ThienNhien.Net – “Thời đại ngày nay, khi công nghệ luôn sẵn có, những ai mong muốn trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh vào thập niên tới sẽ phải tiến hành một cuộc cách mạng khử các-bon nhanh chóng đối với nền kinh tế năng lượng toàn cầu.” Đó là khẳng định của Christopher Flavin, Chủ tịch Viện Quan sát thế giới – một tổ chức nghiên cứu quốc tế về năng lượng, tài nguyên và các vấn đề về môi trường có trụ sở tại Washington trong bài viết mang tên “Nguồn năng lượng các-bon thấp – Con đường rộng mở” được đăng trong bản báo cáo số 178 của Viện Quan sát Thế giới. Xin trích đăng một vài nội dung chính của bài viết này.
Các công nghệ tạo ra nguồn năng lượng tái tạo mới kết hợp với những tiến bộ đảm bảo sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ cho phép đáp ứng nhu cầu của nền năng lượng toàn cầu mà không cần đến nhiên liệu hóa thạch hoặc nếu có cũng chỉ là một phần bổ sung nhỏ trong tổng chi phí các dịch vụ năng lượng.
Thế giới đang trải qua những giai đoạn đầu tiên của cuộc cách mạng năng lượng – một sự kiện mà vài thập niên nữa thôi cũng sẽ trở nên quan trọng như sự xuất hiện của những nền kinh tế dựa vào dầu thô và điện cách đây một thế kỉ.
Thị trường tăng trưởng nhanh với hai con số, nguồn vốn đầu tư hàng năm lên tới hơn 100 tỉ USD, chi phí cho công nghệ giảm đáng kể, chính sách nhà nước được cải thiện nhanh chóng theo hướng đa dạng và hiệu quả đang hứa hẹn một kỉ nguyên công nghệ mới.
Công nghệ xây dựng, sản xuất ô tô và điện tử tiên tiến sẽ cho phép cắt giảm lượng khí CO2 thải ra một cách đáng kể, con số này sẽ ở mức âm khi những tiết giảm cho chi phí năng lượng cũng được tính đến. Nguồn tiết kiệm từ những biện pháp này có thể dùng để chi trả phần lớn những chi phí phát sinh từ công nghệ năng lượng tái tạo tiên tiến như năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt và sinh học.
Các số liệu ước tính về nguồn tài nguyên chỉ ra rằng nguồn năng lượng tái tạo nhiều hơn tất cả năng lượng hóa thạch cộng lại và rằng khoảng giữa thế kỉ có thể vận hành một hệ thống điện quốc gia với nguồn năng lượng hóa thạch tối thiểu và chỉ phát thải khoảng 10% khí các-bon so với lượng hiện nay.
Sự phát triển của hệ thống dây điện thông minh kết hợp với các phương tiện giao thông nạp điện và nguồn dự trữ năng lượng hạn chế sẽ cho phép năng lượng được cung cấp mà không cần tới các nhà máy điện chạy phụ tải vốn đang giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống điện hiện nay.
Các mô hình khí hậu gần đây dự báo khí thải CO2 sẽ đạt mức tối đa vào thập niên tới và bắt đầu giảm từ 50% đến 80% chậm nhất là đến năm 2050. Thách thức này sẽ rất khó thực hiện bởi Trung Quốc, Ấn Độ và các nước đang phát triển khác đang phát triển nhanh chóng các hệ thống năng lượng hiện đại.
Cơ hội duy nhất để làm chậm quá trình tập trung lượng CO2 kịp thời, nhằm tránh sự biến đổi khí hậu thảm khốc có thể phải mất hàng thế kỉ để khôi phục, là chuyển đổi nền kinh tế năng lượng đồng thời ở cả các quốc gia công nghiệp và các nước đang phát triển. Điều này dường như là không thể vài năm trước đây nhưng sau đó chính sách và thị trường năng lượng ở Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu thay đổi nhanh chóng – thậm chí nhanh hơn nhiều so với các nước công nghiệp phát triển.
Công nghệ năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả cho phép các nước đang phát triển có thể tin cậy vào các nguồn tài nguyên bản địa và giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu vốn đắt đỏ và không ổn định.
Trên khắp thế giới hệ thống năng lượng mới có thể trở thành một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển công nghiệp, tạo ra việc làm, mở ra những cơ hội kinh tế lớn lao. Những nước đang phát triển có tiềm năng để vượt qua giai đoạn phát triển phát thải các-bon của thế kỉ 20 và thẳng tiến đến hệ thống năng lượng tiên tiến đang rất có triển vọng hiện nay.
Công nghệ được cải tiến và giá cả năng lượng quá cao đã tạo ra một thị trường thuận lợi cho hệ thống năng lượng mới vài năm vừa qua. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu kinh tế thực sự đòi hỏi những chính sách công sáng tạo và năng lực lãnh đạo chính trị mạnh mẽ.