ThienNhien.Net – Một báo cáo hồi tháng 5/2009 của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) có tiêu đề “Nước ngọt ở Đông Bắc Á đang bị đe doạ” đã công bố kết quả nghiên cứu 5 lưu vực sông lớn ở tiểu vùng Đông Bắc Á gồm: Dương tử, Hoàng Hà, sông Liễu của Trung Quốc và Orkhon, Tuul của Mông Cổ. Theo Báo cáo, các lưu vực sông này đều rơi vào tình trạng khan hiếm nước, hiệu quả nước sử dụng thấp, điều phối và quản lý lưu vực yếu kém và thiếu nước uống an toàn, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Xin được trích giới thiệu dưới đây nghiên cứu về thực trạng của hai con sông: Dương Tử và Tuul.
Lưu vực sông Dương Tử, Trung Quốc
Sông Dương Tử hay còn gọi là Trường Giang là một trong những hệ thống sông có tầm quan trọng bậc nhất của Trung Quốc, bao phủ phần lớn vùng Tây Nam nước này. Là một con sông lớn, chạy dài 3000km từ cao nguyên Tây Tạng xuôi xuống Thượng Hải, lưu vực sông Dương Tử có diện tích 1 808 500 km2, chiếm 18,75% tổng diện tích Trung Quốc. Lưu vực là nơi sinh sống của 285 triệu người, bao gồm các trung tâm quan trọng như Thượng Hải, Nam Kinh.
Nguồn cung nước của sông Dương Tử rất dồi dào với chỉ số tổn thương chung khoảng 0,2644. Điều này cho thấy lưu vực sông Dương Tử có những điều kiện tốt có thể đáp ứng mục tiêu quản lý tài nguyên nước bền vững. Mặc dù biến đổi khí hậu khiến khu vực này có lượng mưa cao hơn, nguồn nước của sông vẫn được duy trì ở mức tương đối ổn định, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu về nước cho người dân trên lưu vực.
Song các nhà chức trách và những người có liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước của Dương Tử cũng được cảnh bảo một vài xu hướng đáng lo ngại cần tìm hướng giải quyết.
Ô nhiễm nước tiếp tục là một thách thức cho hệ thống sông Dương Tử. Đáng lo ngại nhất là lượng chất thải ô nhiễm vào hệ thống sông có xu hướng tăng cao. Năm 2005, lượng nước thải chưa qua xử lý chảy thẳng vào sông Dương Tử là 29,64 tỉ tấn, tăng 34,4% so với năm 2001. Đồng thời, các chỉ số chất lượng nước lại theo chiều hướng đi xuống, tỉ lệ nước được chứng nhận dưới mức V – nghĩa là nước không thể sử dụng cho bất cứ mục đích nào, kể cả nông nghiệp và công nghiệp – tăng đáng kể, từ 6,65 % vào năm 1999 lên 14,5% vào năm 2005.
Xuất phát từ mối lo ngại về ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người dân sống xung quanh lưu vực, bản báo cáo khuyến nghị chính quyền địa phương xung quanh khu vực nên phối hợp cùng nhau triển khai thực hiện “Kế hoạch đối phó tình hình nguy cấp tại lưu vực sông Dương Tử”. Kế hoạch này nên chỉ rõ trách nhiệm của chính quyền trong từng khu vực với sự tham gia của cả các tổ chức phi chính phủ.
Mức độ sử dụng hiệu quả nguồn nước của Dương Tử so với các sông khác của thế giới tương đối thấp. Mặc dù giá trị sử dụng nước năm 2004 đã tăng lên 4USD/m3, nó vẫn chỉ bằng 1/10 giá trị trung bình trên thế giới (40 USD/m3).
Báo cáo cũng ghi nhận những nỗ lực trong việc cải thiện việc tiếp cận nước hợp vệ sinh cho người nghèo, song đồng thời cũng tin rằng chính quyền có thể làm nhiều hơn thế để bảo vệ nguồn nước, nhất là ở khu vực thượng nguồn lưu vực sông Dương Tử.
