Báo chí nên viết về đa dạng sinh học như thế nào?

ThienNhien.Net – Đa dạng sinh học (ĐDSH), hay được hiểu là sự đa dạng về nguồn gien, về loài và các hệ sinh thái trên hành tinh, đang biến mất nhanh chóng hơn bao giờ hết kể từ thời kỳ khủng long tuyệt chủng cách nay 65 triệu năm. Ảnh hưởng của sự biến đổi này đối với nhân loại và khí hậu là hết sức sâu sắc. Mặc dù vậy, báo chí truyền thông vẫn chưa phản ánh được một cách thích đáng những vấn đề thách thức về môi trường đầy cấp thiết này. Phân tích dưới đây sẽ lý giải vì sao sự suy giảm đa dạng sinh học ngày càng trở nên đáng quan tâm, đồng thời đưa ra một số đề xuất giúp các phóng viên nâng cao ý nghĩa và chất lượng bài viết của họ khi phản ánh chủ đề này.


Khắp mọi nơi và chẳng nơi nào

Thuốc chữa bệnh, nước sạch và thức ăn, khí hậu ổn định, không khí hít thở mỗi ngày…đó là những thứ mà từ xa xưa tổ tiên chúng ta nhận được do thiên nhiên ban tặng. Nhưng chúng ta ngày nay, bằng việc phá huỷ tự nhiên, đã tạo ra quả bom lơ lửng trên đầu mình, và cả con cháu chúng ta sau này.

Tính muôn màu của sự sống trên trái đất, cùng với vô vàn yếu tố khác nhau của đa dạng sinh học tương tác và cung cấp cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Chúng ta vẫn hằng phụ thuộc vào đó mà không hề nhận ra.

Tuy nhiên, sự đa dạng này đang xói mòn nhanh chóng. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, chúng ta đã không ngừng lặp lại lời cảnh báo rằng tốc độ biến mất của đa dạng sinh thái có liên quan mật thiết đến tất cả mọi người trên hành tinh này.

Năm 2005, Chương trình Đánh Giá Hệ Sinh Thái Thiên Niên Kỷ của Liên hợp quốc đã chỉ ra rằng có rất nhiều lợi ích chúng ta nhận được từ thiên nhiên đang bị khai thác quá mức và có thể bị suy kiệt. Năm 2007, bản Báo cáo tổng quan Môi trường toàn cầu lần thứ 4 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã cảnh báo rằng việc liên tục suy giảm đa dạng sinh học sẽ hạn chế các lựa chọn phát triển trong xã hội, cả cho người giàu cũng như người nghèo.

Trong truyền thông ngày nay, người ta dễ dàng quy nguyên nhân của sự thay đổi môi trường toàn cầu là do BĐKH. Ngoại trừ một số ít, báo chí nói chung hiếm khi phân tích sâu vấn đề mất ĐDSH.

Thực ra, các phóng viên nếu nỗ lực hơn có thể cải thiện nội dung thông tin, gắn buộc các chính trị gia với vào những lời hứa của mình và giúp người dân thường có được thông tin về những gì đang diễn ra xung quanh họ.

Lỗi đôi khi cũng thuộc về các chuyên gia cung cấp thông tin cho nhà báo. Họ đã không thể truyền đạt và diễn giải vấn đề một cách sát nghĩa nhất. Lẽ ra họ cần mô tả một cách cụ thể hơn tầm quan trọng của thiên nhiên đối với cuộc sống của con người và giải thích được cái giá phải trả thực sự của việc để mất đi tính ĐDSH. Khó khăn cũng có thể nằm ở chính sự khác biệt trong cách quan niệm về ĐDSH.

ĐDSH là gì và tại sao nó lại là vấn đề?

