ĐBSCL: Ngổn ngang muôn mối lo toan

ThienNhien.Net – Là vựa lúa của Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không những giữ vai trò đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn là nguồn cung xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới. Thế nhưng, trên bản đồ khu vực, ĐBSCL cũng lại là vùng tận cùng hạ lưu trước khi con sông dài gần 5000 km mang tên Mê Kông hòa mình vào biển Đông. Điều đó có nghĩa bên cạnh sự ảnh hưởng do mực nước biển dâng và những thách thức trong quá trình phát triển kinh tế, ĐBSCL sẽ phải tiếp tục gồng mình đối phó với những vấn đề nảy sinh khi ở các quốc gia thượng nguồn, việc khai thác dòng chảy phục vụ những công trình to lớn hay lợi ích cục bộ không ngừng mở rộng. ThienNhien.Net đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng Thư ký Uỷ ban Sông Mê Kông Việt Nam về vấn đề này.

 

PV: “Sông là nơi sản sinh ra các nền văn minh nhân loại” – câu nói này có gợi cho ông điều gì khi nghĩ về dòng Mê Kông?

TS. Tứ: Sông chính là nơi sản sinh ra các nền văn minh nhân loại, vì sông vừa là cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ do tạo hóa mang lại cho con người, đồng thời cũng là nguồn sống của con người, của một hay nhiều quốc gia mà nó chảy qua. Con người sống với sông và sống nhờ sông, cũng chính con người có vai trò lớn nhất trong việc giữ gìn và bảo vệ sự trong lành, vĩnh cửu hay làm suy kiệt của các con sông – môi trường và nguồn sống của chính mình. Vì vậy, dù là sông quốc tế (chảy qua ít nhất 2 nước) hay sông quốc gia (chảy trong lãnh thổ một quốc gia) đều là tài sản vô cùng quý giá của người dân và quốc gia sở hữu nó.

Trong sự phát triển kinh tế – xã hội chóng mặt như hiện nay, tất cả đều cần đến nước, đất và tài nguyên mà các lưu vực sông sẵn có. Con người đòi hỏi ở sông ngày càng nhiều. Và con người/các quốc gia cố gắng tìm cách khai thác lợi thế từ dòng sông để phục vụ cho lợi ích của mình. Sông Mê Kông không phải là một ngoại lệ. Nhưng việc phát triển một dòng sông, dù ở quy mô quốc gia hay quốc tế, đều phải tuân thủ nguyên tắc “công bằng và hợp lý” đối với tất cả các địa phương và các quốc gia cùng chia sẻ dòng sông đó.

PV: Qua nhiều năm nghiên cứu, ông thấy Mê Kông xưa và nay có sự khác biệt ra sao?

TS. Tứ: Sự khác biệt hay nói chính xác hơn là sự thay đổi của một dòng sông được thấy ở chính những gì con người và thiên nhiên tạo ra cho nó theo dòng chảy thời gian.

Cho đến những thập niên 50 của thế kỷ 20, dân số trên lưu vực sông Mê Kông chỉ khoảng 20 triệu người, kinh tế các quốc gia ven sông (6 nước) còn kém phát triển, con người khai thác nguồn nước sông chủ yếu dùng cho các nhu cầu sinh hoạt và tưới tiêu đất canh tác nên lượng nước khai thác không lớn, tác động đến dòng chảy sông vì thế còn ít. Dòng Mê Kông lúc đó có thể coi là dòng sông “trinh nguyên”.

Tuy nhiên, dòng sông đã thay đổi đặc biệt mạnh mẽ từ sau thập niên 80 của thế kỷ 20. Trên các dòng nhánh của Mê Kông ở cả 6 nước, hàng ngàn hồ chứa, đập dâng, các công trình trạm bơm nước đã được xây dựng để phát điện, lấy nước phục vụ cho nhiều mục đích của con người, của các quốc gia.

Con người tàn phá rừng mạnh mẽ hơn khiến độ che phủ rừng của lưu vực thay đổi. Theo nghiên cứu của Ủy hội Mê Kông, độ che phủ hàng năm giảm 0,53%/năm (Mekong River Commission – State of the Basin Report 2003 – trang 192). Đến thập niên 90, trên dòng chính sông Mê Kông, Trung Quốc đã xây dựng 4 con đập lớn để phát điện với dung tích của 4 hồ chứa trên 35 tỷ m3 (dung tích điều tiết trên 20 tỷ m3).

