ThienNhien.Net – Gần đây, do sâm đất có giá, người dân Vĩnh Châu đổ xô đi đào bắt nên mặt đất bị đào bới nham nhở, những thân cây ở khu vực rừng phòng hộ ven biển mới trồng 1 – 2 năm tuổi cũng bị chặt đứt, lật tung gốc. Đó là những gì còn sót lại của những người truy tìm sâm đất trên những cánh rừng phòng hộ ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Từ Hạt Kiểm lâm xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, chạy xe máy ra tuyến đê biển chưa đầy 10 phút có thể bắt gặp ngay cảnh đào bới tìm sâm đất. Những nơi mới bị đào, đất bị lật lên như những đám ruộng mới làm đất xong chuẩn bị xuống giống.
Hai vợ chồng anh T. cùng hai đứa con nhỏ đang đào bới tìm sâm đất. Bên cạnh họ là hai cái xô nhỏ, một cái đã đầy, còn một cái gần phân nửa sâm đất. Mới hơn 9h sáng, nhưng lượng sâm đất đã đào được ước chừng chục ký. Vậy mà khi được hỏi, anh T. trả lời rằng bữa nay vậy là ít, còn trước đó mấy tháng nhiều gấp mấy lần số này?!
Với giá sâm đất bình quân từ 10 – 12.000 đồng/kg, bình quân mỗi ngày, một gia đình (gồm 2 vợ chồng và 2 người con) đi đào sâm đất ít nhất cũng kiếm được từ một 100.000 đồng trở lên. Bởi vậy, không cần phải hỏi cũng biết lý do tại sao người dân nghèo ven biển Vĩnh Châu đổ xô đi đào sâm đất nhiều đến như vậy.
Hỏi một cậu bé chừng 12 – 13 tuổi đen nhẻm đi theo cha mẹ đào bắt sâm đất: “Có sợ kiểm lâm bắt tội phá rừng đào sâm đất không?” nó thản nhiên trả lời “tuy có sợ nhưng chưa ai bị bắt phạt vạ gì, nên cứ đào, miễn đừng để kiểm lâm thấy chặt cây thôi.”
Đi dọc theo tuyến đê biển vào con nước kém lúc này, chỗ nào cũng có thể nhận ra người đào sâm đất. Tuy số lượng người đi đào sâm đất khá nhiều, nhưng việc xử phạt lại rất khó vì chưa có văn bản qui định. Bởi thế, dù bất ngờ gặp kiểm lâm họ cũng tỏ ra không mấy sợ. Càng đi càng thấy rừng bị đào bới, chặt phá càng nhiều. Cả một cánh rừng giờ chỉ còn trơ lại vài cây đước nhỏ.
Theo cán bộ Hạt Kiểm lâm Vĩnh Hải, chuyện đào sâm đất chỉ mới rộ lên vài tháng nay, còn từ trước tới nay chưa ai bắt bao giờ.
Một cán bộ xã Vĩnh Hải cho biết thêm, chuyện bắt sâm đất do một số thương lái và dân bên Trà Vinh qua bày cho người dân địa phương chứ từ trước đến giờ chưa ai biết bắt sâm đất làm gì. Thường thì vào buổi chiều, thương lái mới qua cân sâm đất. Giá lúc đầu từ 12 – 13.000 đồng/kg, còn hiện tại chỉ từ 10 – 11.000 đồng/kg. Một người đào giỏi, một ngày có thể kiếm cả trăm ngàn đồng, nên người đi đào ngày càng nhiều.
Còn anh cán bộ Hạt Kiểm lâm Vĩnh Châu tên Nghị cho biết “Dọc theo cánh rừng phòng hộ ven đê biển Vĩnh Hải, Vĩnh Châu gần như chỗ nào cũng bị đào bới. Không chỉ đào sâm đất, họ còn chặt phá cả những cây rừng chỉ mới 1 – 2 năm tuổi, do sâm đất có đặc tính đào hang dưới rễ cây và thích sống ở những gò cao có khí hậu ẩm, nên những gốc cây ven đê bị chặt phá, lật gốc”.
Theo các tài liệu, sâm đất có tên khoa học là Sipunculus Nudus, còn người dân địa phương gọi là con bi bi, chặt khoai, cạp đất hay đồn đột. Đây là một loài động vật không xương sống, thân mềm hình trụ thon cỡ ngón tay út có màu nâu xám.