Rừng, nguồn nước, khoáng sản ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á (kỳ 2)

ThienNhien.Net – Các hệ sinh thái và các nguồn tài nguyên luôn có mối quan hệ tương tác lẫn nhau. Hiểu rõ được mối liên hệ này và tác động qua lại giữa tài nguyên thiên nhiên, môi trường và sự an toàn của con người là rất cần thiết trong việc xây dựng chính sách hiệu quả nhằm sử dụng bền vững tài nguyên, hạn chế suy thoái môi trường và các thảm họa tự nhiên. Tuy nhiên, trong thực tế việc xây dựng một chính sách hiệu quả, trở thành công cụ hữu hiệu để kiểm soát những mối quan hệ này lại không hề đơn giản vì nhiều lý do.

Kỳ II: Những vấn đề chính sách

Những vấn đề về định nghĩa

Rừng

Công tác quản lý rừng hiệu quả hiện đang bị cản trở bởi một vấn đề cơ bản – thiếu định nghĩa rõ ràng và nhất quán về “những gì tạo thành một khu rừng”. Chính vì vậy, rất nhiều nghiên cứu về phá rừng và biện pháp phục hồi rừng phải dựa vào nguồn dữ liệu thiếu sót hoặc thiếu tin cậy, làm phức tạp thêm nỗ lực quản lý tài nguyên hiệu quả. Việc thu thập số liệu chính xác toàn cầu về biến thiên của nạn phá rừng và tái trồng rừng cũng là một thách thức lớn.

Các quốc gia và tổ chức thường có những định nghĩa về rừng rất khác nhau do sự đa dạng và phong phú của các loại rừng trên thế giới, sự khác biệt về văn hóa và sử dụng rừng, cũng như bối cảnh phát triển xã hội của mỗi quốc gia. Định nghĩa về một khu rừng nói chung có thể phù hợp với một trong ba tiêu chí sau: là một đơn vị hành chính hoặc pháp lý (những khu đất được công bố là “rừng” một cách hợp pháp); độ che phủ của đất; và mục đích sử dụng của đất (đất được sử dụng như thế nào).

Ở Pakistan, “rừng” là những vùng đất do Sở Lâm nghiệp (tỉnh) quản lý. Theo thể chế này, rừng có thể bao gồm cả các diện tích đất không có cây nào cả, trong khi những khu vực khác có cây che phủ đáng kể lại có thể không được gọi là “rừng” nếu chúng không thuộc quyền kiểm soát của Sở Lâm nghiệp.

Theo định nghĩa của Tổ chức Nông Lương Thế giới năm 2000, “Rừng là những khu đất rộng hơn 0,5 ha có tán cây che phủ hơn 10%, và không sử dụng như đất nông nghiệp hoặc đất đô thị”.

Khu vực ven biển

Ở một số quốc gia, định nghĩa và quyền sở hữu vùng ven biển thường không rõ ràng. Điều này dẫn đến việc phân vùng và kiểm soát sử dụng đất không đầy đủ, từ đó làm giảm hiệu quả của công tác quản lý rừng ngập mặn. Ở các quốc gia Châu Á hiện có một sự biến chuyển lớn trong hệ thống luật pháp quốc gia về quản lý tổng hợp đới bờ và thực thi các điều luật này trong thực tiễn.

Những rào cản đối với cách tiếp cận tổng thể

Áp dụng cách tiếp cận tổng thể trong quản lý tài nguyên và môi trường sẽ mang lại những lợi ích quan trọng. Nông dân và cộng đồng địa phương là những người đã trực tiếp gánh chịu tác động từ ảnh hưởng qua lại giữa việc khai thác các nguồn tài nguyên khác nhau. Các tổ chức phi chính phủ đang cố gắng nâng cao nhận thức và thực thi các dự án để giải quyết vấn đề này. Các chuyên gia tài nguyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng cách tiếp cận đồng bộ. Các nhà hoạch định chính sách cũng nhận ra được tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các loại tài nguyên và họ cũng đã cảm nhận được tác động của sự khan hiếm tài nguyên đang tăng lên cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, xói lở đất, lốc xoáy và nguồn nước bị ô nhiễm. Mặc dù việc áp dụng cách tiếp cận tổng hợp là lựa chọn tốt để xử lý hầu hết các vấn đề nêu trên, nhưng các quốc gia đang phát triển ở Châu Á sẽ bị trì hoãn bởi sáu rào cản dưới đây.