Trong một tương lai không xa, hàng loạt công trình thuỷ điện sẽ được xây dựng trên dòng chính ở cả Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia chắc chắn dòng sông Mê Kông sẽ thay đổi rất lớn trên mọi mặt. ĐBSCL của Việt Nam lại nằm ở hạ nguồn dòng sông Mê Kông, nên chắc chắn chúng ta sẽ hứng chịu những tác động và tổn thất to lớn.

“Tôi biết con sông này từ khi lên 4 tuổi. Ngày xưa, con người và thiên nhiên sống hài hòa, ta có thể dễ dàng bắt gặp cò trên đồng, rùa thì nhiều đến nỗi bò cả vào nhà. Tuy không có điều kiện tiếp xúc với khoa học công nghệ, nhưng tôi lấy cuộc đời mình ra đo dòng Cửu Long. Năm nay tôi 64 tuổi, trải qua hơn nửa thế kỷ quan sát và gắn bó tôi thấy con sông Cửu Long đem lại nguồn lợi vô cùng to lớn cho đất nước mình. Nó không chỉ trực tiếp đem lại nguồn lợi cho hàng triệu người trước đây, bây giờ là hàng chục triệu người ở vùng châu thổ (hạ lưu) con sông, mà còn góp phần quan trọng trong sự phát triển của thành phố năng động nhất cả nước -TP.HCM. Nhưng giờ đây, dưới nhiều áp lực, con sông Mê Kông đã không còn như xưa.”

(Ông Nguyễn Minh Nhị – Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ tại Hội thảo “Thảo luận chính sách môi trường trong bối cảnh phát triển ở Việt Nam” diễn ra vào ngày 07 và ngày 08/07/2009 tại TP.Hồ Chí Minh)

PV: Ông có thể nói rõ hơn về những tác động và tổn thất mà ĐBSCL phải hứng chịu do việc phát triển thủy điện/đập ở thượng lưu dòng Mê Kông?

TS. Tứ: Tổng lượng dòng chảy các sông suối vào lãnh thổ Việt Nam khoảng 830-850 tỷ m3/năm, trong đó sông Mê Kông đóng góp 475 tỷ m3 (53-57% tổng lượng dòng chảy toàn lãnh thổ). Có thể thấy sông Mê Kông có vị trí quan trọng không chỉ đối với ĐBSCL mà đối với phát triển nhiều vùng khác như Tây Nguyên và những vùng lãnh thổ Việt Nam nằm trong lưu vực Mê Kông.

Đối với ĐBSCL, một trong những vùng trọng điểm kinh tế của cả nước, vựa lúa lớn nhất Việt Nam, sông Mê Kông có một vị trí đặc biệt quan trọng. ĐBSCL nằm ở cuối nguồn nước, được hưởng những lợi thế về sự màu mỡ do phù sa sông Mê Kông bồi đắp từ hàng ngàn đời nay và nhận lại toàn bộ lượng dòng chảy sông sau khi qua các nước thượng lưu. Tuy nhiên, do nằm cuối nguồn, nước sông Mê Kông đến ĐBSCL đã, đang và sẽ chịu tác động của mọi biến động thiên nhiên và hoạt động của con người ở các quốc gia thượng lưu.

Một trong những tác động đang dấy lên sự lo ngại sâu sắc của dư luận Việt Nam nói riêng và thế giới đối với tương lai của hệ sinh thái và nguồn nước sông Mê Kông là sự phát triển thủy điện ồ ạt ở các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông, đặc biệt là các bậc thang thủy điện trên dòng chính. Trong tương lai không xa, 15 công trình trên phần Thượng lưu thuộc Trung Quốc và 11 công trình phần Hạ lưu vực thuộc Lào, Thái Lan và Campuchia sẽ lần lượt hoàn thành. Tổng dung chứa của toàn bộ các bậc thang trên dòng chính Mê Kông khoảng 60 tỷ m3, tổng dung tích tích điều tiết năm khoảng gần 30 tỉ m3 (6,3% tổng lượng dòng chảy năm toàn lưu vực).

