ThienNhien.Net – Ngày 09/07, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã ký kết hai thỏa thuận tín dụng ưu đãi, theo đó, Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ tổng cộng 300 triệu USD cho chương trình điện khí hóa nông thôn và trợ giúp việc thực hiện pha II của Chương trình 135. Nguồn tín dụng do Hiệp hội Phát triển Quốc tế chuyên cho vay ưu đãi sẽ bổ sung trực tiếp cho ngân sách quốc gia của Việt Nam.
“Cả hai gói tín dụng một lần nữa tái khẳng định cam kết của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam phát triển và giảm nghèo vào thời điểm đất nước đang gặp khó khăn do khủng hoảng tài chính,” Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu.
Trong số đó, Ngân hàng Thế giới cung cấp 100 triệu USD để hỗ trợ thực hiện Giai đoạn II của Chương trình, giúp hơn 2.000 xã nghèo trong 47 trên tổng số 64 tỉnh thành của Việt Nam. Nguồn hỗ trợ này giúp Chính phủ và cộng đồng trong nỗ lực giảm thiểu nghèo đói cho các dân tộc thiểu số ở vùng xa xôi hẻo lánh bằng cách tăng khả năng tiếp cận đến cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội cho họ. Pha II đã tài trợ để nâng cấp hàng nghìn km đường, trường học nông thôn, cung cấp nước sạch, cây con giống, và hỗ trợ nội trú để khuyến khích học sinh tiểu học đến trường.
Ngoài vai trò quan trọng đảm bảo rằng người nghèo, hầu hết ở các vùng nông thôn, có thêm nguồn lực để giải quyết các nhu cầu cấp thiết, giai đoạn Chương trình 135 là một ví dụ cụ thể về mối quan hệ đối tác hiệu quả cao giữa Chính phủ với các nhà tài trợ. Hỗ trợ chương trình này là Ủy ban Đối tác do Chính phủ điều phối huy động tài chính từ các chính phủ Úc, Phần Lan, Ai Len, Anh và hỗ trợ kỹ thuật từ Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) cùng với Quỹ Phát triển Nông nghiệp Thế giới (IFAD). Quan hệ đối tác sáng tạo này đảm bảo sự chỉ đạo của Chính phủ ở cả cấp quốc gia và cơ sở để chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế liên quan hỗ trợ việc đầu tư hữu hình và vô hình, nhằm giảm nghèo ở quy mô lớn hơn là những dự án chỉ thông qua một nguồn hỗ trợ.
“Trong tương lai, Ngân hàng Thế giới mong muốn làm việc với Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ khác để xác định và làm rõ nội dung cụ thể cho chương trình hỗ trợ giảm nghèo sau năm 2010 – thời điểm mà hầu hết nhiều chương trình giảm nghèo hiện có theo dự kiến sẽ kết thúc,” Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói thêm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới sẽ cung cấp 200 triệu đô la Mỹ bổ sung tài chính cho Dự án Năng lượng nông thôn II đang thực hiện. Việc tài trợ này sẽ giúp hoàn thành các mục tiêu ban đầu của dự án và và mở rộng quá trình điện khí hóa nông thôn. Sẽ có thêm khoảng 550 ngàn hộ dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ hỗ trợ thêm này vì có thể tiếp cận với nguồn điện có giá hợp lý và chất lượng hơn, bên cạnh khoảng 2 triệu người được hưởng lợi từ dự án điện nông thôn. Điện khí hóa nông thôn thực sự mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp và lợi ích xã hội gián tiếp.
Việt Nam được coi là điểm sáng trong Chương trình điện khí hóa nông thôn. Trong suốt 15 năm qua, từ năm 1993 đến cuối năm 2008, tỷ lệ tiếp cận điện năng của các hộ nông dân tăng từ 14% lên đến 94%. Trong khoảng thời gian này, trung bình mỗi ngày khoảng 1.900 hộ được kết nối và sử dụng điện lưới quốc gia.
Bà Kwakwa cho biết: “Ngân hàng Thế giới tích cực hỗ trợ Chương trình điện khí hóa nông thôn Việt Nam thông qua một loạt dự án bắt đầu bằng dự án Năng lượng nông thôn, giúp khoảng 555.327 hộ nông dân ở 976 xã tại 32 tỉnh thành Việt Nam tiếp cận được điện năng. Dự án năng lượng nông thôn II với hỗ trợ tài chính bổ sung nhằm nâng cao chất lượng và dịch vụ điện cho khoảng 1.500 xã nông thôn. Khi kết thúc dự án vào năm 2014, dự kiến sẽ có thêm khoảng 4 triệu hộ gia đình sẽ có nguồn điện ổn định và giá cả hợp lý để sinh hoạt và sản xuất”.