Đa dạng sinh học phức tạp và không dễ để định nghĩa. Thuật ngữ này được đưa ra từ những năm 80 của thế kỷ trước, ngót đã ba thập kỷ nhưng đến nay vẫn bị hiểu nhầm và dùng sai. Báo chí truyền thông thường chỉ phản ánh tình trạng nguy cấp của những loài quý hiếm như hổ, các mối đe dọa đối với rừng nhiệt đới và rạn san hô. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để nói về ĐDSH. ĐDSH gồm toàn bộ các gien, loài và hệ sinh thái trên hành tinh này.

Nói về ĐDSH, người ta có thể bao gồm cả các loài cây cung cấp cho ta lương thực hàng ngày, các loài côn trùng thụ phấn cho chúng, các loài cây thuốc truyền thống và cây nguyên liệu để chế biến tân dược; vi khuẩn giúp tái tạo và duy trì đất cho nông nghiệp và cả những sinh vật phù du khởi đầu những chuỗi thức ăn, đi qua các mắt xích để rồi kết thúc ở món cá rán trong bữa ăn của con người.

Nó cũng bao gồm các hệ sinh thái như các cánh rừng giúp điều hòa nguồn nước và khí hậu. Nó là sự tổng hòa của tất cả các gien, các loài và các hệ sinh thái giúp tạo nên những cuộc sống khác nhau cho loài người. Đây chính là mạng lưới an toàn của thiên nhiên, chúng giúp xã hội có thể đương đầu và thích ứng với sự đổi thay, như BĐKH là một ví dụ điển hình.

Thế giới tự nhiên dù ở bất cứ nơi nào đều quan trọng đối với con người, điều này càng đúng đối với những người nghèo sinh sống ở vùng sâu, vùng xa tại các nước đang phát triển, nơi phần lớn các loài sinh vật trên thế giới được tìm thấy và cũng chính là nơi bị đe doạ nghiêm trọng nhất. Trong những năm tới, sẽ có những điều quan trọng được công bố, loài người sẽ phải xem xét lại và đưa vấn đề gắn kết con người với ĐDSH trở lại bàn nghị sự toàn cầu.

Chúng ta cũng sẽ thấy được kết quả của những nỗ lực lượng hóa giá trị kinh tế của ĐDSH. Chúng ta cũng sẽ thông qua một mốc hạn cuối cùng để các chính phủ đồng thuận về phương thức chia sẻ lợi ích từ sự đa dạng đó. Chúng ta sẽ giám sát xem liệu các quốc gia có thực hiện đúng cam kết của họ để ngăn chặn sự suy giảm ĐDSH hay không. Và với những thông tin, dù tốt, dù xấu trong tay, các phóng viên cần kể câu chuyện của mình xuất sắc hơn.

Màu xanh và sự u tối, diệt vong

Trong một thời gian dài, các phương tiện truyền thông đã đưa tin về thế giới tự nhiên dưới góc nhìn ảm đạm. Một phần là do họ dựa vào những thông điệp của các tổ chức phi chính phủ và các nhà nghiên cứu. Chúng ta được báo động về tình trạng nguy cấp và những cuộc xung đột (về tự nhiên hoặc để cứu tự nhiên) đang xảy ra trong một “thư viện sự sống” – cái “thư viện” mà chính chúng ta đang tự tay thiêu rụi trước khi được đọc những cuốn sách ở đó.

Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng việc tường thuật thảm hoạ kiểu này sẽ sớm đi vào thoái trào. Điều này càng thấy rõ khi việc đưa tin của báo chí chỉ tập trung vào các loài sinh vật ở xa xôi hay chỉ quan tâm đến đa dạng sinh học ở cấp độ toàn cầu. Sự tiếp cận như vậy khiến người ta nghĩ rằng vấn đề đang xảy ra ở một nơi nào đó xa lắc xa lơ, mặc dù sự mất ĐDSH là vấn đề thực sự, đang xảy ra ngay tại chính nơi họ đang sinh sống.

