Bao giờ người nông dân mới thoát khỏi vòng “chặt – trồng”

ThienNhien.Net – Suốt mười mấy năm làm vườn, anh Bùi Đức Hải đã có kinh nghiệm trồng hơn chục loại cây từ nhãn, xoài, mảng cầu, sầu riêng, cây kiểng và rồi bây giờ là đến cây bơ. Anh bật mí: “tui chẳng học hỏi ai cả mà tự làm rồi tự rút ra kinh nghiệm sau nhiều lần chặt rồi trồng, trồng rồi chặt”.


Lẩn quẩn việc chặt – trồng

Một kinh nghiệm nữa cũng được anh rút ra là làm vườn không nên trồng chỉ độc nhất một loại cây, nên trồng xen nhiều cây càng tốt, thất cây này còn có cây khác vớt vát lại khi có biến động thời tiết giá cả.

Nói đến trồng cây ăn trái có kinh nghiệm ai cũng phải công nhận ông Tư Thạch về khoản biết đi đầu “Ăn trước, rào sau”. Ông Nguyễn Ngọc Thạch nhắc đến cuộc đời làm vườn của mình một cách dí dỏm nhưng cũng không thiếu phần “tự hào”: “Trước tui trồng nhãn, sau đó trồng mảng cầu, đến trồng sầu riêng, cây nào tui cũng tiên phong đi trước. Đến khi chặt cây đi trồng cây khác thì người ta mới làm theo. Bởi biết chắc chắn cây gì rồi cũng “lỗi thời” nên tui luôn tìm loại cây trồng mới có giá hơn. Như cây mãng cầu xiêm lúc xưa khi tui trồng với diện tích cả mẫu thì vài người trong xã vẫn đang còn một vài cây lẻ tẻ. Hồi đó mình trồng lời rất nhiều vì trên thị trường đang có nhu cầu. Giờ đây, cả xã nhà nhà trồng mãng cầu, người người trồng mãng cầu nên mãng cầu rớt giá phân nửa”.

Ông Thạch cho biết, hiện giờ trong vườn đang trồng bơ, sắp tới ông dự định sẽ trồng măng cụt.

Nghe có vẻ ngược đời nhưng đó cũng đang là tâm lý của nhiều nhà vườn trong mấy năm gần đây. Vòng lẩn quẩn chặt – trồng đang trì kéo người nông dân về với… lối canh tác manh mún. Đa số vườn trồng cây lâu năm đều không tránh khỏi việc này. Khi cây được giá cho thu nhập cao, người dân ồ ạt trồng, đến khi diện tích tăng, cầu vượt cung, thị trường dội hàng, người nông dân lại phải chặt bỏ bởi không thể đeo bám vì sợ lỗ công chăm sóc, đầu tư.

Kinh nghiệm của việc trồng cây mít tại xã Bảo Quang, thị xã Long Khánh là một điển hình. Cây mít viên linh một thời là cây cho giá trị kinh tế cao ngất ngưỡng. Giá một kg mít viên linh có khi lên tới 9.000 đồng, 1 ha mít có thể cho thu nhập 250 triệu đồng/năm. Năng suất cao, giá thành đạt, người dân ồ ạt trồng. Đến bây giờ, người trồng mít ngồi ngó nhau bởi trên thị trường đâu đâu cũng thấy mít. Mít viên linh hiện tại giá chỉ còn 1.000 đồng/kg, bán không ai mua. Nhiều nông dân đem chặt ra cho bò ăn.

Chị Mai Thủy – một cán bộ Hội Nông dân bức xúc: “Xã Bảo Quang có diện tích trồng mít trên 400 ha, với khoảng 150 ha cho thu hoạch. Nhưng giờ tình trạng giá mít trên thị trường như thế này, người nông dân lại phải chặt cây mít để trồng cây khác. Đặc biệt có những hộ trồng cây chưa kịp “ăn” đã chặt rồi. Tình cảnh của họ chưa biết phải tính sao”.


Một mảnh vườn “tả pí lù”. (Ảnh: dongnai.gov.vn)

Trồng xen – sự lựa chọn của nhiều nông dân

Khi chưa tính toán được hướng đi bền vững hầu hết bà con nông dân đều chọn phương pháp trồng xen nhiều loại cây khác. Tâm lý của họ là đón đầu xem xu thế là sắp tới cây nào có giá và trồng xen trước, đến khi cây lớn cho năng suất, được giá bán thì lại vội vã đi tìm hướng riêng. Ông Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ kinh nghiệm xương máu: “Đi trước chặt trước, đi sau thì không có ăn. Cứ trồng cây xuống là xác định đã “xưa” rồi. Người ta bắt chước trồng theo thì càng tệ nữa. Dù biết là không bền vững nhưng đa số nông dân đều chọn phương thức này. Người chọn đi độc lập thì thắng, đi đại trà thì thua. Đó là thực trạng của những người trồng cây công nghiệp dài ngày”.

