ThienNhien.Net – Luật Thiên nhiên? Thoạt nghe có vẻ vô lý, nhưng công cụ đắc lực để chống lại biến đổi khí hậu là ban cho thiên nhiên, người bạn lớn của loài người, các quyền lợi hợp pháp – Begonia Filgueira và Ian Manson, luật sư chuyên về môi trường, đồng tác giả của báo cáo mang tên Luật Thiên Nhiên do Liên hiệp Luật Môi trường Anh và Quỹ Gaia thực hiện, cho biết.
Theo Begonia Filgueira và Ian Manson, thế giới cần nhìn nhận lại các đặc quyền của thiên nhiên và từ đó xác định trách nhiệm của loài người đối với Trái đất, đồng thời tạo ra các “quyền lợi Trái Đất”.
Nếu giá trị của xã hội phụ thuộc vào các điều luật do con người tạo ra, thì một sự thay đổi pháp lý nhỏ – trao quyền cho thiên nhiên – cũng sẽ thay đổi hoàn toàn quan niệm của chúng ta về mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người. Sự thay đổi này sẽ là vũ khí hữu hiệu nhất trong công cuộc chống lại biến đổi khí hậu bởi khi đó thiên nhiên có quyền lên tiếng về cách mà loài người tác động đến thế giới.
Ý tưởng về “Luật Thiên nhiên” đã được bàn luận từ những năm 1960, khi các nhà văn đặt ra câu hỏi liệu cây cối có nên có “chỗ đứng” của mình không. Nhưng hiện tại, ý tưởng đó đã trở thành vấn đề sống còn của chúng ta trên hành tinh này.
Những bộ luật thừa nhận thế giới như một con người hợp pháp, với những quyền lợi và lợi ích được công nhận trên phạm vi quốc gia và quốc tế, có thể giúp tạo ra trách nhiệm quan tâm tới môi trường. Chúng ta có thể thể hiện sự trân trọng với những giá trị mà thế giới thiên nhiên mang lại cho cuộc sống bằng cách mang lại cho thiên nhiên và các thực thể của nó – sông, rừng, sinh vật, môi trường sống, hệ sinh thái – một vị trí trong luật pháp.
Khi trao quyền cho biển, việc đánh bắt cá quá mức sẽ không phải là vấn đề về cách thức mà chính phủ định mức quota mà là việc cân bằng giữa quyền lợi của cá và con người. Nếu bầu khí quyển là một thực thể được bảo hộ bởi luật pháp, thì nó sẽ có tiếng nói đối với việc mua bán carbon. Một dòng sông bị làm ô nhiễm có quyền khởi kiện để xác định xem nhu cầu con người có lớn hơn sự sống còn của dòng sông hay không.
Điều này thực tế không hề vô lý. Nó nhất quán với Bản Hiến chương Thế giới về Thiên nhiên của Liên hợp Quốc năm 1982 đã được hơn 150 nước thành viên thông qua song chưa được đưa vào thực tế vì thiếu cơ chế cưỡng chế. Cũng chính vì thế, năm 2002, bản Hiến chương Trái Đất đã ra đời.
Trên thực tế, chúng ta đang tiến hành việc này như thế nào? Ở phạm vi Liên minh Châu Âu, chúng ta đã thông qua Bản Tuyên ngôn Quyền Trái đất và cũng giống như Bản Tuyên ngôn Nhân quyền, Bản Tuyên ngôn này cũng được từng thành viên thực hiện. Bản Tuyên ngôn sẽ do các tòa án quốc gia thi hành và sẽ tác động đến quyết định của các nhà lập pháp.
Trên phạm vi quốc tế, chúng ta cần tái tập trung vào các điều khoản của Bản Hiến chương Thế giới về Thiên nhiên, vốn quy định về nghĩa vụ của loài người đối với Trái đất và việc tạo ra “quyền Trái đất”. Mọi tuyên ngôn cần đi đôi với việc trao quyền cưỡng chế cho các thể chế quốc tế; nếu không tuyên ngôn đó sẽ chỉ tạo ra những cuộc tranh luận tích cực mà không hiệu quả.
Ngôn ngữ là một công cụ hữu hiệu vì thế chúng ta cần chấm dứt nói tới Trái đất như một nguồn tài nguyên. Mọi người cần hiểu rõ hơn về tác động của loài người lên Trái đất và nguồn gốc tự nhiên của những gì mà chúng ta đang thụ hưởng hiện nay. Chúng ta cũng cần định nghĩa lại khái niệm “Lợi ích công” để nó bao gồm cả lợi ích của thiên nhiên.