Doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải

ThienNhien.Net – Theo ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên-môi trường TP.Hồ Chí Minh, hiện nay mỗi ngày thành phố phải xử lý trên 6000 tấn rác thải sinh hoạt với chi phí khoảng 2 tỷ 160 triệu đồng (tương đương108.000 USD). Đây là chi phí khá lớn và đang trở thành gánh nặng cho ngân sách thành phố. Để giảm bớt gánh năng xử lý rác thải, Thành phố đang kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải này.

Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, đầu tư nhằm kêu gọi các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào các dự án xây dựng các công trình xử lý rác thải.

Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các nhà máy xử lý rác thải như: Công ty xử lý chất thải rắn Việt Nam đã đầu tư trên 90 triệu USD xây dựng khu xử lý rác thải Đa Phước (huyện Bình Chánh) với quy mô trên 128 hecta và đã đưa vào khai thác từ tháng 11/2007 với công suất tiếp nhận, xử lý khỏang 3000 tấn rác /ngày ( chiếm 50% luợng rác thải của Thành phố ) trong suốt thời gian kéo dài đến 50 năm, trong đó có 21 năm nhận rác và 29 năm còn lại tiếp tục xử lý rác để làm phân compost, tái chế nhựa, sụt khí phát điện….

Ngoài ra, hiện còn nhiều công trình xử lý rác của các doanh nghiệp khác đang được xây dựng sắp đưa vào khai thác như Công ty Tâm Sinh Nghĩa xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn ở xã Thái Mỹ ( huyện Củ Chi) trên diện tích 20 ha với tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng có công suất xử lý 1000 tấn rác/ngày, công ty Việtstar xây dựng khu xử lý rác ở huyện Củ Chi từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư khoảng 53 triệu USD với công suất xử lý rác là 1200 tấn/ngày và dự kiến cuối tháng 9/2009 Vietstar sẽ bắt đầu tiếp nhận rác với công suất 600 tấn/ngày…Đến cuối năm 2009, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thêm 3 dự án xử lý rác thải đi vào hoạt động sẽ tiếp nhận và xử lý khoảng thêm 2000 tấn rác /ngày.

TP.HCM hiện có 4 bãi tiếp nhận và xử lý rác là : Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) Gò Cát (quận Bình Tân), Phước Hiệp (huyện Củ Chi) và Đa Phước (huyện Bình Chánh), trong đó hiện nay chỉ còn 2 bãi rác Phước Hiệp và Đa Phước đang phải tiếp nhận và xử lý toàn bộ luợng rác của thành phố. Tuy nhiên, hai bãi rác trên cũng chỉ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp là chính. Đây là phương pháp xử lý rác rất thô sơ và tốn rất nhiều diện tích đất dành cho xử lý chôn lấp rác. Việc chôn lấp rác cũng làm phát sinh nguồn nước rỉ rác khá lớn và vô cùng độc hại cho môi trường nếu không được xử lý tốt và gây rất nhiều lãng phí nếu không có những cơ sở chế biến, xử lý rác thành phân compost hoặc tận thu được nguồn khí để phát điện…

Ngoài ra, theo tính toán của Sở TN-MT thì chi phí đầu tư, xây dựng và xử lý của một dự án xử lý rác là rất lớn và tốn kém. Do vậy, việc Thành phố chấp nhận cho Công ty xử lý chất thải rắn Việt Nam đầu tư xây dựng, khai thác khu xử lý rác Đa Phước đã mang lại hiệu quả về kinh tế và môi trường rất lớn. Theo đó, Thành phố không phải bỏ vốn đầu tư xây dựng bãi chứa rác mà còn giúp xử lý rác hiệu quả hơn. Rác được tái chế biến thành hàng hóa, thành phân bón, thành khí gas dùng để phát điện… có thể đem bán thu lợi nhuận và thành phố sẽ tốn ít đất hơn cho việc chôn lấp rác.