Đến gần đây, báo chí truyền thông đã bắt đầu nhìn nhận thảm hoạ này theo hướng tích cực hơn, trong đó đề cập đến lợi ích kinh tế mà xã hội sẽ có được khi bảo tồn thế giới tự nhiên, những thành quả của công tác bảo tồn hay giới thiệu về “vàng xanh” – phương thức mới quy định việc trích lại một phần lợi nhuận từ các sản phẩm, dịch vụ từ thiên nhiên. Xu hướng đưa tin như vậy có ý nghĩa hơn. Nó hướng con người đến những sản phẩm thân thiện hơn đối với ĐDSHvà với ngay cả con người, đồng thời phản ánh được giá trị thị trường của các hệ sinh thái nguyên sơ.

Dù cho có sự thay đổi về nội dung phản ánh, các tin, bài về ĐDSH vẫn còn tẻ nhạt và mang tính một chiều. Nội dung của nó thường là một sự hứa hẹn (chẳng hạn như các nhà nghiên cứu công bố nguồn nguyên liệu để chế biến tân dược tiềm năng từ các loài thực vật nhiệt đới) hay cảnh báo các mối đe dọa (như vấn đề “đánh cắp sở hữu trí tuệ, bất công trong chia sẻ lợi ích” – việc các nhà nghiên cứu lợi dụng hoặc ăn cắp nguồn tài nguyên sinh học hay tri thức bản địa để thu lời). Tuy nhiên, phương tiện truyền thông hiếm khi có sự đánh giá đầy đủ từ hai phía. Câu chuyện dù được phản ánh cả hai phía tiêu cực và tích cực, vẫn còn mặt nào đó chưa được đề cập tới.

Những câu chuyện báo chí viết về sự mất đi tính ĐDSH hiếm khi đặt ra những câu hỏi sâu rằng liệu sức tải của thiên nhiên trước những mất mát này là bao nhiêu. Họ có khuynh hướng không đề cập rằng một vài sự suy giảm về ĐDSH đôi khi lại quan trọng đối với sinh kế và giúp cải thiện cuộc sống con người. Họ cũng hầu như không chỉ ra rằng nhiều vùng đất trù phú về sinh vật và môi trường sống là do sự cải tạo của con người, chẳng hạn như những vùng đất nông nghiệp đa dạng giống cây trồng và có nhiều loài hoang dã sinh sống ở đó.

Những câu chuyện của báo chí hiếm khi phân tích được một cách rõ ràng các sáng kiến bảo tồn hay những sản phẩm thân thiện với tự nhiên là tốt và thực sự bền vững, hay chỉ rõ ai sẽ được hưởng lợi từ những thứ đó.

Phương tiện truyền thông cũng có xu hướng không phát đi tiếng nói và quan điểm của những người hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, như những người bản xứ sinh sống ở vùng sâu vùng xa của các nước đang phát triển. Họ là những người trông coi ĐDSH, và có công tích lũy bề dày kiến thức truyền thống, tuy nhiên họ có rất ít quyền quyết định cái gì là quan trọng để giữ lại và làm thế nào để bảo tồn và tận dụng được nó.

Biến vấn đề ĐDSH trở nên gần gũi

Rất khó để giải thích với mọi người về mối đe doạ đang xảy ra đối với hàng triệu loài khi mà hầu hết họ, đặc biệt là những cư dân thành thị, chỉ biết một số ít chúng. Phân nửa lượng calo mà chúng ta được cung cấp từ 3 trong tổng số 30.000 loài thực vật có thể ăn được, là lúa nước, lúa mì và ngô. Khó khăn của truyền thông là làm sao để mọi người thấy rõ mối liên hệ giữa sự trù phú của thiên nhiên với cuộc sống hàng ngày của họ.

Trước một khối lượng đồ sộ các vấn đề nóng hổi toàn cầu, nhiệm vụ của các phóng viên là tìm ra những vấn đề tương đồng tại địa phương của mình. Những lăng kính sau đây sẽ gợi ý việc tìm kiếm những tình huống có liên quan và những người phỏng vấn thú vị.