Thủy điện mang lại lợi ích kinh tế và trong chừng mực nào đó là lợi ích xã hội cho các quốc gia sở hữu nó. Các hồ chứa thủy điện cũng được xem là có tác động tích cực điều hòa dòng chảy, giảm lưu lượng đỉnh lũ và tăng lượng nước mùa kiệt cho hạ lưu. Tuy nhiên, tác động tích cực trong điều hòa dòng chảy của thủy điện chỉ có được khi các hồ thủy điện được vận hành theo chế độ bảo đảm hài hòa lợi ích của tất cả các ngành dùng nước, lợi ích của thượng và hạ lưu. Trong thực tế, vì lợi ích kinh tế, các nhà đầu tư/chủ sở hữu các nhà máy thủy điện hầu như quên điều này. Trong nhiều trường hợp, việc vận hành hồ chứa không đúng hoặc thiên về lợi ích kinh tế, thay vì tác động tích cực đối với dòng chảy, sẽ tác động tiêu cực cho hai lưu như tăng lưu lượng đỉnh lũ và giảm lưu lượng mùa kiệt.

Đối với hạ lưu, hồ chứa tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực. Một trong những tác động của việc xây dựng đập/thủy điện trên thượng nguồn đối với hạ nguồn nói chung cũng như đối với ĐBSCL nói riêng là giảm lượng phù sa.

Theo nghiên cứu của Ủy ban Sông Mê Kông thì tổng lượng phù sa trong sông Mê Kông ước tính từ 120 -150 triệu tấn/năm, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 50%, khoảng 60-80 triệu tấn/năm, còn lại là từ các quốc gia hạ hạ lưu. Vì vậy khi Trung Quốc chặn sông, xây đập tạo hồ phát điện thì dòng chảy chậm lại, phù sa sẽ lắng dần từ đầu nguồn và giảm đáng kể lượng bồi đắp xuống hạ lưu.

Theo một đánh giá, lượng phù sa xuống hạ lưu sẽ giảm khoảng 30% – 40%. Một khi các bậc thang thủy điện ở thượng lưu trên dòng chính, dòng nhánh sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Trung Quốc và cả ở các nước Lào, Thái Lan, Campuchia hoàn thành tác động sẽ lớn hơn. Tác động này gây ra cho ĐBSCL rất nhiều vấn đề. Chúng ta sẽ mất đi một lượng phù sa lớn, yếu tố kéo theo sự xói lở lòng và bờ sông mạnh mẽ hơn do cân bằng động lực học dòng sông (để tiếp tục nhận phù sa).

Hiện tượng xói lở ở cửa sông đang gây ra nhiều mối quan ngại. Theo một nghiên cứu của chuyên gia quốc tế và Ủy hội Mê Kông, xói lở bờ được xem là một vấn đề kinh tế xã hội đặc biệt nghiêm trọng ở một số tỉnh phía trên vùng châu thổ, nhất là An Giang và Đồng Tháp, đặc biệt nghiêm trọng ở Tân Châu, An Giang. Tốc độ xói lở lên đến 30m/năm. Hàng năm hàng trăm hộ đang phải di cư và tái định cư (2004 là 400 hộ) (Theo Viện Nghiên cứu Thủy lợi Nam bộ). Ngoài lũ, việc thay đổi dòng chảy cũng là một nguyên nhân gây nên xói lở trong mùa khô.

“Từ lâu khu vực sông Cửu Long đã phát triển nghề nuôi trồng thủy hải sản, đem lại một nguồn lợi lớn cho đất nước. Song vấn đề ô nhiễm do các lồng bè nuôi trên sông, do các nhà máy chế biến đông lạnh ven sông gây nên trong nhiều năm qua hiện rất đáng báo động. Đến một ngưỡng giới hạn nhất định nào đó, khi dòng sông không còn khả năng tự làm sạch – dù dòng sông lớn đến đâu, ”dòng sông sẽ chết”

 

Châu thổ sông Mê Kông là khu vực giao thoa giữa biển và sông Mê Kông. Chính vì thế, xây dựng đập cũng như các hoạt động trên thượng nguồn sông Mê Kông sẽ làm yếu ”quá trình sông” – tức tạo điều kiện cho ”quá trình biển” xâm nhập vào sâu hơn. Điều đó sẽ khiến cơ cấu mùa vụ và cơ cấu sản xuất của vùng thay đổi rất nhiều. 

