ThienNhien.Net – Với bốn thành viên mới là Albani, Burkina Faso, Mozambic và Zambia, Sáng kiến minh bạch các ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) đã có được 30 thành viên. EITI là một cố gắng mang tính toàn cầu, đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể nhằm thúc đẩy tính minh bạch trong công tác quản lí những nguồn thu từ dầu mỏ, khí đốt và các ngành công nghiệp khai khoáng.
Giám đốc Viện giám sát thu nhập (Revenue Watch Institute), Bà Karin Lisakers, nhận xét rằng EITI sẽ mang lại cho các chính phủ và người dân của họ những cuộc đối thoại hợp pháp về quản lí nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nếu không có sự đối thoại này thì những quốc gia có nhiều dầu mỏ và khoáng sản sẽ còn tiềm ẩn những bất ổn về kinh tế, chính trị cũng như xã hội.
Từ khi EITI ra đời (năm 2002), nó đã nhận được sự tài trợ của các quốc gia thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức quản lý Quỹ tài trợ EITI và Quỹ cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật. Số quốc gia tài trợ hiện là 9 nước, bao gồm Úc, Bỉ, Canada, Phần Lan, Pháp Đức, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha , Anh và Ủy ban Châu Âu. Hoa Kì và Thụy Sĩ cũng sẽ sớm tham gia.
Ngài Somit Varma, Giám đốc phụ trách về dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản của Ngân hàng Thế giới cho rằng việc EITI ngày càng có nhiều thành viên từ châu Phi và các khu vực khác trên thế giới là tín hiệu đáng mừng. Điều đó cho thấy họ đã nhận ra lợi ích từ việc minh bạch hóa các khoản thu nhập từ các ngành công nghiệp khai khoáng. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng EITI chỉ thành công khi các nước tham gia hoàn toàn tự nguyện. Ngân hàng thế giới cam kết sẽ ủng hộ các quốc gia tham gia EITI.
Theo cơ chế hoạt động của EITI, chính phủ các quốc gia, các tập đoàn khai thác là thành viên cần đệ trình bản thuyết trình về giám sát và kê khai các khoản thu ngân sách từ hoạt động khai khoáng. Dựa trên bản thuyết trình này, Ban điều hành EITI sẽ xác minh và công nhận những nước đạt tiêu chuẩn. Azerbaijan, một quốc gia Trung Á dồi dào dầu mỏ, đã được ghi nhận là nước đầu tiên đạt tiêu chuẩn của EITI vào đầu năm nay.
Được biết, thế giới hiện có khoảng 3,5 tỉ người sống ở các quốc gia dồi dào về dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản. Mặc dù vậy, nhiều nước trong số đó, đặc biệt là châu Phi, phải gánh chịu cái gọi là “Lời nguyền tài nguyên”. Việc khai thác và xuất khẩu ồ ạt tài nguyên thô đã gia tăng đói nghèo, tham nhũng, xung đột và hủy hoại môi trường.
Vào năm 2000, tình hình châu Phi đã chuyển biến khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã nhận ra “mâu thuẫn kim cương” chính là là nguyên nhân kéo dài các cuộc chiến đẫm máu. Ở Angola và Siera leone, mâu thuẫn kim cương là sân sau của những những đường dây buôn bán vũ khí và các hoạt động phi pháp khác của các nhóm phiến loạn.
Tương tự như vậy ở Cộng hòa Dân chủ Công-gô, các nhóm vũ trang thu tiền từ các mỏ khoáng sản như thiếc, tantali, vôn-fram, vàng – những vật liệu sử dụng cho ngành điện tử. Chúng dùng vũ lực kiểm soát các hầm mỏ, đòi hối lộ hay thu tiền đối với các nhà vận chuyển, các thương nhân địa phương và quốc tế, đồng thời kiểm soát đường biên giới.
Bà Obiageli Katryn Ezekwesili, Phó chủ tịch WB khu vực châu Phi nhận xét “Việc tham gia EITI chỉ là bước đầu tiên, cho thấy tín hiệu tốt từ chính phủ trong việc minh bạch hóa. Nếu muốn người dân thực sự hưởng quyền lợi từ việc khai mỏ, quá trình minh bạch hóa phải gắn với kiểm soát nguồn khoáng sản, lựa chọn và tiến hành các hạng mục đầu tư, giám sát các hợp đồng đấu thầu, việc thu chi các khoản thuế và tiền thuê mỏ…”
Mới đây, trong một nỗ lực ngăn chặn dòng tiền từ các mỏ khoáng sản phục vụ cho cuộc nội chiến đẫm máu ở CHDC Công-gô, thượng viện Mĩ đã thông qua một đạo luật buộc các công ty Mĩ phải theo dõi và báo cáo nguồn gốc các khoáng sản sử dụng trong các sản phẩm điện tử dân dụng.
Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu hiện nay, EITI được coi là giải pháp giúp các quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài và khắc phục sự suy giảm kinh tế.