Tiền bạc: Một vài người đang kiếm được rất nhiều tiền mà không cần phải phá huỷ đa dạng sinh học, số khác thì giàu có nhờ vào việc khai thác ĐDSH một cách bền vững. Vậy, những người giàu có đó có đóng góp gì? Làm thế nào để đo đếm những tác động của các hoạt động kinh tế đối với thế giới tự nhiên?

Quyền con người: Mục tiêu bảo tồn rất dễ xung đột với nhu cầu của con người, đặc biệt khi mà quyền con người bị phớt lờ. Làm sao để các cộng đồng phụ thuộc chặt chẽ vào thiên nhiên có thể lên tiếng về cách thức quản lý ĐDSH? Đó không chỉ là câu hỏi dành cho các khu bảo tồn.

Cũng như vấn đề về quyền tiếp cận đất đai, nguồn nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của cộng đồng, có rất nhiều câu hỏi về quyền của người dân bản địa trong việc lưu giữ các tri thức truyền thống và các nguồn tài nguyên sinh học có từ những vùng đất của tổ tiên họ. Năm 2007, Hội đồng thư ký LHQ đã thông qua Bản Tuyên Ngôn về quyền của những người dân bản xứ, trong đó khuyến nghị các quốc gia cần trao cho người dân bản xứ quyền kiểm soát đất đai và các nguồn tài nguyên nhiều hơn. Nhưng dù sao, đây cũng chỉ là những khuyến nghi, không chịu ràng buộc về mặt pháp lý, và đã bị các nước phát triển như Australia, Canada, New Zealand và Mỹ phản đối (hiện tại, Australia đã chấp nhận).

Chính trị quốc tế: Công ước quốc tế về Đa Dạng Sinh Học (CBD) đã liên kết 190 quốc gia thành viên và Liên Minh Châu Âu với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên sinh học, sử dụng chúng theo phương thức bền vững và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng các nguồn gen một cách công bằng. (Mỹ đã ký nhưng vẫn chưa thực sự thông qua công ước này).

Thường kỳ, các thành viên công ước sẽ họp mặt để đàm phán phương thức thực thi công ước, đằng sau đó là rất nhiều áp lực và lợi ích chính trị từ các bên quan tâm, chẳng hạn như các tập đoàn đa quốc gia. Không quá khó hiểu khi báo chí ít khi đi sâu vào những cuộc đàm phán này bởi nó mang tính kỹ thuật cao, với nhiều thuật ngữ chuyên ngành và với nhiều tổ nhóm chuyên môn.

Vì vậy, những phóng viên mới tiếp cận với CBD thường gặp khó khăn khi muốn cố gắng hiểu thực sự câu chuyện đang diễn ra là gì. Không giống với Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH với Nghị định thư Kyoto được xác lâp với các mục tiêu rõ ràng và ràng buộc trách nhiệm các bên, các quyết định của CBD khó khăn hơn trong việc gắn với những thay đổi trong thực tế.

Biến đổi khí hậu: Ngày nay, cộng đồng đã có nhận thức đáng kể về BĐKH và mức độ nhận thức ngày càng tăng lên, điều này cho phép các phóng viên xác lập một vị thế mới khi bàn về ĐDSH, với vô vàn những câu hỏi được đặt ra.

BĐKH và những nỗ lực khắc phục của con người trước BĐKH sẽ tác động đến thế giới tự nhiên ra sao? Có phải tất cả về BĐKH là tiêu cực hay sẽ có lợi cho một số loài và mang lại một số lợi ích cho con người?

