Thiên đường biến mất

ThienNhien.Net – Quốc đảo Maldives được biết đến là một thiên đường nhiệt đới đối với khách du lịch và với cả ngành công nghiệp du lịch. Tuy nhiên đằng sau những bãi biển trắng phau, những ngọn sóng bạc đầu lại là nơi ở của những cư dân nghèo khổ và giờ đây, khi biển đang dần lấn đảo, họ buộc phải tìm một nơi khác để sinh sống.

Năm 2004, một cơn bão với sóng to gió lớn tiến vào quần đảo Maldives. Bề mặt sắc cạnh của dải san hô vòng bao bọc xung quanh vịnh đã khiến cho cường độ của sóng mạnh hơn một ngọn sóng thủy triều thông thường. 87 người đã thiệt mạng, con số có thể không lớn đối với bất kỳ một quốc gia nào khác nhưng lại là một thảm họa đối với quần đảo nhỏ này.

Con sóng này cũng đã nhấn chìm 2/3 tài sản quốc gia xuống Ấn Độ Dương và khi nước biển rút xuống, nó kéo theo 62% GNP của Maldives. Hệ thống điện, truyền thông, cung cấp nước sạch tại nhiều đảo bị nước mặn phá huỷ và chưa đầy hai năm sau Maldives đã khôi phục lại toàn bộ với sự giúp đỡ của Liên hiệp quốc và các tổ chức cứu trợ thế giới.

Có lẽ đó mới chỉ là một phần nhỏ so với những gì mà 300.000 dân cư Maldives sẽ phải gánh chịu khi trái đất nóng lên và làm mực nước biển tăng lên khoảng 1m trong thế kỉ tới, theo các dự đoán khoa học mới nhất.

80% diện tích Maldives, tương đương với 235 km2, chỉ cao hơn mực nước biển chưa tới 1m, báo hiệu một thảm họa đang đến gần. Dãy san hô vòng đang dần bị xói mòn, sự biến đổi thời tiết cũng đã bắt đầu được ghi nhận với sự gia tăng lượng mưa và những loài muỗi truyền bệnh.

Đối với hầu hết người nước ngoài, Maldives là một thiên đường du lịch. Những bãi biển trắng phau trải dài và nền nhiệt độ dễ chịu nhờ những làn gió nhẹ từ biển khiến cho đảo quốc này như một hòn ngọc quý để tận hưởng những trò chơi trên biển. Dưới biển lại là một thế giới kỳ bí với những dải san hô và hàng nghìn loài cá nhiệt đới khác nhau dành cho những du khách ưa khám phá thế giới thủy sinh.

Chiếm tới 35-40% GNP, du lịch là nguồn thu chủ yếu của người dân Maldives. Nguồn thu lớn thứ hai là từ ngành đánh bắt cá ngừ theo cách truyền thống bằng mác và dây, một cách thức thân thiện với môi trường nhưng nay lại ít được dùng do trữ lượng cá giảm. Nguồn thu còn lại từ trồng trọt, chủ yếu là dừa và đu đủ.

Từ hàng trăm năm nay, Maldives đã là một giao lộ của nhiều con đường thương mại, và điều này đã ảnh hưởng tới cư dân nơi đây về mặt sắc tộc và văn hóa, với sự pha trộn độc đáo của 3 nhóm người: Ấn, Phi và Ả-rập.

Nhưng dân cư của quốc gia 100% theo đạo hồi này đều nghèo. Với nền kinh tế quốc dân tương đương với mức của một thành phố nhỏ châu Âu, Maldives hoàn toàn phụ thuộc vào những khoản viện trợ và khoản vay của nước ngoài nếu muốn cứu thiên đường nhiệt đới này thoát khỏi sự xâm lấn của đại dương.

Ai, quốc gia hay tổ chức nào sẽ cung cấp khoản cứu trợ lên tới hàng trăm triệu USD này? Và liệu điều đó có đáng không? Liệu khách du lịch có nên tìm một địa điểm khác để nghỉ ngơi và những người dân Maldives có nên chuyển tới một vùng đất mới?

Jonas Kjaer, một nhà tư vấn người Đan mạch đã ở lại Maldives từ mùa xuân năm 2005 tới cuối năm 2007, theo chương trình phát triển liên hiệp quốc UNDP, để giúp chính phủ Maldives vực dậy nền kinh tế phát biểu: “Đây thực sự là một quốc gia quá nhỏ bé và đến năm 2100, trên lý thuyết có lẽ sẽ chỉ còn khoảng nửa triệu dân phải di cư. Nhưng liệu chúng ta có thể chấp nhận sự biến mất của quốc gia sở hữu một nền văn hóa độc nhất này không? Đó chính là câu hỏi mà chúng ta cần tự vấn trước tiên”.

Theo Jonas kjaer, cách thức để cứu lấy Maldives là nằm ở vấn đề dân số và hợp tác phát triển. Theo đó, bước đầu tiên cần phải quy tụ lại dân số Maldives trong 10 đến 15 hòn đảo thay vì ở trên 200 hòn đảo như hiện nay. Đồng thời có thể tăng số lượng đảo đón tiếp khách du lịch để giúp Maldives về mặt tài chính cho công cuộc di cư và tái thiết.

Bước tiếp theo là nâng cao các hòn đảo lên 2m so với mực nước biển và xây các bức tường vững chắc dọc theo bờ biển nhằm bảo vệ đảo khỏi thủy triều và bão biển.

Tất nhiên cũng cần quan tâm đến các yếu tố về lịch sử, văn hóa và xã hội. Thật không phải đơn giản khi di chuyển số dân vốn đã định cư ở những hòn đảo này trong 2000 năm nay mà không gây nên những chấn động chính trị.

Chính vì thế, kế hoạch dân số và hỗ trợ phát triển đã nằm trong ngăn kéo của chính phủ ít nhất là 10 năm, song do sự không sẵn sàng về mặt chính trị và sợ phản ứng của dân chúng, kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của cơn bão lớn năm 2004, dường như đang có một sự thay đổi trong suy nghĩ của người dân về việc cần thiết phải có một hành động nào đó.

Đặc biệt, lớp trẻ Maldives và những công dân hiểu biết hơn đã nhận thức được sự cần thiết phải di chuyển nơi ở, một vài trong số họ thậm chí đã sẵn sàng. Ngày càng có nhiều người Maldives trẻ tới Úc, New Zealand, Indonesia, Singapo, Mỹ hay Anh quốc học tập và sau khi kết thúc khóa học, nhiều người trong số họ đã quyết định ở lại, góp phần làm thay đổi suy nghĩ của những người dân còn ở lại Maldives.