“Thị trường bây giờ rất xô bồ, nơi tiêu thụ không có. Nông dân làm ra sản phẩm ngồi nhìn nhau khi giá cả mỗi lúc mỗi hạ thấp, tỷ lệ thuận với diện tích ngày càng nhân lên. Đa phần nông dân ta còn nghèo, ai cũng muốn có một cách thức để làm ăn ổn định, nhưng bà con nông dân tri thức còn hạn chế làm sao tính toán được đường nước vĩ mô, cái nào làm có lợi, có ăn thì họ sẽ làm” – Ông Thạch nói.

Chú Đoàn Văn Dưỡng một nông dân khác cũng cho biết: “Nhà chỉ có 0,5 ha đất nhưng tui trồng 3-4 loại cây, thành thử ra mùa nào trong năm tui cũng có thu nhập. Rút kinh nghiệm trước đây cứ trồng cây này rồi chặt để trồng cây khác, bây giờ cứ trồng mỗi loại vài chục cây, ăn không được cây này thì trồng cây khác. Cứ lấy ngắn nuôi dài như thế mà chắc ăn. Tính ra mỗi năm thu nhập trên mảnh đất 0,5 ha của tui là 80 triệu đồng, trừ chi phí cũng còn lời được 50 triệu đồng”.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn còn là câu chuyện dài

Quyết định 455 của UBND tỉnh về việc chọn ra 3 cây chủ lực có giá trị kinh tế hỗ trợ bà con nông dân phát triển đại trà trên diện tích lớn nhằm hướng mục tiêu xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, giải quyết bài toán đầu ra cho người nông dân đang được gấp rút triển khai. Đường lối chủ trương đã có, nhưng để thực hiện thành công trên thực tế đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ nhiều ngành, trong đó không thể không tính đến sự chủ động hưởng ứng của bà con nông dân với mục tiêu lâu dài hơn.

 
Tìm đầu ra cho nông sản – vẫn còn nhiều gian nan. (Ảnh: dongnai.gov.vn)

Chị Mai Thủy nhận xét: “Quyết định 455 về việc hỗ trợ về giống, phân bón, đầu tư kỹ thuật cho các cây chủ lực được bà con hoan nghênh, nhưng thực tế vẫn còn nhiều hộ chưa dám từ bỏ mảnh vườn mình đã khai thác bấy lâu nay”.

Ông Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ cũng bày tỏ ý kiến: “Nhiều cuộc hội thảo cũng đặt ra vấn đề người nông dân nên trồng cây gì, nuôi còn gì cho đạt hiệu quả, nhưng trên thực tế đây vẫn còn là khẩu hiệu. Nông dân đa phần vẫn làm theo cách của họ còn nhà chuyên môn làm theo cách của nhà chuyên môn. Ai cũng ý thức được tầm quan trọng của vấn đề nhưng để thực hiện nhiều nông dân vẫn còn trù trừ tính toán. Làm sao để thuyết phục được người nông dân thực hiện theo chủ trương mới quan trọng bởi thực trạng người nông dân vẫn chưa đủ mạnh dạn để bỏ cách làm manh mún nhưng “chắc ăn”, chưa dám đầu tư để hình thành nên một vùng chuyên canh rộng lớn”.

Anh Lâm Minh Hoàng, một nông dân sản xuất giỏi của huyện Xuân Lộc khẳng định: “Để làm ra một sản phẩm đạt tiêu chí cho xuất khẩu không khó. Nhưng có đầu ra đảm bảo, người nông dân mới mạnh dạn làm theo. Khi được đầu ra tốt, nông dân không còn phải lo lắng tìm nơi bán, tính toán thu nhập mà tập trung chăm lo cho chất lượng”.

Giải quyết vấn đề chặt – trồng, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp vẫn còn là những bước đi lâu dài do bản chất nền nông nghiệp Việt Nam đang còn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm làm ra chưa đạt được tiêu chuẩn để xuất khẩu. Để chủ trương thành công, cần đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tư vấn kỹ thuật và tìm con đường tiêu thụ nội địa an toàn. Trước mắt phải làm cho sản phẩm của người nông dân có chỗ đứng trong các siêu thị.