Ảnh hưởng của việc sản xuất nhiên liệu sinh học đối với rừng, mùa màng, người bản xứ và cộng đồng địa phương là gì? Làm sao để các công ước về ĐDSH và BĐKH có thể hỗ trợ nhau và trong trường hợp nào thì các mục tiêu của chúng xung đột? Liệu việc bảo vệ tính nguyên vẹn và đa dạng của các cánh rừng tốt hơn hay cần thúc đẩy nhiều hơn việc phát triển các cánh rừng trồng, với tính đa dạng thấp hơn nhưng lại mang lại lợi nhuận và dự trữ cacbon nhằm ngăn chặn quá trình biến đổi của khí hậu?

Sức khỏe: Thế giới tự nhiên ảnh hưởng tới sức khoẻ theo nhiều cách. Nó là khởi nguồn cho chế độ ăn uống cân bằng, nhưng cũng là nơi phát đi rất nhiều căn bệnh mới như SARS và Ebola. Tự nhiên cũng chính là “một tủ thuốc”. Hơn một nửa số thuốc tân dược thông thường trên thế giới – với trị giá lên đến hàng chục tỷ USD – được chiết xuất từ thiên nhiên. Còn ở nước đang phát triển, khoảng 60% người dân phụ thuộc vào các phương thuốc truyền thống lấy trực tiếp từ thiên nhiên để chữa trị. Tuy nhiên, nhiều loài động, thực vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng trước khi được con người biết công dụng chữa bệnh của chúng.

Mặt khác, tự nhiên ảnh hưởng đến sức khoẻ chúng ta thông qua thức ăn bởi hầu hết lương thực, thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ đều có nguồn gốc từ những loài vốn là một phần của hệ sinh thái, dù đó là một hệ sinh thái tự nhiên hay nhân tạo.

Suy thoái ĐDSH theo hiệu ứng dây chuyền sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dinh dưỡng của con người, chẳng hạn dịch bệnh tấn công làm thu hẹp số lượng quần thể ong – loài côn trùng giúp thụ phấn cho cây cối hoa màu. Trong khi đó, sự đa dạng của các loài cây trồng đang giảm sút ở rất nhiều nơi, do cây công nghiệp độc canh thay thế những trang trại xen canh truyền thống. Nếu xu hướng tiếp diễn trong bối cảnh khí hậu thay đổi thì con người sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu thức ăn và thiếu sự chọn lựa về sinh kế.

Tuy nhiên, con người có thể dùng ĐDSH trong nông nghiệp để đương đầu với những ảnh hưởng của BĐKH, như đa dạng hóa cây trồng và lựa chọn giống phù hợp.

Tôn giáo: Hầu hết các tôn giáo đều cho rằng thế giới tự nhiên và mối liên hệ giữa con người với tự nhiên có một chiều sâu tâm linh. Sự sống đa dạng trên trái đất này chính là sản phẩm nhào nặn của các vị thần linh, do đó con người nên kính trọng và bảo vệ, chăm sóc thế giới tự nhiên.

Mặc dù như vậy, ngay cả ở những xã hội có sự sùng đạo cao, ĐDSH cũng không tránh khỏi đà tuột dốc và báo chí truyền thông thường bỏ qua, không mấy khi tìm kiếm những lời khuyên và những lời nhận xét của các nhà truyền đạo.

Cho tới gần đây, các nhóm tôn giáo đã bắt đầu đưa ra những phát ngôn về tình trạng của môi trường. Đây là một khía cạnh mà các nhà báo cần tìm hiểu sâu hơn để đưa những thông điệp đó đến với đông đảo quần chúng.

Những câu chuyện nơi chân trời

ĐDSH có giá trị như thế nào? Giờ đây, chúng ta không thể mong đợi một bữa ăn miễn phí do tự nhiên cung cấp. Các nỗ lực bảo vệ tự nhiên phụ thuộc vào việc chúng ta tính toán giá trị cho những hàng hóa và dịch vụ mà tự nhiên mang lại.

