ThienNhien.Net – Nuôi lợn rừng là nghề chăn nuôi còn khá mới mẻ song cho hiệu quả kinh tế rất cao ở nhiều vùng thuộc ngoại thành Hà Nội. Tuy chưa có thống kê đầy đủ, song theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, hiện nhiều hộ nông dân ở các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai… trước đây chỉ nuôi lợn nhà, nuôi bò… nay đã chuyển hướng sang nuôi lợn rừng và lợi nhuận thu được cao hơn hẳn.
Đơn giản, nhàn nhã đến mức có thể ví là… ”làm chơi, ăn thật”, là kết luận đại đa số những người đang nuôi lợn rừng ở Hà Nội. Hiện tại, lợn rừng giống ở Hà Nội được bán với giá từ 300.000 đến 350.000 đồng/kg, còn lợn thương phẩm là khoảng 250.000 đồng/kg và không có đủ để cung cấp cho thị trường, nhất là vào những dịp cao điểm như ngày lễ, dịp Tết…
Theo các hộ đang nuôi lợn rừng, khó có nghề nào có thể nhàn hơn nuôi lợn rừng. Bởi đây là loài động vật có sức đề kháng cao, ít bị dịch bệnh nên việc chăm sóc rất đơn giản. Chuồng trại cho chúng không cần kỹ lưỡng như các giống lợn khác; không cần lợp mái, nền xi măng hay máng ăn cầu kỳ mà chỉ cần khu đất rộng ngoài tự nhiên. Thức ăn cho lợn rừng gồm tất cả các loại rau quả đơn giản, rẻ tiền như rau muống, bèo, măng tre, cỏ… Mỗi ngày, chỉ cần cho lợn ăn 2 bữa và chúng cũng chỉ tiêu tốn lượng thức ăn rất ít so với các giống lợn nhà.
Anh Nguyễn Văn Thủy ở xã Cổ Đô, huyện Ba Vì cho biết, từ hơn 2 năm nay, gia đình anh đã nuôi 10 con lợn rừng nái được nhập về từ Thái Lan. Mỗi năm anh bán trên 100 con lợn giống (mỗi con nặng chừng mươi cân) cho thị trường các tỉnh phía Bắc, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Anh thường cho đàn lợn rừng ăn cỏ, măng tre, rau có sẵn trong vườn nhà; khi lợn mới đẻ có thể cho ăn thêm cám, ngô, sắn nhưng chi phí cũng không nhiều.
Theo ông Nguyễn Duy Ngái, Chủ tịch Hội nông dân xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, từ chỗ chỉ có gia đình anh Thủy đi tiên phong trong nuôi lợn rừng, hiện nay ở Cổ Đô đã có hơn 10 hộ chuyển hướng chăn nuôi từ lợn nhà sang lợn rừng. 100% số hộ nuôi lợn rừng ở Cổ Đô có khách hàng tìm về tận nơi để mua với số lượng không hạn chế. Nhàn nhã, cách chăm sóc cũng rất đơn giản và thị trường lại rất ưa chuộng loại đặc sản này song theo ông Ngái, trở ngại duy nhất hiện nay đối với người nông dân khi bắt tay vào nuôi lợn rừng là… thiếu vốn. Bởi giá thành khá cao, nên không phải hộ nào cũng có trong tay tiền triệu để mua lợn giống về nuôi.