ThienNhien.Net – Cứ vào mùa mưa hàng năm, Già đẩy Java – một loài chim có tên trong sách đỏ lại bay về vườn Quốc Gia U Minh Thượng (Kiên Giang). Lần trở lại này, chim Già đẩy Java không chỉ đến rồi đi như những lần trước, mà đã làm tổ sinh sản tại đây, chứng tỏ sự định cư lâu dài của chúng.
Hiện một nhóm cán bộ khoa học của Vườn quốc gia U Minh Thượng đang thuần dưỡng 1 cặp chim Già đẩy Java con. Chúng lớn rất nhanh dựa vào nguồn thức ăn chủ yếu là một số loài cá nước ngọt có sẵn khá dồi dào tại chỗ; trung bình mới chỉ từ 4 đến 5 tháng tuổi, trọng lượng mỗi con đạt xấp xỉ 2 kg. Chúng còn tỏ ra thân thiện với con người, biết nghe tiếng kẻng hiệu lệnh và tự động bay về mỗi khi đến giờ cho ăn.
Theo một nguồn tài liệu điều tra về điểu học cách nay đã hơn 40 năm để lại, vùng rừng U Minh Thượng ngày xưa có đến khoảng 300 loài chim sinh sống, trong số đó có mặt gần đủ các loài chim qúy đặc trưng như Già sói, Già đẩy Java, Bồ nông, Giang sen và cả chim Sếu đầu đỏ.
Còn ở thời điểm hiện tại, Vườn Quốc gia U Minh Thượng hiện có trên dưới 200 loài chim sinh sống, đông nhất vẫn là họ Cò (có hơn 10 loại), kế đến là Le le, Vịt trời, Còng cọoc, Diệc… Có hai loài chim quý hiếm là Già đẩy Java và Giang sen. Chứng tỏ môi trường tại đây đã được cải thiện một bước, nhờ chủ trương khôi phục lại vốn rừng, chủ yếu là rừng tràm, được địa phương chú trọng trong những năm gần đây.