Liên Minh Châu Âu và chính phủ Đức đang tiến hành một đánh giá về vấn đề lượng hóa giá trị môi trường. Kết quả sẽ có vào cuối năm nay, được kỳ vọng giúp các nhà hoạch định chính sách có tầm nhìn rõ ràng hơn về vấn đề suy thoái đa dạng sinh học. Nó sẽ là một cái Stern Riew khác về ĐDSH (Stern Riew là một báo cáo đánh giá có quy mô, độc lập, toàn diện và chặt chẽ về BĐKH)

Trong bản đánh giá sẽ có những con số rất lớn. Vì ngay bản Báo cáo tổng quan Môi trường toàn cầu lần thứ 4 của UNEP (2007) đã nhận xét rằng nếu xét về mặt kinh tế, chỉ riêng giá trị của việc ong thụ phấn cho mùa màng đã trị giá 2-8 tỷ USD, trong khi thị trường thảo dược năm 2001 được định giá khoảng 43 tỷ USD.

Ai được lợi? CBD đã có hiệu lực cách đây 15 năm nhưng đến nay vẫn chưa thiết lập được một định chế mang tầm quốc tế nào để theo đuổi các mục tiêu chính, đảm bảo công bằng trong chia sẻ lợi ích từ nguồn gien.

Các thành viên công ước quyết định lấy năm 2010 là thời hạn để giải quyết vấn đề này nhưng thời gian cũng đã sắp hết. Các ý kiến vẫn còn tranh cãi trong các cuộc thương lượng, nếu nhìn vào các mặt báo thì hầu như không hề thấy ánh sáng le lói nào.

Vậy, làm cách nào để đi đến một định chế ràng buộc trách nhiệm các bên tham gia công ước vào năm 2010 và cái định chế đó cần có những nội dung gì? Không phải tất cả những người có liên quan ( như người bản xứ) đều quan tâm đến định chế quốc tế này,dù có ràng buộc trách nhiệm hay không, vậy câu hỏi được đặt ra là ai sẽ là được hưởng lợi từ đó? Ở một số quốc gia, tham nhũng và sự thiếu minh bạch có thể dẫn đến tình trạng những người xứng đáng được bù đắp về lợi ích không bao giờ nhận được khoản bù đắp đó.

Liệu chúng ta có thể cứu vãn tình thế? CBD cũng quyết định năm 2010 là thời hạn cuối cùng để ngăn chặn sự giảm sút của đa dạng sinh học và mục tiêu đã trở thành một phần của Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ của Liên Hiệp Các Quốc Gia. Liệu chúng ta có đang theo đúng lộ trình thực hiện mục tiêu không, và nếu không, chúng ta sẽ bị lỡ đến khi nào? Và chỉ với phần nhỏ trong tổng số loài tồn tại trong tự nhiên mà chúng ta biết đến và ghi nhận, làm thế nào để đánh giá mục tiêu cho năm 2010 một cách ý nghĩa?

Tiến hành ra sao? Tờ Economist (Nhà Kinh Tế học) đã viết vào tháng 4-2008: “Mặc dù khoa học đã đạt được nhiều bước tiến trong những năm qua, nhưng sự nhấn mạnh vào việc bảo vệ loài nào, chứ không phải là việc bảo vệ bằng cách nào dường như vẫn chênh chao. Thật khó để tránh khỏi kết luận rằng năng lượng và tri thức của những nhà khoa học kiệt xuất sẽ trở nên hữu dụng hơn nếu họ chịu nhìn nhận những vấn đề tồn tại trong cách thức mà các chính phủ, khối tư nhân và các chương trình cải cách tài chính – môi trường hỗ trợ các quỹ bảo tồn.”

Các thành viên công ước CBD đã cam kết thiết lập nên mạng lưới toàn cầu các khu bảo tồn trên cạn đến 2010 và hệ thống các khu bảo tồn biển vào năm 2012. Điều này sẽ diễn ra như thế nào, và được tài trợ ra sao?

