ than sạch, năng lượng tái tạo và hợp tác phát triển năng lượng hạt nhân.

Supakit Nuntawoakam, một chuyên gia phân tích năng lượng độc lập, làm việc cho Tổ chức nghiên cứu Chính sách Sức khỏe cộng đồng của Thái Lan cho rằng bản dự thảo cần được xem xét kỹ bởi bao gồm quá nhiều đề án có vấn đề. Chẳng hạn như lưới điện ASEAN mới chỉ liên kết các nhà máy mới xây dựng, hay vấn đề tăng cường khí ga, than và các nguyên liệu hóa thạch khác lại góp phần gia tăng biến đổi khí hậu.

Supakit cũng cho rằng nên loại bỏ vấn đê phát triển năng lượng hạt nhân ra khỏi chương trình hợp tác vì đối với ngay cả thế giới đến nay vẫn còn bỏ ngỏ câu trả lời về đánh giá rủi ro và những tác động tiêu cực của các nhà máy năng lượng hạt nhân.

Bộ năng lượng cùng với phái đoàn Thái Lan cho biết họ cũng sẽ thảo luận về tiến trình của đập thủy điện Hut Gyi và Ta Sang với Myanmar.

Các đập này, được xây dựng trên sông Salween, đã bị các nhà hoạt động môi trường và dân chủ phản đối mạnh mẽ vì họ cho rằng dự án sẽ dẫn đến việc vi phạm quyền con người ở Myanmar và tiêu diệt một trong những dòng sông trù phú nhất khu vực.

Hiện nay, mức tiêu thụ điện trên đầu người ở Myanmar còn rất khiêm tốn. Bản thân Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, cũng chỉ dám xa xỉ tăng gấp đôi thời gian cung cấp điện lên 10 tiếng đồng hồ để đón tiếp các vị Bộ trưởng năng lượng trong khu vực và cố đô Rangoon vẫn thường xuyên trong tình trạng cắt điện, nhưng các quan chức quân sự Myanmar vẫn háo hức với kế hoạch xuất khẩu năng lượng nhiều hơn nữa sang nước láng giềng.

Myanmar dự kiến sẽ có thêm 20 đập thủy điện cỡ lớn để cung cấp năng lượng cho Thái Lan, Trung Quốc, lưới điện ASEAN, và xây dựng đường ống dẫn khí – dầu để xuất khẩu sang Trung Quốc, dự kiến bắt đầu hoạt động từ tháng 9 năm nay. Nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng được kỳ vọng đóng góp phần lớn vào ngân sách của chính phủ quốc gia này.

Wong Aung, từ Phong trào Shwe Gas của Myanmar nhận định: “Giá nhiên liệu đang tăng rất nhanh tại đất nước chúng tôi và người dân đang trút giận lên các dự án xuất khẩu năng lượng. Cuộc họp năng lượng ASEAN sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa mà thôi.”

Cũng có rất nhiều lời phàn nàn khác, như quân đội hưởng lợi rất nhiều từ dự án nhưng người dân thì dường như bị bỏ quên, hay cộng đồng bị ảnh hưởng nên có quyền được tự do và quyền được thông báo trước…Các nhà hoạt động Myanmar kêu gọi các bộ trưởng ASEAN nên kiềm chế đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của đất nước này.