Môi trường Hà Nội và hướng giải quyết đến năm 2010

ThienNhien.net – Thời gian gần đây, ô nhiễm môi trường tại một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng trầm trọng, khiến dư luận bức xúc và thu hút được sự quan tâm của nhiều cử tri. Đây cũng là nội dung thảo luận tại ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 18, HĐND Thành phố khóa XIII


Nhận dạng nguồn gây ô nhiễm

Ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố đang có xu thế gia tăng và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trong Đề án “Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến 2010” do Thành phố xây dựng đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường sống, đó là:

Thứ nhất, ô nhiễm môi trường do chất thải rắn (gồm rác thải sinh hoạt, chất thải rắn y tế và chất thải rắn công nghiệp). Mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 5000 tấn chất thải rắn, trong đó có khoảng 3500 tấn là chất thải rắn sinh hoạt đô thị và khoảng 1500 tấn chất thải rắn sinh hoạt nông thôn. Hiện tại, chất thải rắn sinh hoạt khu vực nội thành và ven nội thành cơ bản đã được thu gom và xử lý tại các khu xử lý tập trung của Thành phố. Tuy nhiên, các khu này cũng đang ở tình trạng quá tải và sắp lấp đầy. Tại khu vực nông thôn, tỷ lệ thu gom chất thải rắn đạt khoảng 83%, tỷ lệ xử lý đạt khoảng 34%. Chất thải rắn sinh hoạt tồn đọng tại khu tập kết, trung chuyển cũng như ở các điểm tự phát đã gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân nông thôn.

Thứ hai, ô nhiễm nước mặt (tại các sông, hồ):

Môi trường nước mặt tại nhiều khu vực trên địa bàn Thành phố đang bị ô nhiễm nặng do hầu hết nước thải của các khu đô thị, các khu công nghiệp, các bệnh viện, các khu vực dân cư đông đúc, các làng nghề… chưa được xử lý, hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn xả thải trực tiếp vào nguồn nước. Các dòng sông đã bị ô nhiễm và nặng nhất là 5 con sông thoát nước trong khu vực nội thành: Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ, sông Nhuệ.

Các hồ của Hà Nội cũng bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, sản xuất trực tiếp xả vào hồ. Trong khu vực nội thành có 35 hồ đã kè bờ, trong đó hồ Trúc Bạch đã được xử lý một phần nước thải chảy vào hồ; 9 hồ có hệ thống tách n¬ước thải không cho chảy vào hồ.

Thứ ba, ô nhiễm không khí do bụi xây dựng và khí thải giao thông

Nguồn ô nhiễm này đến trong quá trình xây dựng, cải tạo các khu đô thị, các dự án mà chủ đầu tư chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, thời gian thi công kéo dài. Đây là nguồn bụi chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí hiện nay.

Thêm vào đó, các phương tiện vận chuyển đất thải, phế thải, vật liệu xây dựng không được che chắn theo đúng qui định, làm rơi vãi vật liệu trên đường; các xe chở cát, sỏi, phế liệu không được rửa sạch trước khi rời khỏi khu vực bãi tập kết trung chuyển vật liệu và công trường xây dựng đã gây bụi và mất mỹ quan đường phố.

Ngoài ra, tốc độ phát triển các phương tiện giao thông cơ giới ở Hà Nội tăng mạnh đã xả một lượng khí thải không nhỏ gây ô nhiễm không khí.

Giải pháp cho ô nhiễm môi trường Hà Nội

Với mục tiêu hoàn thành quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn Thành phố trong năm 2009; Phấn đấu xử lý 10 – 15% lượng nước thải sinh hoạt khu vực nội thành trong quí IV/2010. Đến quý IV năm 2010 xử lý xong ô nhiễm nước cho toàn bộ các hồ đã được nạo vét và kè bờ trên địa bàn Thành phố.; Phấn đấu đến 2010 xử lý khoảng 40% lượng nước thải công nghiệp…. Đề án đã đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm giải quyết từng vấn đề ô nhiễm. Trong đó, có thể kể đến những giải pháp sau:

