ThienNhien.Net – Hiện nay, mực nước các sông thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đều dâng cao, gây sạt lở và úng lụt một số địa điểm. Tính đến 18 giờ chiều ngày 05/07, đã có 35 người chết, bị thương và mất tích tại 5 tỉnh: Lào Cai, Cao Bằng, Sơn La, Hà Giang và Bắc Kạn.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, tỉnh Bắc Kạn bị thiệt hại nặng nề nhất với 13 người chết, 11 người bị thương; tỉnh Cao Bằng có 3 người chết, 2 người bị thương và 2 người bị mất tích; tỉnh Lào Cai, Sơn La mỗi tỉnh có 1 người bị chết; tỉnh Hà Giang có 1 người bị chết, 1 người mất tích.
Tổng số nhà đổ, sập, trôi và bị ngập, hư hại lên đến 161 căn. Cũng tại 5 tỉnh nói trên, tổng diện tích hoa màu bị ngập úng ước chừng 336 ha; khối lượng đất đá bị sạt lở, bồi lấp lên tới 495 m3. Chính vì vậy, một số huyện, thị trấn bị ách tắc giao thông, khiến việc cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Hà Kim Oanh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Hiện tại Pắc Nặm là một huyện bị thiệt hại nghiêm trọng nhất của tỉnh Bắc Kạn. Tính đến 19 giờ chiều tối ngày 05/07, huyện Pắc Nặm đã được thông xe hoàn toàn. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn và đoàn công tác của UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành tìm kiếm người mất tích, thống kê thiệt hại trên toàn huyện và quan trọng nhất là đã tiếp tế lương thực, vật dụng cần thiết đến từng hộ gia đình bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ.
Ông Oanh cũng cho biết thêm, hiện nay lượng mưa bắt đầu giảm và mực nước sông Năng (Bắc Kạn) cũng đã rút xuống còn ở mức báo động 2.
Tuy nhiên, các lực lượng cứu hộ vẫn được chỉ đạo tiếp tục ứng cứu giúp dân và chủ động các phương án với diễn biến của mưa lũ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ ngày 6-10/07/2009, mực nước các sông vùng thượng lưu tiếp tục lên nhanh trong 1, 2 ngày tới; hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình còn lên trong 4, 5 ngày tới. Như vậy, các địa phương phải nghiêm túc trong việc cử cán bộ phòng, chống mưa lũ xuống các địa bàn chỉ đạo người dân khắc phục hậu quả và tiếp tục di dời những hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn, chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.