ThienNhien.Net – Thực hiện chủ trương đa dạng cây trồng, vật nuôi trên cùng một diện tích sản xuất do UBND huyện phát động, trong những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cái Nước, Cà Mau đã tích cực chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển mạnh các mô hình đa cây đa con kết hợp. Không ít hộ gia đình đã thoát nghèo và còn vươn lên khá giàu, đôi vợ chồng thương binh 4/4 Huỳnh Hảo và Phạm Hồng Điệp ngụ tại ấp Nguyễn Huy, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước là một điển hình.
Trong Kháng chiến chống Mỹ, ông Bảy Hảo từng là Chánh Văn phòng công tác một thời gian dài tại Trung ương Cục Miền nam, hết chiến tranh, về lại quê nhà, ông Huỳnh Hảo lập gia đình và định cư hẳn ở ấp Nguyễn Huy, thị trấn Cái Nước. Vào thời điểm những năm 1985, nông dân huyện Cái Nước chỉ biết độc canh cây lúa, mô hình đa cây, đa con còn xa lạ. Ban đầu, ông Hảo trồng 1 vụ lúa, làm 1 vụ tôm, lúc bấy giờ tôm sú cho giá trị kinh tế cao và là thu nhập chính của gia đình, mỗi năm ông thu lãi từ 150 – 200 triệu. Vài năm sau chuyển dịch, nuôi tôm thua lỗ, sau nhiều lần suy tính, ông nghĩ cần phải có định hướng trong canh tác sản xuất và quyết định thực hiện mô hình đa cây, đa con, đó là trồng xen canh lúa – màu, cây ăn trái kết hợp nuôi cá, song song đó vẫn giữ diện tích nuôi tôm.
Hiện nay, với gần 4 ha đất, trong đó có 2,7 ha nuôi tôm, trên 7.000m2 trồng hoa màu như đậu xanh, đậu nành, đậu đũa và các loại cây ăn trái với 30 gốc xoài và 30 gốc mận… Việc trồng các loại hoa màu kéo dài thời gian sẽ góp phần đáng kể vào tăng thu nhập của người dân, ông Hảo nhận định, đậu xanh rất phù hợp với vùng đất này, cũng từ trồng đậu xanh, nhiều hộ gia đình trong thị trấn đã vươn lên thoát nghèo. Thời gian sinh trưởng cây đậu xanh cũng rất ngắn, từ trồng đến khi thu hoạch khoảng 80 – 85 ngày. Chỉ tính riêng đậu xanh ông thu lãi gần 2 triệu đồng. Phần đất còn lại gia đình ông bà tập trung nuôi cá và chăn nuôi gia cầm trong đó tiêu biểu nhất là đầu tư 2.500m2 đất nuôi 1000 con cá chẽm. Rồi ông đầu tư nuôi vịt, gà. Hiện tại, mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu nhập từ 50 – 60 triệu đồng.
|
Và đối với ông, để có được những thành công trên, phải trải qua một quá trình phấn đấu, lao động cật lực, không ngừng học hỏi kinh nghiệm, phải biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất.
Người thương binh ấy với bàn tay kinh tế thành công, ông không chỉ làm ăn giỏi mà còn có tinh thần tương thân, tương ái…khi về địa phương vẫn không quên nhiệm vụ với xã hội, ông không quên giúp đỡ bà con. Từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại thị trấn Cái Nước, ông vận động người dân tham gia xây dựng cầu, rồi lộ giao thông nông thôn nhằm giúp trẻ em tại đó có thể đến trường thuận lợi. Người dân biết ơn nên xây dựng xong đặt tên ông. Nay gia đình ông đã có nhà cửa khang trang, đầy đủ, có điều kiện lo cho các con ăn học và làm chuyện tình nghĩa giúp đỡ bà con trong xóm. Đôi vợ chồng thương binh 4/4 Huỳnh Hảo và Phạm Hồng Điệp là tấm gương về sự cần cù chịu khó, vượt lên số phận để mọi người noi theo.
Ông Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước cho biết: “Để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, hướng tới xây dựng những cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm đối với nông dân không phải là khó, rất nhiều người dân đã thành công từ mô hình này, trong đó thống kê được 101 hộ thành công từ mô hình đa cây, đa con cho thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng/ năm. Từ thành công của những mô hình này, UBND huyện chủ trương chuyển giao công nghệ nhân ra diện rộng tổ chức cho các hộ nông dân tham quan học tập để nhân rộng trên địa bàn toàn huyện”.
Với cách làm ăn tổng hợp, nhiều hiệu quả, cây con đa dạng, mô hình đa cây đa con của ông Huỳnh Hảo tuy không phải là mô hình mới, mang tính đột phá, lần đầu tiên được áp dụng trên địa bàn huyện Cái Nước, nhưng nó đã khẳng định được tính hiệu quả tại vùng đất này. Đây là mô hình rất tốt để người dân tham quan học tập nhân rộng ra toàn vùng.