ThienNhien.Net – Hiện nay, chất lượng môi trường không khí của Hà Nội đã có biểu hiện suy thoái nghiêm trọng, đặc biệt là ở các nút giao thông và cửa ngõ vào nội thành. Nồng độ bụi và các chất khí thải gây ô nhiễm tăng dần và nhiều khu vực đã vượt tiêu chuẩn cho phép, nhất là tại các khu vực có mật độ giao thông cao.
Ông Nguyễn Văn Lưỡng, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2009, tại 250 điểm đo kiểm có 180 điểm đo có hàm lượng bụi lơ lửng vượt tiêu chuẩn cho phép (TCVN 5937- 2005) (chiếm 72%). Cụ thể : đường Nguyễn Trãi có vị trí vượt TCCP 11 lần, đường Nguyễn Văn Linh vượt TCCP 10,8 lần; ngã ba Tam Trinh – Lĩnh Nam nồng độ bụi vượt TCCP 5,2 lần; đường Phạm Văn Đồng nồng độ bụi vượt TCCP 3,6 lần; giao của đường 71 và đường 32 (huyện Đan Phượng) nồng độ bụi vượt TCCP 6,3 lần; giao của đường Láng Hoà Lạc và đường 21 (huyện Thạch Thất) nồng độ bụi vượt TCCP 4 lần; giao của đường 428- Pháp Vân tại ngã ba Guột nồng độ bụi vượt TCCP 4,4 lần…
Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường do khí thải của các phương tiện cơ giới gây ra cũng đang là thách thức lớn đối với quá trình phát triển đô thị của Hà Nội. Đó chính là sự gia tăng về số lượng của các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là các phương tiện chuyên chở vật liệu, đất đá phục vụ cho việc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, chất lượng các phương tiện (xét về nồng độ khí thải) đang tham gia lưu thông ở Hà Nội chưa cao, ý thức bảo vệ môi trường của các chủ phương tiện trong việc sử dụng, bảo dưỡng xe cơ giới còn nhiều hạn chế. Theo kết quả quan trắc, có tới 6/34 ngã tư nồng độ khí CO trung bình vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,03 – 1,55 lần, có tới 30/34 ngã tư có nồng độ SO2 vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,02 – 2 lần, có 32/34 ngã tư có nồng độ NO2 vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,08 – 2 lần, có tới 32/34 ngã tư có nồng độ C6H6 vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,1 – 3 lần.
Trước thực trạng bức xúc về ô nhiễm môi trường không khí, quan điểm và định hướng của thành phố Hà Nội là xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí, ưu tiên thiết lập mạng lưới các trạm quan trắc chất lượng không khí cố định. Tập trung quan trắc xác định những khu vực ô nhiễm trọng điểm (khu vực nội thành, khu vực phát triển xây dựng…) để từ đó đưa ra những biện pháp giảm thiểu, khắc phục khả thi. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng mức chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Quy hoạch mở rộng các khu không gian công cộng và phát triển không gian xanh đô thị để điều hoà tiểu khí hậu; Phát triển giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân để giảm bụi và khí thải từ các hoạt động giao thông gây ra.
Trước mắt, từ nay đến hết năm 2010, để giảm thiểu ô nhiễm không khí do bụi, lực lượng thanh tra xây dựng, thanh tra giao thông sẽ tăng cường giám sát việc chống bụi ngay tại các công trường xây dựng, các bãi khai thác, trung chuyển cát, sỏi; các phương tiện vận chuyển vật liệu và phế thải xây dựng. Các quận, huyện, thị xã bố trí và công bố công khai các điểm tập kết để trung chuyển đất thải, phế thải xây dựng trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với các trường hợp đổ đất thải, phế thải không đúng nơi quy định; làm rơi đất, phế thải trên đường. Xây dựng một số trạm rửa xe tại khu vực bãi trung chuyển và khai thác cát, sỏi, vật liệu xây dựng và trên một số tuyến đường cửa ngõ vào trung tâm thành phố.
Các cơ quan chức năng của thành phố cũng sẽ tăng cường công tác tổ chức giao thông, chống ùn tắc nhằm hạn chế ô nhiễm về khí thải giao thông. Trong đó, kiểm soát chặt chẽ khí thải (thông qua đăng kiểm) các phương tiện giao thông cơ giới, trước mắt tập trung vào xe buýt và xe tải qua Thành phố; phát triển mạng lưới giao thông công cộng và tăng cường trồng cây xanh tại các tuyến phố và khu vực công cộng…