ThienNhien.Net – Xây dựng khu xử lý rác thải tập trung tại các huyện ngoại thành là giải pháp được UBND thành phố Hà Nội đưa ra để giải quyết vấn đề rác thải đang ngày càng trở nên bức xúc tại các địa phương thuộc địa bàn mới mở rộng, trong đó huyện Thạch Thất là một điểm nóng. Được chọn là đơn vị thí điểm để giải quyết vấn đề rác thải, huyện Thạch Thất đang khẩn trương tìm địa điểm để tiến hành lập dự án trong quý 03/2009.
Huyện Thạch Thất có tốc độ phát triển công nghiệp hóa cao, nhiều làng nghề, dân số đông. Hàng năm, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 25.000 tấn. Hiện nay, huyện mới giải quyết được lượng rác thải phát sinh hàng ngày, còn lượng rác thải tồn đọng hàng chục nghìn tấn chưa được xử lý. Năm 2008, chỉ có 28% lượng rác thải được thu gom, xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, còn lại 77% được tập kết về các điểm tập kết rác của xã hoặc vứt bừa bãi ra đầu làng, ven đường, ao hồ… Tại các xã Canh Nậu, Hữu Bằng, Bình Phú, Phú Kim, rác thải không được thu gom tràn ngập trong các đường làng, ngõ xóm, người dân phải “sống chung” với rác thải, ô nhiễm. Huyện có tới 57 làng nghề mộc, xây dựng, cơ kim khí, mây giang đan hàng ngày sản sinh ra lượng rác thải khổng lồ.Các làng nghề đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng, bức xúc nhất là một số làng nghề cơ kim khí, sơn, sản xuất đồ mộc như Phùng Xá, Chàng Sơn, Hữu Bằng… Rác thải của các làng nghề, một phần được tái sử dụng như mùn cưa, gỗ vụn, bán sắt vụn… còn lại trôi nổi cùng với rác thải sinh hoạt.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có trên 400 cơ sở sản xuất kinh doanh, 2 khu công nghiệp (khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai và khu công nghệ cao Hòa Lạc), 2 cụm công nghiệp, 7 điểm công nghiệp, 1 bệnh viện huyện, các trạm xá và phòng khám tư nhân cũng phát sinh một lượng rác đáng kể, trong đó có nhiều rác thải độc hại. Việc xử lý lượng rác thải công nghiệp hiện được các công ty xây dựng phương án xử lý hoặc hợp đồng với các đơn vị chuyên thu gom, xử lý rác thải công nghiệp; rác thải y tế độc hại của bệnh viện huyện được xử lý bằng phương pháp tiêu hủy, còn lượng rác thải sinh hoạt của các cơ sở này được thu gom về các điểm tập kết rác chung của xã. Tuy nhiên, do sự cố tại bãi rác huyện Chương Mỹ và sự quá tải ở bãi rác Sơn Tây, hiện nay, một lượng lớn rác thải sinh hoạt ở các điểm tập kết của các xã vẫn chưa được vận chuyển đi xử lý, tồn đọng gây ô nhiễm môi trường…
Để giải quyết vấn đề xử lý rác thải của các huyện ngoại thành, mới đây, UBND Thành phố đã giao cho các Sở: Xây dựng, Quy hoạch – Kiến trúc, Tài nguyên – Môi trường và các huyện khẩn trương trình địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác thải và công nghệ xử lý tại các huyện Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên…; giao cho huyện Thạch Thất thí điểm chọn nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo phương thức xã hội hóa (có cơ chế ưu đãi, giúp nhà đầu tư thu hồi vốn). Thành phố yêu cầu các Sở, ngành hướng dẫn huyện tháo gỡ những vướng mắc, loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Thành phố đã đồng ý cho huyện Thạch Thất dừng dự án xây dựng nhà máy xử lý rác tại xã Hữu Bằng để tìm địa điểm mới thuận lợi hơn. Hiện nay, huyện đã lựa chọn được địa điểm xây dựng khu xử lý rác tập trung tại xã Lại Thượng, diện tích từ 10-15 ha để giải quyết nhu cầu bức xúc trước mắt. Còn về lâu dài, dự kiến sẽ xây dựng trên địa bàn huyện một nhà máy xử lý rác thải hiện đại tại xã Yên Trung.
Hiện nay, huyện đã chỉ đạo các xã,thị trấn thành lập các tổ vệ sinh thu gom rác thải, triển khai ký hợp đồng với các công ty Môi trường Đô thị để xử lý, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 50% kinh phí và ngân sách xã chi trả 50%. Các đợt tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải được huyện hỗ trợ 100% kinh phí. Ngoài ra huyện còn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng mô hình phân loại, xử lý rác tại nguồn tại xã Cẩm Yên, tiến tới sẽ nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn huyện; xây dựng đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề với việc thành lập các tổ vệ sinh ở 100% số xã, mỗi xã xây dựng từ 1- 3 điểm tập kết rác thải, tổ chức thu phí vệ sinh và hợp đồng với các công ty Môi trường Đô thị để xử lý. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào hoạt động thu gom, xử lý chất thải, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội và người dân cùng tham gia phong trào bảo vệ môi trường xanh- sạch- đẹp, hướng tới chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.