Hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng gió

ThienNhien.Net – Theo thoả thuận được ký kết giữa Bộ Công Thương và GTZ sáng 21/07 tại Hà Nội, Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ) sẽ hỗ trợ 1 triệu euro cho Việt Nam thực hiện dự án “Xây dựng khung pháp lý và hỗ trợ kỹ thuật cho điện gió nối lưới tại Việt Nam” trong giai đoạn 2009 – 2011.


Dự án sẽ giúp Việt Nam triển khai một số chương trình như xây dựng khung pháp lý cho điện gió nối lưới và quy trình quy hoạch điện gió, chương trình thúc đẩy tiến bộ khoa học về điện gió và tư vấn các dự án điện gió tại Việt Nam.

Phát biểu tại lễ ký kết, Trưởng đại diện GTZ tại Việt Nam, ông Guenter Riethmacher cho rằng, tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam là rất cao, nhưng chưa được khai thác nhiều, mới chỉ có ở các vùng sâu, xa. Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, Việt Nam cần hoàn thiện hơn nữa các chính sách, cơ sở pháp lý trong việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió.

Ông Guenter Riethmacher cũng tin tưởng rằng, với những kinh nghiệm của Đức trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy hơn nữa phát triển năng lượng gió trong thời gian tới.

Đánh giá cao sự hỗ trợ của chính phủ Đức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho biết, Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của năng lượng tái tạo, và đã có chính sách hỗ trợ các dự án phát triển nguồn năng lượng này.

Mới đây, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ xem xét và phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng tái tạo, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2020, sản lượng điện tái tạo chiếm khoảng 5% tổng nguồn điện.

Theo điều tra sơ bộ, 8,6% diện tích đất của Việt Nam được đánh giá là những vùng có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng gió, nhất là các tỉnh phía Nam, ước tính sản lượng vào khoảng trên 1.780 MW. Riêng tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Trà Vinh và Sóc Trăng, tổng công suất khai thác ước tính có thể lên tới 800 MW.

Ba địa điểm là Phước Hải, Phước Nam và Phước Hữu thuộc huyện Ninh Phước, Ninh Thuận được cho là những nơi có thể xây dựng thành các trung tâm phát điện gió với công suất khoảng 235 MW.