Những thân phận nhọc nhằn nơi bãi rác

ThienNhien.Net – Không có cuộc sống ấm êm, no đủ như bao gia đình khác, những thành viên trong gia đình chị Nguyễn Thị Kim Sa (quê ở Ô Môn, Cần Thơ) hàng ngày phải “bán mặt cho rác, bán lưng cho trời” để cào bới, lượm nhặt những gì có thể nuôi sống gia đình ở bãi rác cạnh nhà. Việc ăn ở, sinh hoạt hàng ngày của gia đình gắn liền với bãi rác.


Cả gia đình sống nhờ rác

Con đường vào bãi rác ở ấp Tân Hòa, xã Đông Hòa, huyện Dĩ An (Bình Dương) nhỏ hẹp với một bên là vực, một bên đất đá gồ ghề, trơn trượt và nhầy nhụa nước thải đổ ra từ xe rác.

Càng đến gần bãi rác, mùi xú uế, tanh tưởi bốc lên càng nghẹt thở và chóng mặt, nhất là trong cái nắng như đổ lửa giữa trưa cuối tháng 6. Thấp thoáng đằng sau những đống rác, bóng những con người nhỏ bé đang nhấp nhô cào bới. Nếu không nhìn kỹ, khó mà nhận ra được vì họ như đã lẫn vào rác.

Chị Nguyễn Thị Kim Sa vừa lúi húi căng tấm bạt nilon làm cửa cho cái chòi được quây kín bằng bạt nilon diện tích khoảng 20m2, vừa nói: “Cái này mới dựng chưa được một tuần, làm rác là thế, cuộc sống khó ổn định lắm. Nhưng có được chỗ “chui ra chui vào” là chúng tôi cũng an tâm kiếm tiền chi trả các khoản nợ trước kia”.

“Sao chị lại tìm đến bãi rác?”. Mắt chị Sa ươn ướt: “Trước đây gia đình tôi làm nông ở huyện Ô Môn, Cần Thơ. Nhưng từ ngày đứa con gái thứ tư bị bệnh ung thư máu, bao nhiêu của cải trong nhà, ruộng vườn cha ông để lại cũng đi theo nó. Nợ nần ngày càng tăng, ruộng không có để cày cấy tôi phải lên Sài Gòn kiếm sống. Không có trình độ, không tay nghề, tuổi cũng đã lớn, chỉ có mỗi sức khỏe là tốt nên người ta giới thiệu tôi vào làm nghề sàng lọc rác, đốt lấy phân ở những bãi rác.

Thời gian đầu, do không chịu được mùi tanh và hôi thối nên chị Sa thường bị nôn, ngày làm ngày không nên không đủ tiền ăn. Nhưng vì miếng cơm manh áo, làm mãi rồi chị Sa cũng quen, làm cũng đủ lo được ba bữa và dành dụm ít tiền gửi về quê trả nợ.

Ba người con gái còn lại của chị chưa học hết tiểu học đều theo mẹ lên Sài Gòn kiếm sống ở những bãi rác đã 5 năm nay.

Làm sao để đổi đời?

Chị Sa cho biết: “Nếu trời nắng và làm việc cật lực, mỗi người cũng kiếm hơn 10 ngàn đồng/ngày, còn như ngày mưa thì coi như cả nhà “thất nghiệp”. Đại gia đình nhà tôi có hơn 10 người làm nghề lọc rác, làm mãi cũng không thoát khỏi phận nghèo”.

Chị Nguyễn Thị Phiến – một “thành viên trong gia đình rác”, cho biết: “Làm nghề này cực khổ trăm bề. Từ sáng đến tối, chúng tôi phải sàng rác lấy phân. Mùi hôi thối cứ quấn lấy người, tối về tắm gội mà không sao thoát ra được. Tính ra, tôi làm cũng đã được 7-8 năm nay. Chồng tôi vì không chịu nổi cảnh sống cơ cực đã bỏ tôi và con trai đi nơi khác”.

Nhìn quanh căn nhà tạm bợ của chị, ngoài bao gạo 50kg chị vừa về quê vay tạm, trong nhà không có gì đáng giá. Kiếm miếng ăn từ bãi rác đã khổ, cuộc sống của những con người tại bãi rác lại càng khổ hơn vì không có nước, đến khi có được nước thì nguồn nước lại ô nhiễm nghiêm trọng.

Chỉ tay phía cái giếng nước mới khoan nằm ngay cạnh bãi rác, Thủy (con gái chị Sa) cho hay: “Phải mất hơn 3 triệu đồng mới có được nguồn nước giếng khoan. Nhưng mỗi lần bơm lên, nước chảy tới đâu có mùi tanh hôi bốc lên đến đó, vì vậy chúng tôi chỉ dùng vào việc tắm giặt. Nhưng những lúc không có tiền mua nước sạch, mọi người vẫn phải dùng nguồn nước này để nấu ăn”. Theo Thủy, nếu không “ăn rác”, “uống rác”, “sống từ rác” thì chẳng biết làm nghề gì hơn.

“Chỉ tội nghiệp mấy đứa nhỏ, chẳng đứa nào được đi học. Cả ngày đều theo mẹ đến bãi rác, chơi đùa trên đống rác. Những đứa trẻ khác nhìn thấy chúng đều không dám tới gần vì ghê sợ, ngay cả những người lớn cũng lánh xa gia đình chúng tôi”.

Chị Sa ngậm ngùi: “Ước mơ lớn nhất của tôi là mong kiếm được tiền để mấy đứa nhỏ có thể đến trường học hành, thoát khỏi đời “rác” như tôi”. Một mong ước thật giản đơn nhưng đó lại là điều khó thực hiện của những phận nghèo nơi bãi rác này.