Cạnh tranh lợi ích và quyền thực thi pháp luật giữa các ngành

Vì tài nguyên rừng, nước và khoáng sản luôn cùng tồn tại, và khi khai thác tài nguyên này sẽ làm tổn hại đến tài nguyên khác, nên các bên liên quan khác nhau thường tranh cãi để bảo vệ lợi ích của ngành mình, phổ biến là giữa các bộ của chính phủ và giữa các doanh nghiệp khai thác tài nguyên.

Không chỉ có sự không rõ ràng và thiếu hụt về cơ chế điều phối trong quản lý tài nguyên giữa các cơ quan chính phủ cấp trung ương, giữa chính phủ (trung ương) và chính quyền địa phương (vùng) cũng thường có xung đột về cấp phép khai thác gỗ hoặc khai thác khoáng sản.

Luật không rõ ràng và năng lực yếu kém

Luật pháp không rõ ràng và sự thiếu năng lực ảnh hưởng sâu sắc đến hiệu quả quản lý tài nguyên thiên nhiên. Những luật liên quan đến quản lý và khai thác khoáng sản thường rất mập mờ. Luật Môi trường Ấn Độ có tham chiếu Quy chế Bảo tồn và Phát triển Khoáng sản 1998 đưa vào các định nghĩa, quy định không rõ ràng, cho phép ngành khai khoáng diễn giải theo cách riêng của họ. Ví dụ, các điều khoản này quy định đất phải được hoàn trả lại “nguyên dạng đến mức có thể”; cây cối bị chặt hạ để làm đường khai thác phải được thay thế bằng số lượng gấp đôi nhưng lại không quy định loại cây nào cần được tái trồng lại.

Các cơ quan có trách nhiệm quản lý tài nguyên không chỉ cạnh tranh nhau hoặc lúng túng khi tác nghiệp do sự chồng chéo về quyền thực thi pháp luật, mà còn quá kém cỏi trong việc thực hiện vai trò được giao.

Một rào cản khác là các cơ quan chính phủ khác nhau và các chuyên gia kỹ thuật trong những lĩnh vực tài nguyên khác nhau thường không liên lạc và trao đổi thông tin thường xuyên với nhau. Chính vì thế nhiều vấn đề liên quan đến tài nguyên thiên nhiên đã không được phản ánh một cách đầy đủ và chính thống trong chính sách và luật pháp nhà nước.

Thiếu dữ liệu

Mặc dù đã có nhận thức chung rằng phá rừng sẽ làm mất tính ổn định của nguồn cung nước và khai thác khoáng sản sẽ phá hủy tài nguyên rừng và nguồn nước, nhưng thông tin và số liệu thống kê hiện tại phản ánh các mối quan hệ nói trên vẫn chưa đầy đủ. Việc thiếu thông tin có thể còn cản trở khả năng phản ứng của cộng đồng chống lại những doanh nghiệp khai thác tài nguyên có tác động tiêu cực đến họ.

Khung phát triển dựa vào những chỉ tiêu kinh tế

Trên thực tế, việc các quốc gia ưu tiên phát triển kinh tế hơn bảo vệ môi trường có thể là nguyên nhân cơ bản dẫn đến suy thoái tài nguyên và xung đột xã hội.

Vì mục tiêu kinh tế, những quy định môi trường và hoạt động quan trắc môi trường đã bị xem nhẹ. Các nỗ lực loại bỏ hoạt động khai thác quy mô nhỏ, bất hợp pháp và tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty nước ngoài hầu như không thành công. Chính phủ các nước đang phát triển luôn cố tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài nhờ vào việc bỏ qua những yêu cầu về bảo vệ môi trường và quyền con người của luật pháp nước họ hoặc thiết lập những tiêu chuẩn thấp hơn so với chuẩn mực quốc tế.

