ThienNhien.Net – Mặc dù rất giàu có về tài nguyên thiên nhiên, nhưng người dân Sabah (Malaysia), đặc biệt là người bản xứ Orang Sungai sống ở vùng nông thôn, hầu như chưa hề được hưởng bất kỳ lợi ích nào từ nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có đó. Cộng đồng người bản xứ ở Sabah đang phải vật lộn với cuộc sống dưới mức nghèo khổ. Trước thực tế này, những nhà quản lý lâm nghiệp đã tìm ra một hướng đi mới cho tương lai của họ.
Sở lâm nghiệp Sabah (SFD), một thành viên của Mạng lưới Kinh doanh Lâm nghiệp – GFTN Malaysia, đã triển khai một chương trình lâm nghiệp cộng đồng với nguồn vốn tài trợ từ GFTN – Anh và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP). Chương trình này khuyến khích người bản xứ Orang Sungai tham gia vào hoạt động quản lý rừng và chứng chỉ rừng tại khu bảo tồn rừng Mangkuwagu của Sabah.
Làm việc cùng với người bản xứ nơi đây, SFD đang mang lại các phúc lợi kinh tế xã hội cho cộng đồng thông qua thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và cung cấp quyền tiếp cận công bằng với khu rừng, nơi người dân cư trú.
Lý giải cách thức tiếp cận nhằm giảm các hành vi xâm phạm rừng tự nhiên của người dân bản địa, giám đốc SFD, ông Datuk Sam Mannan phát biểu: “Chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác đầy ý nghĩa của cộng đồng địa phương chính là cách tiếp cận lâu dài hiệu quả nhất hướng đến giải quyết nạn chặt phá rừng và thoái hoá đất đang diễn ra”.
Chương trình này cho phép người dân có quyền sở hữu và đưa ra sáng kiến bảo vệ và phát triển các khu rừng thông qua việc lập ra một ủy ban gồm những người Orang Sungai đại diện. Uỷ ban này kết hợp chặt chẽ với SFD để giải quyết các vấn đề lâm nghiệp của địa phương. Đồng thời thông qua việc thực hiện đánh giá các tác động về mặt xã hội và tổ chức các buổi hội thảo tại các trường học và cộng đồng địa phương, chương trình cũng giúp người dân bản địa nhận thức được giá trị của việc quản lý rừng một cách có trách nhiệm.
Đây là điều thực sự cần thiết đối với người bản địa Orang Sungai, vì kế sinh nhai của họ phụ thuộc vào các khu rừng và dòng sông xung quanh nơi cư trú. Một nghiên cứu được tiến hành gần đây của UNDP cho thấy tỷ lệ đói nghèo trong cộng đồng người bản xứ Orang Sungai hiện cao nhất tại Malaysia, khoảng trên 41% người dân đang sống dưới mức nghèo khổ.
Việc cân bằng giữa các nhu cầu của con người với việc bảo vệ môi trường trong cộng đồng rừng cách biệt này đã mở ra một chương mới trong hoạt động quản lý rừng bền vững. Với sự hỗ trợ từ SFD, việc thay đổi sinh kế như trồng cao su, có thể được phát triển thông qua các dự án lâm nghiệp cộng đồng. Kết quả thu được từ việc cải thiện lối sống cũng hứa hẹn những cơ hội tốt hơn dành cho trẻ em địa phương, tăng cường nhận thức của trẻ về tầm quan trọng của bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời duy trì được bản sắc của Orang Sungai, một cộng đồng luôn nỗ lực chung sống hoà hợp với thiên nhiên.
Theo Ông Audrey Lee Mei Fong, cán bộ GFTN – Malaysia: “Công việc của SFD không chỉ dừng lại với việc cải thiện sinh kế của người Orang Sungai ở Khu Bảo tồn rừng Mangkuwagu, hoạt động này còn hướng đến sự đa dạng sinh học của vùng sinh thái quan trọng vốn được biết đến như trái tim của Borneo này. Sở lâm nghiệp Sabah đóng vai trò quyết định trong việc làm thay đổi chính sách và nâng cao nhận thức bảo vệ rừng của người dân Sabah. Đóng góp của họ đồng thời cũng mang lại lợi ích cho các loài động vật sống trong rừng.”
Sự hỗ trợ của người dân Sabah trong việc quản lý rừng được cấp phép dài hạn cùng hoạt động khôi phục lại 2.400 ha rừng bị suy thoái tại khu bảo tồn Ulu segama Malua đã giúp thu hút đầu tư cho công tác quản lý rừng và phục hồi môi trường sống quan trọng cho loài đười ươi.