ThienNhien.Net – Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Thành phố Hồ Chí Minh, tuy mới vào mùa mưa bão, nhưng trong vòng 1 tháng qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra trên 10 vụ sạt lở bờ sông với quy mô ngày càng lớn, cuốn trôi trên 10.000m3 đất, nhấn chìm hàng chục căn nhà của dân, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Chỉ trong vòng 1 tuần trở lại đây, trên địa bàn thành phố đã liên tiếp xảy ra 5 vụ sạt lở với quy mô lớn. Ngày 23/07 đã xảy ra vụ sạt lở bờ sông thuộc khu đất của công ty TNHH Hợp Thành (phường 28, quận Bình Thạnh) với phần sạt lở dài 25m, sâu vào bờ 2m làm trôi hàng trăm mét khối đất xuống sông.
Trước đó vài ngày cũng tại khu vực này xảy ra sạt lở với chiều dài dọc bờ sông gần 47m và nhiều chỗ sâu vào bờ trên 10m. Tương tự, trong 2 ngày 20-21/07 đã xảy ra hai vụ sạt lở lớn tại ấp Rạch Giồng, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè làm trôi hàng trăm mét khối đất xuống sông…
Theo Khu đường sông (Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh), hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 40 vị trí với diện tích lên đến hàng chục ngàn mét vuông đất có nguy cơ sạt lở cao, tập trung nhiều nhất ở các quận Bình Thạnh, Thủ Đức, các huyện Nhà Bè, Cần Giờ…
Nguyên nhân chính gây sạt lở các bờ sông là do tình trạng khai thác cát trái phép, không theo quy hoạch trên các con sông đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nhất là trên sông Đồng Nai, Tắc, Soài Rạp, Lòng Tàu, làm xuất hiện nhiều hàm ếch ăn sâu vào đất liền dọc hai bên bờ, khi nước xoáy lâu ngày sẽ gây nên sạt lở bờ sông với quy mô ngày càng nghiêm trọng.
Dự kiến trong năm 2009 sẽ có 7 dự án chống sạt lở tiếp tục triển khai, nhưng hiện nay chỉ có 2 dự án đang thi công cầm chừng (dự án chống sạt lở bờ sông cầu Phước Long và dự án chống sạt lở bờ sông cầu Rạch Tôm), các dự án còn lại chưa biết khi nào mới triển khai vì chưa có tiền, trong khi nguy cơ sạt lở bờ sông ở các khu vực ngày càng nhiều.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có hai công trình quan trọng cần triển khai gấp là dự án quy hoạch chỉnh trị hệ thống sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và dự án nghiên cứu xác lập giải pháp phòng chống sạt lở bờ sông Sài Gòn.
Nếu hoàn thành hai dự án trên, Thành phố sẽ có phương án phòng chống sạt lở bờ sông có hiệu quả, khoa học. Nhưng hiện nay hai dự án trên cũng như nhiều dự án phòng chống sạt lở bờ sông khác của Thành phố vẫn còn nằm trên giấy, chưa được cấp vốn thực hiện.
Để đối phó với nguy cơ sạt lở bờ sông, các quận huyện đang vận động người dân sống gần các vị trí có nguy cơ sạt lở cao phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến của dòng chảy các con sông và gia cố các đoạn bờ kè đã được xây dựng từ trước, tự xây dựng bờ kè trong phạm vi đất của gia đình (nếu có điều kiện).
Đồng thời, chính quyền các địa phương cũng đang thực hiện một loạt biện pháp như thông báo cho nhân dân sống gần các vị trí sạt lở biết để chủ động phòng tránh, vận động nhân dân tháo dỡ nhà lấn chiếm sông, kênh, rạch và di dời gia đình, tài sản đến nơi ở mới trong mùa mưa bão, không cho dân xây dựng nhà trong phạm vi hành lang an toàn bờ sông, kênh, rạch, phát hiện và ngăn chặn mọi hành vi vi phạm hành lang an toàn bờ sông, kênh, rạch tại các địa phương…. để hạn chế thiệt hại do sạt lở bờ sông gây ra.