Nguy cơ từ sự phản ứng ngược các chính sách

Cần phải nhận thức được rằng việc ra lệnh cấm khai thác gỗ hoặc thúc đẩy tái trồng rừng không thể giải quyết tức thời các vấn đề lũ lụt hay biến đổi khí hậu. Trong khi đó, lệnh cấm khai thác gỗ ban đầu có thể dẫn tới tình trạng bấp bênh về sinh kế cho cộng đồng địa phương đang sống dựa vào rừng, đồng thời khuyến khích họ khai thác bất hợp pháp hoặc chuyển sang khai thác gỗ ở các nước láng giềng. Bởi vì hoạt động khai thác có thể bị cấm ở nước này nhưng lại không được ngăn chặn, hoặc ngăn chặn kém hiệu quả hơn ở nước láng giềng.

Cuối cùng, việc thành lập các vườn quốc gia, ví dụ như ở Pakistan và Indonesia, để bảo vệ các khu rừng và đa dạng sinh học, lại có thể dẫn đến việc suy thoái tài nguyên thiên nhiên do cộng đồng dân cư địa phương không hề có ý thức dài hạn về sở hữu đất đã không chú trọng đầu tư cho bảo tồn tài nguyên.

Triển vọng và trở ngại

Nhận thức về mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau của tài nguyên nước, rừng và khoáng sản là vô cùng cần thiết để quản lý hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu suy thoái môi trường cũng như hạn chế tác động của các thảm hoạ tự nhiên. Khi càng có nhiều người trực tiếp trải nghiệm tác động của khai thác tài nguyên do mất sinh kế, thiên tai, hay những vấn đề về sức khoẻ cộng đồng, thì nhận thức của họ về tác động của phá rừng đối với lũ lụt, và tác động của khai khoáng đối với nguồn nước cũng tăng lên.

Tuy nhiên, cách thức phản ứng lại thiếu sự hợp tác cần thiết trong khi vấn đề cần được giải quyết theo cách thức đồng bộ và có chiến lược hơn.

Điểm cần nhất là những bên liên quan như các cơ quan chức năng của chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng địa phương, các nhà khoa học/ nhà nghiên cứu, và truyền thông đại chúng phải liên kết lại với nhau, chia sẻ thông tin và xây dựng một nền tảng hiểu biết chung về mối quan hệ tương tác giữa tài nguyên nước, rừng và khoáng sản. Lý tưởng nhất, quá trình này sẽ giúp giảm thiểu những hành vi đối nghịch, xây dựng các định nghĩa, luật pháp và thể chế tốt hơn, phù hợp với yêu cầu quản lý tài nguyên thiên nhiên; các chính sách phải tối ưu hóa phát triển kinh tế, xã hội và đồng thời giảm thiểu suy thoái môi trường và các mối đe doạ đối với sinh kế của người dân.

Việc tăng cường năng lực cho cộng đồng để quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên không thể diễn ra cho đến khi bộ máy quan liêu của chính quyền hiện tại chịu trách nhiệm đối với việc xác định và đại diện cho quyền lợi của cộng đồng. Câu trả lời nằm ở việc cải tổ lại cấu trúc quản lý và chính sách, đảm bảo cơ chế tham gia của tất cả mọi người trong quá trình ra quyết định.
Kỳ 1: Khai thác tài nguyên và môi trường tự nhiên


*) Tiêu đề bài viết do ThienNhien.Net đặt. Nội dung được trích từ báo cáo “Quan hệ tương tác của việc khai thác tài nguyên nước, rừng và khoáng sản ở Nam Á và Đông Nam Á” (Trung tâm Henry Stimson, 2009) của tác giả Junko Kobayashi. Xem bản dịch đầy đủ bằng tiếng Việt tại website của Trung tâm Con người và Thiên nhiên tại đây >>