Cụ thể hóa mục tiêu sử dụng bền vững tài nguyên nước

“Sau 10 năm nữa, nguồn tài nguyên nước của Việt Nam sẽ ra sao, cần làm gì để quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quý giá này. Những điều này phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia khai thác, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên nước của chúng ta”, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển đã đặt vấn đề như vậy trong Hội thảo “Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia khai thác, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên nước” (dự thảo lần 2). Hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng châu Á và Đại sứ quán Hà Lan tổ chức ngày 22/07 tại Hà Nội.


Hai nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận là tăng cường thể chế và cơ cấu tổ chức quản lý tài nguyên nước (TNN) và nâng cao nhận thức về TNN quốc gia và khai thác, sử dụng bền vững TNN.

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển chỉ đạo, cùng với mục tiêu tổng quát mà dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia khai thác, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên nước đã xây dựng, chúng ta cần tiếp tục xây dựng cụ thể hơn nữa những mục tiêu mà cơ sở xây dựng chính là Chiến lược quốc gia về TNN đến năm 2020.

Thứ trưởng tán thành nội dung Dự thảo Chương trình hiện nay đang làm, bao gồm: thể chế, tổ chức bộ máy, công tác điều tra cơ bản, công tác quy hoạch, hệ thống tổ chức, xây dựng đội ngũ, hợp tác khoa học, hợp tác quốc tế và nâng cao nhận thức. Tuy nhiên Thứ trưởng lưu ý, cùng với các giải pháp bảo vệ nước mặt đã được nêu trong Dự thảo, cần đưa thêm các nội dung liên quan tới việc bảo vệ nước ngầm. Cần tăng cường xây dựng năng lực đội ngũ nguồn nhân lực quản lý TNN…

“Cần có sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý, khai thác và sử dụng TNN để công tác này ngày càng được nâng cao. Sau Hội thảo, Ban soạn thảo cần tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên đề lấy ý kiến tổng hợp của các Bộ, ngành, tránh tình trạng trùng lặp”, Thứ trưởng nói.

Theo ông Des Cleary – chuyên gia tư vấn người Australia, Chương trình mục tiêu quốc gia khai thác, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên nước chính là công cụ hữu hiệu trong việc bảo vệ nguồn nước. Vì vậy, cần tăng cường cơ sở pháp lý về quản lý lưu vực sông và các quyền về nước, tăng cường năng lực của Việt Nam trong hợp tác với các nước láng giềng về quản lý tài nguyên nước đối với các sông biên giới, cũng như tăng cường các biện pháp kinh tế trong bảo vệ và khai thác sử dụng tài nguyên nước. Vẫn theo ông Des Cleary, cần đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng Quốc gia về TNN, đồng thời cần thành lập và xây dựng năng lực quản lý tổng hợp TNN cho các Ủy ban lưu vực sông (LVS) và Văn phòng LVS.

9 dự án đã được ông Des Cleary đề xuất, đó là: Xây dựng khung về chia sẻ nước và quyền dùng nước; Kết hợp quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch TNN; Tăng cường cải thiện năng lực của Việt Nam tham gia vào các hoạt động, nhiệm vụ của Ủy hội sông Mê Kông và mối quan hệ song phương với các nước láng giềng; Tăng cường và chính thức hóa các hiệp định giữa Việt Nam và các nước láng giềng; Các công cụ kinh tế; Tăng cường năng lực của Hội đồng Quốc gia về TNN; Thiết lập cơ cấu tổ chức LVS; Thiết lập quy trình và phương pháp luận quy hoạch và quản lý LVS; Các chương trình đào tạo về quản lý tổng hợp TNN dựa vào quản lý LVS được xây dựng và thực hiện.

Nâng cao nhận thức về TNN quốc gia và khai thác sử dụng bền vững TNN là một nội dung quan trọng đã được đưa vào Dự thảo Chương trình (lần 2). Đề cập đến thực trạng TNN hiện nay, bà Nguyễn Thị Phương Lâm, chuyên gia tư vấn cho rằng, nguồn tài nguyên nước của ta hiện rất hạn chế và phân bố không đều theo mùa (mùa mưa chiếm 70 – 80%, mùa khô chỉ có 20%). Và cũng mới chỉ đáp ứng được gần 40%. Chúng ta cần tuyên truyền để mọi người đều biết điều này và có biện pháp tiết kiệm.

Các chuyên gia cũng đã đưa ra nội dung thiết lập hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia về TNN; lập Quy hoạch lưu vực sông; xác định và thiết lập dòng chảy tối thiểu trên các sông; xây dựng các quy tắc vận hành liên hồ chứa; tăng cường giáo dục truyền thông và nâng cao nhận thức.
Ông Hoàng Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết, sau hội thảo, Cục Quản lý Tài nguyên nước sẽ tổ chức các hội thảo mang tính chất chuyên đề để sớm hoàn thiện Chương trình, trình Bộ TN&MT và Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu tổng quát của Dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia khai thác, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên nước là quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ các lưu vực sông của Việt Nam theo cách tổng hợp và toàn diện nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, sự lành mạnh môi trường và chất lượng cuộc sống được bền vững.