ThienNhien.Net – Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam sẽ là 1 trong 5 nước bị ảnh hưởng mạnh nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là tác động do mực nước biển dâng cao. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Có thể nói BĐKH trước hết gây ra các biến động về môi trường, khủng hoảng sinh thái, từ đó có thể dẫn đến một số vấn đề nan giải về an ninh lương thực quốc gia. Đầu tháng 06/2009 vừa qua, tại thành phố Cần Thơ đã có buổi hội thảo khoa học nhằm bàn các giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.
Bảo tồn để phát triển
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm, cán bộ khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh: “ĐBSCL đang chịu nhiều ảnh hưởng do BĐKH toàn cầu. Đất đai bị bạc màu, đa dạng sinh học giảm mạnh. Diện tích đất bị xâm nhập mặn, đất bị khô hạn, nhiễm phèn ngày càng tăng. Hiện nay, có khoảng 2,1 triệu ha đất bị nhiễm mặn và 1,6 triệu ha đất nhiễm phèn, khô hạn. Nhiệt độ không khí tăng cao và hạn hán bất thường, lũ lụt không theo qui luật, nhiều dịch bệnh mới hình thành…”.
Theo nhiều nhà khoa học, những nguyên nhân trên đã báo động tình trạng khu dự trữ sinh quyển đa dạng sinh học ở ĐBSCL đang chịu nhiều thách thức bởi sự khai thác quá mức để phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, đã tác động mạnh mẽ đến đa dạng sinh học ở ĐBSCL, mà biểu hiện dễ thấy nhất là phá vỡ cấu trúc tự nhiên của đất. Việc đắp đê bao, đào hệ thống kênh mương ngang dọc đã chia cắt ĐBSCL thành nhiều ô nhỏ. Việc tôn nền đất ở, làm đường giao thông tránh lũ, lên liếp trồng cây đã tạo nên những thay đổi về địa hình và tính chất của đất. Ở một số nơi, người dân tự ý đưa nước mặn vào đồng để chuyển sang nuôi trồng thủy sản, nên đất bị nhiễm mặn không thể cải tạo để canh tác nông nghiệp.
Các chuyên gia Viện Sinh học Nhiệt đới T.P Hồ Chí Minh cho rằng, đa dạng sinh học với nguồn tài nguyên sinh vật giàu có, hệ thống cảnh quan phong phú luôn là nền tảng của sự phát triển ĐBSCL và còn quan trọng hơn khi vùng kinh tế này chuyển mạnh sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính vì vậy, bảo tồn đa dạng sinh học ở ĐBSCL không chỉ là công việc của những nhà sinh học, bảo vệ môi trường mà còn là nhiệm vụ của mọi ngành, mọi tầng lớp.
Đã đến lúc chúng ta phải chuyển từ khai thác để phát triển sang bảo tồn để phát triển. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có chiến lược quản lý tài nguyên nước và lưu vực sông. Cụ thể là thúc đẩy việc bảo vệ rừng, sử dụng hợp lý đất đai, củng cố và quản lý tốt các khu bảo tồn thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và xóa đói giảm nghèo. Nhất thiết phải hình thành Khu Dự trữ sinh quyển ĐBSCL. Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực ĐBSCL phải được xây dựng theo nguyên tắc lồng ghép với các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội phục vụ phát triển bền vững, nâng cao phúc lợi con người phù hợp với đặc trưng các yếu tố tự nhiên của địa phương.
Theo Phó Giáo sưTiến sĩ Hoàng Lương – Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, do được ưu đãi về điều kiện tự nhiên, nên từ lâu đời ĐBSCL đã trở thành vùng sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước. Các thế mạnh nổi bật của vùng là trồng lúa, đánh bắt, nuôi thủy sản. Vấn đề là làm sao duy trì được mối quan hệ hài hòa giữa điều kiện môi trường tự nhiên và con người. Cả hai phải được phát huy song song, không lệch bên nào.Một thế mạnh nữa mà ĐBSCL cần quan tâm là phát triển công nghiệp. ĐBSCL không chỉ thuần túy là vùng sản xuất lương thực, vựa lúa của cả nước mà còn có khả năng phát triển công nghiệp với tiềm năng lớn về chế biến lương thực, bánh kẹo, xay xát lúa, chế biến bột gạo, sản xuất vật tư nông nghiệp… Thực tế cho thấy ở ĐBSCL đã hình thành nhiều khu công nghiệp, nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái. Trên đà này, nếu biết phát huy các thế mạnh sẵn có, thời gian tới ĐBSCL sẽ vừa là vùng lúa, vùng cá vừa là vùng phát triển các sản phẩm công nghiệp, nhất là chế biến nông, hải sản.
