ThienNhien.Net – Gần đây, ở Ninh Bình, nhiều ý kiến cử tri ở các vùng có nhà máy xi măng hoạt động cho rằng, các nhà máy trên đã xả khí thải không qua hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào ban đêm, thời điểm các lò lọc bụi tĩnh điện không hoạt động, hoặc do sự cố. Chính điều này đã khiến mùi khí thải nồng nặc vào ban đêm, đến sáng trên trần nhà, bàn ghế ở các gia đình xung quanh phủ bụi than…
Theo ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên, Môi trường tỉnh Ninh Bình thì không có chuyện các nhà máy xi măng xả khí thải trực tiếp ra không khí gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, ông Thủy cũng thừa nhận do nhiều nhà máy đang trong quá trình xây lắp, nên mặt bằng sản xuất, trên đường giao thông còn nhiều đất đá rơi vãi, lượng bụi mang tính cơ học tại khu vực sản xuất đang gây ô nhiễm môi trường.
Do vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chỉ đạo các nhà máy tập trung giải quyết ô nhiễm bằng các biện pháp vệ sinh công nghiệp trên đường vận chuyển, không tồn trữ clanhke trong khuôn viên mà phải đưa vào kho bãi, bảo đảm khi bốc xúc không gây ô nhiễm bụi. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường tại các nhà máy để bảo đảm môi trường xanh, sạch tại các khu sản xuất xi măng.
Tại buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng đại diện các cơ quan liên quan như Hội đồng Nhân dân tỉnh, cảnh sát môi trường, các cơ quan truyền thông, các nhà máy xi măng trên địa bàn đã cam kết thực hiện nghiêm túc luật bảo vệ môi trường, phát huy hiệu quả của các hệ thống lọc bụi tĩnh điện, vệ sinh môi trường khu vực sản xuất, có biện pháp che chắn không để bụi vương trên đường vận chuyển, bảo đảm môi trường thân thiện, không ảnh hưởng đến đời sống của người dân gần khu vực nhà máy
Hiện nay, tại Ninh Bình có 5 nhà máy ximăng theo công nghệ lò quay gồm: Tam Điệp, The Visai, Duyên Hà , Hướng Dương đã đi vào sản xuất và 2 nhà máy đang trong quá trình thi công xây dựng là nhà máy Hệ Dưỡng và Phú Sơn với công suất hiện tại gần 4 triệu tấn/năm.
Dự kiến đến cuối năm 2010, khi các nhà máy ximăng Hệ Dưỡng, Phú Sơn và dây chuyền 2 của các nhà máy The Visai, Duyên Hà và Hướng Dương khánh thành sẽ có tổng công suất hơn 10 triệu tấn/ năm. Như vậy, Ninh Bình sẽ trở thành một tỉnh có sản lượng xi măng lớn của cả nước.
Cùng với việc phát triến các nhà máy ximăng, việc bảo vệ môi trường do khí thải, khói bụi tại nơi sản xuất và vấn đề ô nhiễm cảnh quan môi trường tại các khu vực khai thác vật liệu cho sản xuất như đá, đất sét, than, khói bụi trong vận chuyển về nơi sản xuất đang đặt ra cho mỗi nhà máy và cơ quan chức năng của tỉnh.