Đầu tư mở rộng Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn (Sóc Sơn), khu xử lý Xuân Sơn (Sơn Tây) và xây dựng một số bãi chôn lấp hợp vệ sinh mới. Triển khai dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công nghệ tiên tiến, hiện đại và đã được thực hiện có hiệu quả trên thế giới với chi phí phù hợp (dự kiến đặt tại Nam Sơn hoặc Đồng Ké). Xây dựng các khu xử lý chất thải rắn quy mô cấp huyện đáp ứng được các yêu cầu về xây dựng các bãi chôn lấp hợp vệ sinh như: Chương Mỹ, Thạch Thất, Mỹ Đức, Phú Xuyên…Trường hợp chôn lấp phân tán, nhỏ lẻ (qui mô cấp xã) phải đảm bảo theo tiêu chuẩn môi trường. Các hố chôn lấp rác quy mô nhỏ sau khi đầy có thể phủ đất và trồng cây lên trên để tạo cảnh quan môi trường, phù hợp qui hoạch.

Từ nay đến 2010, tập trung ưu tiên xử lý một bước ô nhiễm nước sông Tô Lịch đảm bảo các tiêu chí về thoát nước, môi trường và cảnh quan. Xây dựng dự án xử lý thí điểm 1 đoạn sông (dài khoảng 1km tại khu vực đầu nguồn sông Tô Lịch) sau đó sẽ tiến hành đánh giá và triển khai ở các đoạn sông tiếp theo. Thực hiện các giải pháp về quản lý, xử lý vi phạm và từng bước thực hiện các giải pháp tổng thể về môi trường sông Nhuệ, sông Đáy. Đối với các hồ trên địa bàn Thành phố: Triển khai thử nghiệm một số phương án xử lý giảm thiểu ô nhiễm 7 hồ trong năm 2009và nhân rộng áp dụng cho 26 hồ đã được kè bờ trên địa bàn thành phố trong năm 2010.

Đối với khu công nghiệp bắt đầu xây dựng, yêu cầu phải xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải ngay khi bắt đầu hoạt động. Công khai danh sách các khu, cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và thời hạn phải hoàn thành việc xây dựng để nhân dân cùng giám sát. Định kỳ kiểm tra tiến độ xây dựng các khu xử lý nước thải tập trung của các khu, cụm công nghiệp và thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở để đảm bảo thực hiện đúng cam kết. Kiên quyết xử lý người đứng đầu hoặc đóng cửa các doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường.

Đối với các bệnh viện của Hà Nội, đến hết năm 2010 tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho 12 bệnh viện và Trung tâm y tế chưa có trạm xử lý. Đối với các bệnh viện do Trung ương quản lý, kiến nghị Bộ Y tế và các Bộ chủ quản (Bộ Quốc phòng, Công an, Công thương, Giao thông vận tải…) đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các bệnh viện chưa có trạm xử lý. Trường hợp cần thiết có thể đề xuất di dời một số bệnh viện gây ô nhiễm nghiêm trọng ra khỏi nội thành. Đối với các cơ sở y tế tư nhân: tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và bắt buộc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Xây dựng dự án thí điểm xử lý nước thải 1 làng nghề chế biến tinh bột sắn tại xã Tân Hoà (huyện Quốc Oai), trên cơ sở đó nhân rộng áp dụng cho các làng nghề khác.

Xử lý nghiêm đối với các trường hợp đổ đất thải, phế thải không đúng nơi quy định, làm rơi đất, phế thải trên đường. Xây dựng một số trạm rửa xe tại khu vực bãi trung chuyển, khai thác cát, sỏi, vật liệu xây dựng và trên một số tuyến đường cửa ngõ vào trung tâm Thành phố.

Kiểm soát khí thải (thông qua đăng kiểm) các phương tiện giao thông cơ giới, trước mắt tập trung vào xe buýt và xe tải trên địa bàn Thành phố.

Tại buổi làm việc ngày 15/07, các đại biểu sẽ thảo luận và quyết nghị về Đề án “Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2010’’.