Trở lại với thiên nhiên

Trong nhiều năm, các sự kiện môi trường đã bị báo chí đặt ra ngoài lề. “Luồng gió” BĐKH ập đến với công chúng và chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo đã góp phần thay đổi tình trạng này, song các nhà báo luôn cần ghi nhớ rằng bên cạnh BĐKH, còn rất nhiều thách thức môi trường toàn cầu khác cũng cần được lưu ý.

Đặc biệt, vấn đề loài người phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên nhưng chính con người đang phá huỷ nó cần được xới lên để phản ánh một cách sâu sắc. Mặc dù những lời cảnh báo về cuộc khủng hoảng tuyệt chủng được đưa lên tít đầu, nhưng rồi nó lại sớm bị báo chí truyền thông quên lãng. Điều thường bị bỏ qua chính là khía cạnh con người và điều này đã tạo nên một khoảng cách trong suy nghĩ của mọi người.

Cả phóng viên lẫn các chuyên gia nơi cung cấp thông tin cho họ đều có thể nỗ lực hơn để truyền đạt thông tin về đa dạng sinh học đến mọi người theo cách mà người ta có thể tiếp nhận nó. Họ nên tránh sử dụng chính cái thuật ngữ “Đa dạng sinh học”, bởi thuật ngữ này nghe có vẻ thâu tóm được tất cả, song thực tế không dễ gì diễn giải và cũng không hề dễ hiểu đối với độc giả.

Trong thực tế, có rất nhiều cơ hội để bàn sâu vấn đề và đề cập một cách mạnh mẽ đến khía cạnh con người, đến những lợi ích mà thế giới tự nhiên mang đến cho cuộc sống của người dân địa phương. Trong những câu chuyện này, người viết cần giúp độc giả của mình nhận thức được điều gì sẽ xảy ra nếu sự phá huỷ thiên nhiên còn tiếp diễn một cách thiếu kiểm soát.

Một ví dụ đơn giản đó là rừng ngập mặn. Vùng đất ngập nước nằm ven bờ biển vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới này thường bị xem là những vùng đất hoang hóa, phù hợp cho phát triển. Tuy nhiên các cộng đồng địa phương trải qua nhiều thế hệ đã sống nhờ vào đó như một nguồn cung cấp thực phẩm, thuốc chữa bệnh và cả vật liệu xây nhà. Rất nhiều loài cá có giá trị kinh tế lớn về đây sinh sản len lỏi trong đám rễ nổi lên của rừng ngập mặn. Rừng cũng giúp loại bỏ bớt các chất độc có trong nước sông trước khi chúng đổ ra biển.

Rừng ngập mặn còn bảo vệ vùng bờ biển khỏi gió xoáy và triều dâng. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng giá trị kinh tế của các sản phẩm và dịch vụ mà rừng ngập mặn cung cấp còn lớn gấp nhiều lần so với việc chuyển đổi chúng thành đất nông nghiệp hay vùng nuôi tôm. Nhưng đáng buồn, cho đến khi các nhà ra quyết sách nhận ra được sự rủi ro khi rừng ngập mặn bị phá hủy thì đã muộn, ít nhất có thể thấy từ hậu quả nặng nề mà các vùng ven biển phải gánh chịu do cơn sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004.

Sự đa dạng và phong phú của sự sống bao quanh khiến chúng ta bị mất đi sự tỉnh táo khi nhìn nhận về giá trị và tính dễ tổn thương của nó. Có một thử thách lớn, đó là việc nhắc nhở loài người rằng chúng ta là một phần trong mạng lưới của sự sống, chứ không phải là một bộ phận tách rời. Khi không nhìn nhận điều này, người ta cũng rất dễ để quên đi rằng chúng ta và cả con cháu chúng ta sau này luôn gắn kết chặt chẽ và chịu tác động của sự biến đổi các hình thái sự sống trên trái đất này.


Nguồn: Báo cáo tóm tắt “Entangled in the web of life: Biodiversity and the media” của tác giả Mike Shanahan (Viện Môi trường và Phát triển quốc tế – IIED, Tháng 05/2008)