Khi rừng nằm xuống cho cao su mọc lên

ThienNhien.Net – Các chính sách thúc đẩy phát triển đồn điền cao su thay thế phương thức du canh du cư truyền thống, hoặc đốt rừng làm nương rẫy ở khu vực Đông Nam Á có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, như mất đa dạng sinh học, suy giảm nguồn lưu trữ cacbon, ô nhiễm và suy thoái nguồn cung nước địa phương. Vấn đề đã được các nhà nghiên cứu đề cập trên tạp chí Science.


Thực hiện công trình nghiên cứu tại châu Tây Song Bản Nạp thuộc phía tây nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, kết hợp với đánh giá tại các khu vực khác, nhà nghiên cứu Alan Ziegler và các đồng nghiệp tại Đại học Quốc gia Singapore khẳng định: Các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thay cho hoạt động đốt rừng làm nương rẫy quy mô nhỏ, đã khuyến khích sự mở rộng nhanh chóng diện tích các đồn điền trồng cao su trên hơn 500 000 ha rừng thuộcTrung Quốc, Lào, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Myanma.

Các tác giả đều có nhận định rằng, trồng trọt theo phương thức du canh du cư là một hoạt động tàn phá không chỉ dẫn đến hậu quả mất rừng mà còn gây suy thoái môi trường nghiêm trọng, song hoạt động chuyển đổi đất đai thành các đồn điền trồng cây công nghiệp cũng không đem lại lợi ích thiết thực cho môi trường.

Theo một đánh giá mới về các khu vực rừng nhiệt đới phía Tây Nam Trung Quốc, rừng mưa nhiệt đới che phủ khu vực phía nam Vân Nam đã bị suy giảm 67% diện tích trong 30 năm trở lại đây, hầu hết nguyên nhân xuất phát từ việc phát triển đồn điền cao su.

Theo các tác giả: “Việc mở rộng thiếu kiểm soát diện tích trồng cao su tại Trung Quốc ở một khía cạnh nào đó được khuyến khích, do nó được xem là sự thay thế hợp lý phương thức du canh du cư. Những chính sách như dự án cải tạo đất vùng dốc đã khuyến khích trồng cây cao su, do nó được coi như hoạt động tái sinh rừng. Tuy nhiên các chính sách đó không bao giờ cải thiện được các điều kiện môi trường”.

Lý giải điều này, họ cho biết: “Có thể thấy các tác động môi trường phát sinh từ du canh du cư truyền thống không để lại hậu quả cho đến khi dân số vùng núi tăng lên, thời gian các mùa vụ kéo dài ra, thời gian đất bỏ hoang hoá rút ngắn cùng với việc trồng cây thuốc phiện kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ II. Sự thúc đẩy phát triển trồng trọt tại chỗ gần đây đã gây ra những tác động xấu cho môi trường như: gia tăng tốc độ xói mòn đất cùng lượng trầm tích tại sông, suối, nơi hoạt động trồng trọt được thực hiện liên tục trên các vùng dốc mà không hề có các phương pháp bảo vệ đất hợp lý; sự biến đổi vĩnh viễn các vùng đồi dốc cùng việc xây dựng các tuyến đường, làm tăng nguy cơ sạt lở đất; hoạt động dẫn nước tưới trong mùa khô làm cạn kiệt các dòng suối; suy giảm chất lượng nước do sử dụng các loại thuốc trừ sâu và phân bón nhằm duy trì năng suất nông nghiệp.

Ziegler cùng các đồng nghiệp khuyến cáo cần thực hiện nghiên cứu sâu hơn để tìm ra các tác động môi trường cụ thể phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp đồn điền. Họ cũng đề xuất các chính phủ nên khuyến khích các hoạt động bảo vệ rừng tự nhiên và hỗ trợ kinh tế cho người dân sống tại các khu vực núi cao để họ bảo vệ rừng, bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học, đồng thời thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống nông lâm nghiệp đa dạng thay thế cho phương thức độc canh.

Theo các nhà khoa học, đồn điền độc canh chính là sa mạc xanh chứ không phải là các khu rừng. Các tổ chức môi trường và xã hội đã quyết định chọn ngày 21 tháng 9 hàng năm là ngày quốc tế phản đối phát triển đồn điền độc canh, nhằm thu hút chú ý của dư luận đến sự suy giảm môi trường bao gồm các tác động đến đa dạng sinh học toàn cầu và sự biến đổi khí hậu phát sinh từ các đồn điền cây công nghiệp.