ThienNhien.Net – Khi nhắc đến Quảng Nam người ta nghĩ ngay đến phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn hay bãi biển Cửa Đại… Nổi tiếng không chỉ với những bãi biển, những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp mà nơi đây còn nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống. Vài năm trở lại đây, nhiều làng nghề của Quảng Nam đã được khôi phục và trở thành điểm thăm quan thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên,phải làm gì để níu chân du khách lâu hơn và kéo họ trở lại các làng nghề. Đó là câu hỏi đang khiến cho các nhà quản lý du lịch Quảng Nam đang loay hoay tìm lời giải.
Cơ hội phát triển cho làng nghề
Với hơn 41 làng nghề truyền thống trên 100 năm, nổi tiếng như làng trống Lâm Yên, làng nghề đúc đồng Phước Kiều, bánh tráng Phú Chiêm…, Quảng Nam có thế mạnh để phát triển làng nghề gắn với du lịch, nâng cao đời sống của người dân và cũng là hướng phát triển bền vững của tỉnh hiện nay.
Mới đây, Trung tâm lữ hành Hội An đã xây dựng tour du lịch“Một ngày làm cư dân phố cổ” đưa hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến với các làng nghề truyền thống ở Hội An và tự tay làm những sản phẩm truyền thống như làm gốm ở Thanh Hà, làm lồng đèn, trồng rau ở Trà Quế…, tất cả đều mang một bản sắc rất riêng.
Với việc mở rộng các tour du lịch làng nghề đã làm cho du lịch Hội An ngày càng khởi sắc. Nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ..Đặc biệt làng rau Trà Quế đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu hàng hóa, tạo cơ hội cho rau Trà Quế bước chân vào siêu thị.
Không chỉ Hội An, mà còn nhiều làng nghề khác ở Quang Nam cũng đang dần hồi sinh khi được gắn kết với phát triển du lịch.
Và những thách thức….
Cơ hội đã có nhưng thử thách cũng không ít. Theo ông Trần Văn Quang – cán bộ phụ trách làng nghề phòng Công thương,huyện Điện Bàn cho biết: “Tại huyện đã thành lập một Hiệp hội mây tre – lá Điện Bàn và đang xúc tiến thành lập thêm các hiệp hội làng đúc đồng Phước Kiều, bánh tráng Phú Chiêm. Tuy nhiên, việc thành lập các hiệp hội tại các làng nghề không đủ yêu cầu tư cách pháp nhân theo nghị định của Chính phủ. Hầu hết các làng nghề này không có các doạnh nghiệp, cơ sở sản xuất đúng quy định”.
Theo đánh giá của ngành du lịch Quảng Nam, cho dù có được tín hiệu vui từ việc phát triển du lịch làng nghề nhưng ngành du lịch vẫn chỉ gói gọn trong hoạt động kinh doanh lưu trú. Còn con số thu được từ lữ hành còn quá nhỏ. Những làng nghề dù tiềm năng vẫn còn rất lớn nhưng đang có dấu hiệu suy thoái, mai một dần vì không bắt kịp với thị trường, không chú trọng vào thay đổi mẫu mã sản phẩm làm cho khách du lịch thấy nhàm chán.
Làng trống Lâm Yên ( Đại Minh, Đại Lộc) là một làng nghề đầy tiềm năng nhưng theo lãnh đạo nơi đây thì làng trống đang có nguy cơ biến mất vì thiếu vốn, trong khi đầu vào của nguyên liệu ngày càng cao còn đầu ra thì không ổn định. Hầu hết họ làm theo đơn đặt hàng và các xưởng trống thì không biết thông qua đâu để vay mỗi khi cần mở rộng sản xuất.Tương lai nghề trống sẽ đi về đâu khi lớp trẻ chỉ coi đây là nghề tay trái làm vào lúc nông nhàn?
Giải pháp cho du lịch làng nghề bền vững
Theo cuộc khảo sát mới đây của tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) trên 30 làng nghề ở Quảng Nam cho thấy, tiềm năng du lịch làng nghề của Quảng Nam khá lớn. Bởi các làng nghề truyền thống đã có thương hiệu nổi tiếng lâu đời, cảnh quan làng nghề đẹp, cơ sở hạ tầng thuận lợi, khả năng liên kết với các chương trình và điểm du lịch khác khá cao.Tuy nhiên muốn phát triển một cách bền vững và đủ khả năng hấp dẫn du khách thì Quảng Nam còn nhiều việc phải làm.
Theo anh Dương Ngọc Tiến – một nghệ nhân đúc đồng ở làng Phước Kiều nhận xét: “Điểm yếu của các làng nghề hiện nay là mẫu mã sản phẩm còn nghèo nàn, chưa xây dựng và giữ gìn được thương hiệu của làng nghề”.
Ông Trần Minh Cả, phó Chủ tịch UBND tỉnh lại khẳng định, mục tiêu sản phẩm du lịch làng nghề là ưu thế của du lịch Quảng Nam. Phải đưa làng nghề thành các điểm du lịch, góp phần phong phú sản phẩm du lịch và chủ trương đẩy mạnh việc phát triển du lịch làng nghề là một trong những lựa chọn số 1 của Quảng Nam.
Như vậy để kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi đến miền Trung hay Quảng Nam thì việc xây dựng các tour du lịch làng nghề là một trong những giải pháp quan trọng và không chỉ thúc đẩy ngành du lịch phát triển mà còn thúc đẩy các loại hình kinh tế khác của địa phương phát triển đúng hướng và bền vững. Để làm được điều đó cần có thêm yêu cầu tự vận động từ phía các làng nghề và sự nỗ lực hợp tác của các ngành các cấp.