ThienNhien.Net – Với diện tích gần 2.462 ha, nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế ở tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, trong những năm qua người nuôi tôm vì phát triển tự phát, ý thức trách nhiệm chưa cao, không tuân thủ lịch thời vụ, đã dẫn đến môi trường vùng nuôi tôm nhanh chóng bị ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại kinh tế cho các hộ nuôi tôm. Nay, họ đã thay đổi phương thức sản xuất.
Trước kia, ở Qui Canh, thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước các hộ nuôi tôm chủ yếu theo phương thức quảng canh cải tiến, một vài hộ nuôi theo phương thức bán thâm canh. Lúc ấy, cũng như đa số vùng nuôi khác trong huyện đã thả tôm từ 1,5 – 2 tháng, đa số thả lại lần thứ 2, có người đã thả tôm lần thứ 3 nên không đồng bộ, không tuân thủ lịch thời vụ đã xảy ra dịch bệnh và lây lan nhanh chóng trong toàn vùng nuôi.
Năm 2003, Trung tâm Khuyến ngư và Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thuỷ sản Bình Định xây dựng mô hình nuôi tôm cộng đồng quy mô 16,5 ha cho 21 hộ tại Qui Canh. Sau đó, chi hội nuôi tôm Qui Canh được thành lập và đề ra quy ước hoạt động. Bằng sự nhiệt tình, chịu khó, ông Nguyễn Sanh Thoại – Chi hội trưởng đã dần đưa bà con về một mối. Do những năm trước dịch bệnh triền miên, thất thu nên nhiều chủ hộ không còn tiền để thả giống nuôi. Chi hội đã họp và thảo luận cụ thể để giúp những hộ khó khăn, mức hỗ trợ 0,5 – 1 triệu đồng để mua con giống. Số tiền đó chưa lớn nhưng sự quan tâm của mọi người cho mỗi người đã tạo nên tình đoàn kết, đồng tâm trong sản xuất cũng như trong hoạt động của chi hội.
Những ao tôm dịch bệnh được hỗ trợ xử lý trước khi xả ra môi trường chung, những hộ thiếu kinh nghiệm nuôi được những người có kinh nghiệm giúp đỡ. Cứ như vậy, mọi người ở Qui Canh lo lắng, bảo vệ cho nhau, tạo nên một khối thống nhất trong sản xuất. Kết quả sản xuất năm 2003, các hộ nuôi đều có lãi, năng suất bình quân đạt 650 kg/ha, cá biệt có hộ đạt hơn 1.000 kg/ha.
Đạt được kết quả đó là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm và các sở ban ngành, chính quyền địa phương. Trước khi thành lập tổ nuôi tôm cộng đồng Trung tâm phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, xác định địa điểm, qui mô diện tích, tổng số hộ tham gia theo từng tổ dựa trên đặc thù từng khu vực cụ thể. Đồng thời tổ chức họp dân, tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, vận động các hộ nuôi tôm tham gia thành lập các tổ nuôi tôm theo hình thức quản lý cộng đồng.
Theo đó, người tham gia vào tổ cộng đồng sẽ được hỗ trợ kinh phí tổ chức các buổi họp; tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm; hỗ trợ 50% hóa chất dập dịch khi có dịch xảy ra. Bên cạnh đó, các tổ còn được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp các thông tin có liên quan đến nuôi tôm, như mùa vụ thả tôm trong năm, giá cả thị trường, tình hình dịch bệnh. Thống kê cho thấy, kết quả sản xuất tại các vùng nuôi tôm theo tổ cộng đồng đều đạt cao hơn so với các khu vực chưa thành lập tổ cộng đồng. Năng suất nuôi tổng hợp thân thiện với môi trường bình quân đạt 0,8 – 1 tấn/ha. Tỷ lệ tôm bị dịch tại các tổ cộng đồng cũng rất thấp, các hộ nuôi đều có lãi.
Hiện nay, việc nuôi tôm theo tổ cộng đồng ở Bình Định đã xuất hiện thêm nhiều nhân tố điển hình tiên tiến như hộ ông Võ Bình Tâm, Trương Đắc Hùng thuộc tổ cộng đồng tràn 3, khu vực 4, phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn. Những hộ nuôi này đã mạnh dạn áp dụng đối tượng nuôi mới như ương và nuôi cua xanh thương phẩm từ nguồn giống nhân tạo đã đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Đến nay, toàn tỉnh Bình Định đã thành lập được hơn 20 tổ nuôi tôm theo cộng đồng, bình quân mỗi tổ có khoảng 6 hộ tham gia với diện tích 1-5 ha.
Thông qua nuôi tôm theo tổ cộng đồng, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhiều hộ nuôi được nâng cao bởi họ thường xuyên được trao đổi cung thông tin về thời tiết, mùa vụ, giá cả thị trường, tình hình dịch bệnh và kinh nghiệm phòng, trị bệnh; phòng, chống thiên tai và bảo vệ tài sản, từ đó tạo sức mạnh chung trong kiểm soát con giống, thức ăn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng kiểm tra, cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, thuận lợi trong việc bảo vệ thương hiệu chất lượng sản phẩm cho cộng đồng, nâng cao uy tín sản phẩm trên thị trường.
Mối quan hệ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất được xiết chặt, tình làng nghĩa xóm được gắn bó hơn nên ngoài việc tiếp tục duy trì các tổ hiện có, thời gian tới Bình Thuận sẽ tiếp tục thành lập các tổ nuôi tôm theo cộng đồng ở các địa phương khác trong toàn tỉnh.