Tuy nhiên, trước sự đe dọa của thiên nhiên và sự khai thác quá mức, thiếu kế hoạch của con người, các thế mạnh của ĐBSCL đang dần cạn kiệt và suy thoái. Vì vậy, cần phải có những giải pháp mang tầm chiến lược lâu dài để khắc phục, hạn chế tối đa những vấn đề này. Cấp thiết nhất là phải bảo tồn được các khu rừng ngập mặn. Bảo tồn được các khu rừng này cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn được sự đa dạng sinh học của vùng, cũng như những sinh kế truyền thống, giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Quan trọng hơn nữa là có thể ngăn chặn có hiệu quả sự dâng cao của nước biển, khắc phục nguy cơ mất chỗ ở của hàng triệu người…
Bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp
Theo Phó Giáo sư , Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, Trường Đại học Cần Thơ, ĐBSCL là vùng đất thấp nên hằng năm vào mùa nắng đều có nước mặn xâm nhập vào sâu trong nội đồng. Người dân sống ở vùng ven biển đã có kinh nghiệm bố trí cây trồng, vật nuôi trong những hệ thống canh tác phù hợp với điều kiện đất đai chỉ có nước ngọt trong mùa mưa, bị mặn xâm nhập vào mùa nắng. Một số hệ thống canh tác mà nông dân ở vùng này đang sử dụng như: ngăn mặn triệt để, không cho nước mặn vào ruộng trong mùa nắng để trồng lúa, rau, màu… trong mùa mưa; đào mương, lên liếp trữ nước mưa trong mương vườn vào mùa nắng để trồng cây ăn trái, cây công nghiệp quanh năm; cho nước mặn vào ruộng để nuôi tôm cá nước mặn trong mùa nắng sau đó rửa mặn để trồng lúa trong mùa mưa.
Hiện nay, nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền, độ mặn tăng cao và thời gian ngập mặn kéo dài. Điều này làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh ven biển. Đó là hậu quả của các yếu tố: nước biển dâng cao; lưu lượng nước sông Mê Công trong mùa khô ít đi do rừng thượng nguồn ở các nước đầu nguồn thuộc lưu vực sông bị tàn phá nặng nề; nước sông Mê Công bị chặn nhiều bởi các đập thủy điện; nước sông Mê Công được sử dụng nhiều hơn trong mùa nắng bởi diện tích đất canh tác ngày càng tăng ở các nước Lào, Thái Lan, Campuchia và cả Việt Nam.
Để đối phó với tình trạng này, bên cạnh những biện pháp ngăn mặn, nạo vét kênh mương thì việc bố trí lại cây trồng vật nuôi để phù hợp với điều kiện mới và hiệu chỉnh kỹ thuật canh tác là biện pháp hữu hiệu, linh hoạt, áp dụng nhanh, ít tốn kém mà người dân có thể tham gia. Các biện pháp bao gồm: Bố trí lại mùa vụ để né mặn; Chọn giống kháng mặn; Thay đổi hệ thống canh tác; Trồng loại cây có nhu cầu nước ít; Tăng cường khả năng kháng mặn cho cây bằng cách phun hóa chất lên lá, bón dưỡng chất đối kháng mặn, sử dụng màn phủ nông nghiệp và gia tăng độ ẩm trong vùng sản xuất…
Để làm tốt công việc trên , ông Phạm Đính Đôn, Chi Cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam Bộ cho rằng, các tỉnh ĐBSCL cần nâng cao năng lực Nhà nước về bảo vệ môi trường vì Vấn đề vệ sinh môi trường, nước sạch ở khu vực ĐBSCL đang ngày càng trở nên bức xúc. Hằng năm, một lượng rất lớn nước, rác thải sinh hoạt thải ra môi trường mà hầu hết chưa được xử lý triệt để. Bên cạnh đó, trong canh tác Nông – Lâm – Ngư, người dân sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm hóa học, sinh học… để bảo vệ cây trồng vật nuôi. Tổng lượng bùn thải, chất thải nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL khoảng 456 triệu m3/năm mà hầu hết cũng chưa được xử lý, tác động xấu đến các hệ canh tác và sức khỏe con người.
Nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và các nguồn chất thải công nghiệp cũng đang là vấn đề nan giải của vùng. Hiện tại, tài nguyên nước bề mặt trên sông Tiền, sông Hậu và các cửa sông thông ra biển đã có dấu hiệu nhiễm bẩn chất hữu cơ và vi sinh. Nguyên nhân là do các nguồn nước thải công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp… Ngoài ra, ô nhiễm Asen trong nước ngầm ở ĐBSCL cũng đã được phát hiện ở nhiều tỉnh, như: Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu…
Nguồn chất thải từ sản xuất công, nông nghiệp, đô thị hóa chưa được xử lý triệt để đang gây áp lực nhiều mặt đến ô nhiễm môi trường và sức khỏe người dân trong vùng. Mặc dù những khó khăn này đã được quan tâm, nhưng vẫn chưa được khắc phục và tiếp tục đe dọa người dân sống trong vùng lũ ở ĐBSCL.
Để bảo tồn và phát triển bền vững ĐBSCL, trong việc quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, cần phải tính đến bảo vệ môi trường. Đã đến lúc phải chú trọng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cho các cấp chính quyền, ngành chức năng trong việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường. Kiên quyết xử lý triệt để các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường, giám sát môi trường cũng như năng lực ứng cứu, xử trí kịp thời các sự cố môi trường, suy thoái và ô nhiễm môi trường.