 

Đồng bằng sông Cửu Long có những vùng rất rộng lớn mà khi triều cường lên đã bị ngập, trong tình hình BĐKH (theo như các kịch bản dành cho Việt Nam) nó sẽ còn ngập hơn nữa.”

(GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân chia sẻ tại Hội thảo “Thảo luận chính sách môi trường trong bối cảnh phát triển ở Việt Nam” diễn ra vào ngày 07 và ngày 08/07/2009 tại TP.Hồ Chí Minh)

PV: Vậy theo ông, chính sách ứng phó nào cho ĐBSCL trong bối cảnh nguy cơ tác động từ thượng nguồn Mê Kông?

TS. Tứ: Việc khai thác ngày càng mạnh mẽ các tài nguyên trong lưu vực sông Mê Kông nói chung và tiềm năng thủy điện đặc biệt trên dòng chính ở cả phần thượng lưu và hạ lưu vực là thách thức ngày càng tăng đối với hợp tác Mê Kông. Phần thượng lưu vực Trung Quốc, việc phát triển các bậc thang thủy điện hoàn toàn được thực hiện bởi chính Trung Quốc, không hề có sự hợp tác, thỏa thuận hoặc trao đổi với các quốc gia hạ lưu cùng chia sẻ nguồn nước. Hiện nay, các quốc gia hạ lưu vực cũng bắt đầu tích cực nghiên cứu phát triển tiềm năng thủy điện trên dòng chính và chuyển nước ra ngoài lưu vực.

Mặc dù đã có cơ chế hợp tác Mê Kông thông qua Hiệp định Mê Kông 1995 với những điều khoản khá rõ liên quan đến những điều kiện phát triển dòng chính, các hoạt động nghiên cứu đều được thực hiện bằng con đường song phương, chỉ khi có áp lực mạnh mẽ từ các quốc gia hạ lưu và cộng đồng quốc tế, các quốc gia mới đưa ra thông báo mang tính cung cấp thông tin qua Ủy hội Mê Kông.

Do đó việc tích cực đấu tranh tăng cường cơ chế hợp tác Mê Kông để thực hiện hiệp định Mê Kông 1995 là một biện pháp vô cùng quan trọng giúp bảo vệ quyền lợi của Việt Nam – quốc gia nằm ở hạ nguồn. Việc lồng ghép hợp tác Mê Kông vào các hợp tác khu vực (ASIAN, GMS…), các diễn đàn, chương trình hợp tác song phương là một biện pháp cần được thực hiện nhất quán và liên tục. Đồng thời, cần tiếp tục theo dõi các hoạt động phát triển liên quan đến sông Mê Kông ở các quốc gia thượng nguồn và tiến hành tiếp những nghiên cứu nhằm dự báo những tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường ĐBSCL của Việt Nam. Trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội ĐBSCL cho mỗi gia đoạn cần chủ động nghiên cứu và đề xuất chuyển đổi cơ cấu kinh tế xã hội phù hợp với những thay đổi có thể xảy ra do tác động từ các hoạt động phát triển ở thượng lưu cũng như tác động của biến đổi khí hậu.

Xin chân thành cảm ơn TS về những chia sẻ này! 

TS Dao Trong Tu Tiến sĩ Đào Trọng Tứ tốt nghiệp Đại học Xây dưng năm 1972 và đã tu nghiệp ở nước ngoài nhiều năm. Ông nguyên là Phó Tổng Thư ký Uỷ ban Sông Mê Công Việt Nam (VNMC), nguyên Quyền Thư ký Điều hành và Giám đốc Vụ Dự án, Ban Thư ký Uỷ Hội Sông Mê Công Quốc tế (MRCS). Ông có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nguồn tài nguyên nước, phát triển các lưu vực sông quốc tế và phát triển thủy điện. (Ảnh:ThienNhien.Net).