Mặc dù không phải con sông quốc tế, nhưng các nhánh sông Dương Tử có thể lại là đối tượng cho các xung đột quyền quản lý lưu vực sông. Chính bởi lẽ đó, bản báo cáo cũng kiến nghị nên có một hệ thống quản lý nhất quán nhằm tránh các cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai.
Lưu vực sôngTuul , Mông Cổ
Sông Tuul chảy từ Đông sang Tây, qua miền trung của Mông Cổ, là nguồn cung cấp nước sạch cho thủ đô Ulan Bato của quốc gia này. Nguồn cung nước cho lưu vực sông Tuul là từ các mạch nước ngầm (25%), tuyết tan (6%) và nước mưa (69%). Có khoảng 1,04 triệu người sống tại lưu vực sông Tuul, chiếm khoảng 36,7 5 % tổng dân số Mông Cổ.
Báo cáo cho thấy lưu vực sông Tuul đang đứng trước nhiều thách thức phức tạp, bao gồm khan hiếm nguồn cung nước, hiệu quả sử dụng nguồn nước thấp, ô nhiễm nguồn nước và những tác động của biến đổi khí hậu. Chỉ số thương tổn của Tuul ở mức khá cao là 0.4407, đòi hỏi sự can thiệp nhanh chóng của chính quyền nhằm cải thiện tình trạng hiện thời của tài nguyên nước tại đây.
Từ khi Mông Cổ thay đổi theo hướng kinh tế thị trường vào những năm 90, việc mở rộng các khu công nghiệp và tăng trưởng dân số khiến lượng nước sử dụng tăng cao. Nước sạch trở nên khan hiếm. Mức sử dụng nước của Mông cổ đứng thứ 56 trong tổng số 158 quốc gia trên thế giới với lượng sử dụng mỗi người/một năm là 13,739m3.
Vấn đề khan hiếm nước đi đôi với năng suất sử dụng nước thấp là tình trạng ở lưu vực sông Tuul. Quốc gia này tụt xa so với các nước khác về khả năng sử dụng nước hiệu quả. Mỗi m3 nước chỉ đem lại 1,053 USD so với con số 40/m3 USD của Nhật Bản.
Ô nhiễm nước cũng là thách thức lớn đối với sông Tuul, nơi chất lượng nước ở hạ lưu được xác định ở mức mức V, nghĩa là nước chỉ có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu.
Ô nhiễm phần lớn là do các công ty công nghiệp bơm nước thải trực tiếp vào sông Tuul mà hầu như không có bất kỳ hình thức xử lý hóa sinh nào. Tổng lượng nước thải vào sông Tuul tăng 14,3%, từ 50.150 000m3 năm 1996 lên 57.301 500 m3 năm 2005.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với nhiệt độ không khí và lượng nước bốc hơi ngày càng rõ rệt. Các phân tích trong vòng 60 năm qua cho thấy nhiệt độ trung bình ở Mông Cổ có xu hướng tăng, từ -3 lên -1 độ C. Mức tăng này cao hơn rất nhiều so với mức trung bình hàng năm của toàn cầu ( 0,4-0,8 ) do Ủy ban Liên chính phủ về Biển đổi Khí hậu (IPPC) công bố. Điều này tác động đến độ bốc hơi và do đó ảnh hưởng tới lượng nước.
Hàng loạt các thách thức mà lưu vực sông Tuul đang phải đối mặt được phản ánh trong các khuyến nghị của bản báo cáo bao gồm sự cần thiết phải có một cách tiếp cận tinh tế hơn trong quản lý lưu vực sông này với việc thành lập Ban Quản lý Lưu vực Tuul. Một trong những việc cần làm chính là thực hiện Kế hoạch tổng hợp về quản lý nước, đồng thời với việc vận động hành lang cho các luật hạn chế chất thải công nghiệp đang được bơm vào dòng sông.