ThienNhien.Net – Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách về hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, đặc biệt là ở địa bàn khó khăn để giúp hộ nghèo tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, từng bước thay đổi tập quán sản xuất, tăng thu nhập, góp phần xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống cho nông dân. Tuy nhiên, làm thế nào để mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người nghèo là một vấn đề cần quan tâm.
Năm 2008, Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Thọ xây dựng mô hình nuôi gà lông màu theo phương pháp bán công nghiệp, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học với quy mô 500 con tại xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn.
Khó khăn ở đây là mô hình khuyến nông xoá đói giảm nghèo, vì vậy đối tượng tham gia mô hình phải là các hộ nghèo thuộc xã nghèo. Hộ nghèo đa số là có trình độ sản xuất thấp, tổ chức sản xuất và hoạch toán kinh tế còn hạn chế. Vậy liệu các hộ nghèo có tiếp cận được những tiến bộ kỹ thuật mới hay không? Có áp dụng được tiến bộ đó vào sản xuất hay không? Làm thế nào để vừa chọn đúng đối tượng mà mô hình vẫn thành công? Nhiệm vụ của người cán bộ khuyến nông lúc này là sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng, giúp người nghèo biết cách làm ăn.
Để làm tốt yêu cầu đó, Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, khảo sát lựa chọn được 10 hộ nghèo đảm bảo đủ điều kiện như có vườn, chuồng để nuôi nhốt gà, có ý thức học hỏi những tiến bộ kỹ thuật mới và tự nguyện dành một phần lương thực sẵn có của gia đình như lúa, ngô, khoai, sắn để bổ sung vào khẩu phần ăn của gà. Điều đặc biệt là cả 10 chủ hộ đều là phụ nữ nghèo và là người dân tộc thiểu số, tuy điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn song chị em cùng có một điểm chung, đó là lòng say mê, nhiệt tình và luôn có ý thức học hỏi tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Nhờ đó, mô hình đã được triển khai một cách thuận lợi.
Trước khi thực hiện mô hình các chị đã được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học. Giảng viên đã kết hợp cả lý thuyết và các dụng cụ trực quan (như kim tiêm, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, dụng cụ phun thuốc sát trùng, mẫu thức ăn…) để thực hành từ việc chăm sóc nuôi dưỡng đàn gà, cách sử dụng thuốc sát trùng, vacxin phòng bệnh như thế nào cho đúng, cho đủ để đạt được hiệu quả cao mà không ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng phát triển của đàn gà, cách cho ăn…
Trong quá trình nuôi các chị đã sử dụng thức ăn đậm đặc được hỗ trợ phối trộn với những sản phẩm nông nghiệp của gia đình tự sản xuất theo tỷ lệ thích hợp cho gà từng lứa tuổi. Sử dụng vác xin phòng bệnh theo đúng quy trình cán bộ kỹ thuật hướng dẫn và định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng và khu vực xung quanh chuồng nuôi 1 – 2 lần/tuần. Cùng với lòng say mê, nhiệt tình của các chủ hộ, cán bộ kỹ thuật cũng thường xuyên đến cơ sở kiểm tra, hỗ trợ các hộ phát hiện và xử lý kịp thời một số bệnh thường gặp ở gà, đặc biệt là những thời điểm quan trọng như giai đoạn cúm gà, những ngày tiêm, nhỏ vác xin phòng bệnh. Vì vậy, đàn gà rất khoẻ, tỷ lệ sống cao (>90 %, cá biệt có những hộ đạt 100%), sau 4 tháng nuôi, trọng lượng đạt 2,2 – 2,5 kg/con. Trừ chi phí, các chị đã thu được 14.000 – 16.000 đồng/con. Lợi nhuận đó tuy không lớn, nhưng đối với những hộ nghèo như các chị thì quả là không nhỏ. Ngoài việc trang trải sinh hoạt cho gia đình, các chị còn dùng số tiền đó để mua gà giống nuôi quay vòng một chu kỳ sản xuất mới.
Mô hình tuy không lớn, đầu tư không nhiều nhưng các chị rất vui vì đã học hỏi được những tiến bộ kỹ thuật và con giống mới áp dụng vào sản xuất. Thiết nghĩ, đây là mô hình khuyến nông cần được nhân rộng cho bà con nông dân nghèo tại các địa phương trong tỉnh Phú Thọ.
Từ kết quả mô hình đã giúp người cán bộ làm công tác khuyến nông rút ra một bài học bổ ích, đó là vấn đề quyết định thành công của một mô hình trình diễn khuyến nông nói chung và mô hình khuyến nông cho người nghèo nói riêng là khâu lựa chọn đối tượng hộ tham gia và phương pháp tập huấn kỹ thuật trước khi thực hiện mô hình để các hộ áp dụng tốt nhất quy trình kỹ thuật vào sản xuất.