ThienNhien.Net – “Rừng là một kho tàng tĩnh lặng, một biểu tượng toàn mỹ, một nguồn sống muôn màu muôn vẻ và một thực thể thống nhất. Trong rừng, vô vàn hoa lá, động thực vật và các loài chim thú sống chan hòa. Mùi hương thơm ngát, không khí trong lành, hoa thơm cỏ quý, suối chảy róc rách, thác đổ ào ào và cuộc sống của muôn loài biến khu rừng trở thành một chốn bình yên đầy sức sống. Trên tất cả, sự thanh bình của rừng luôn mang tới những trải nghiệm kỳ thú cho tất cả những ai trải qua”. Đó là những lời mào đầu trong bài viết dưới đây của Packiaraj Asirvatham, một nhà hoạt động xã hội người Ấn Độ, ghi lại những cảm nhận về rừng, sự khám phá các đóng góp của rừng đối với phúc lợi của con người và sự đáp trả của con người đối với rừng.
Rừng – Một thực thể kỳ bí
Từ khi còn nhỏ, tôi đã được truyền thụ khái niệm về rừng bằng nhiều cách khác nhau. Phần lớn các truyện kể thời thơ ấu của tôi bắt đầu bằng câu: “Ở một khu rừng sâu thẳm nọ có…” Lớn thêm chút nữa tôi được tiếp xúc với những bộ phim trinh thám, nơi nhân vật thường được đặt trong bối cảnh rừng già; và với những cuốn truyện, nơi rừng là chốn trú ẩn của những nhà tu hành khổ hạnh.
Với những hình tượng như vậy, tôi đã được hướng tới niềm tin rằng những người sống trong rừng, đặc biệt là thổ dân, là những người không có cuộc sống văn minh. Vô hình chung tôi đã được giáo dục rằng rừng là nơi nguy hiểm và những người sống trong rừng cũng nguy hiểm như rừng.
Suy nghĩ đó đã khiến tôi căm ghét rừng cho đến khi tôi có chuyến thực địa khu rừng Similipal thuộc Orissa. 25 ngày ở Similipal, sống trong rừng với các cư dân bản địa đã thay đổi quan điểm của tôi về rừng, giúp tôi sống và trải nghiệm thực tế, chứ không phải chỉ bằng những tưởng tượng hư cấu.
Rừng – “Tử sĩ”
Rừng tạo ra rất nhiều phúc lợi và mang lại lợi ích cho con người. Con người sử dụng tài nguyên rừng để duy trì cuộc sống. Con người sử dụng mọi bộ phận của cây rừng: hoa, quả, rễ, lá, thân và hạt, nhưng thật lạ là cũng chính con người lại là kẻ chặt phá và hủy hoại môi trường sống của rừng? Cây rừng có cuộc sống riêng của chúng, chúng tồn tại, sinh sản và phát triển, song con người đã đối xử thật bất công với cây rừng. Chúng ta, những người vẫn tự cho mình là người có giáo dục, cần phải học hỏi cách ứng xử với thiên nhiên từ chính những con người bình dị.
Làng Dheevar ở tỉnh Bhandara (Maharashtra) không bao giờ đánh bắt cá bơi ngược dòng trong mùa di cư sinh sản, mặc dù lúc này chúng rất yếu và có thể bắt được dễ dàng. Có những khu rừng hay hồ thiêng mà ở đó động thực vật không bị đe dọa. Trong chuyến thực địa với người dân tộc ở vùng rừng Similipal và suốt thời gian lưu lại, chúng tôi không được vắt sữa bò để uống, mặc dù xung quanh có rất nhiều bò sữa. Một lần, khi được hỏi tại sao không vắt sữa bò để uống, một người phụ nữ đã trả lời chúng tôi: “Sữa bò mẹ là nguồn sống của bê con và thật không công bằng khi cướp lấy nguồn sống đó để phục vụ cho bản thân mình.” Lúc đó, tôi đã hiểu tại sao họ không uống sữa bò; họ chỉ sử dụng phân bò để bón ruộng.
Việc chúng ta, thế hệ những người có học nhìn nhận một cách công bằng về vấn đề phá rừng là rất quan trọng. Chúng ta đang lấy đi từng sản vật của rừng; chúng ta đang chặt bỏ người bạn hào phóng chỉ vì tính ích kỷ cố hữu của mình. Chúng ta nên coi rừng như một “tử sĩ” khi rừng giúp tạo ra mưa, không khí trong lành, thức ăn ngon và còn nhiều hơn thế nữa. Tóm lại, khi chúng ta thấu hiểu sự hy sinh của rừng, cũng là lúc chúng ta cam kết bảo vệ và duy trì hệ sinh thái rừng nhằm tạo ra một thế giới xanh sạch hơn.
Rừng – Nhân tố hàn gắn
Sự tàn bạo của con người với thiên nhiên đã và đang tăng lên, khiến cả con người và trái đất đều yếu đi. Biến đổi khí hậu là một trong những tác động tồi tệ nhất của thực trạng này. Và khi tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng, đây chính là lúc để hàn gắn trái đất.
Một trong những nguyên nhân chính khiến sóng thần tàn phá Nam Á vào năm 2004 là việc chặt phá rừng ngập mặn và các rạn san hô vùng bờ để nuôi tôm. Điều này cho thấy, rõ ràng cây cối không chỉ là “tử sĩ” mà còn là nhân tố hàn gắn. Nếu chúng ta trồng cây, nguồn nước sẽ được tăng cường, có thể chúng ta sẽ không phải chịu thảm họa sóng thần và thế giới sẽ thoát khỏi tình trạng biến đổi khí hậu. Cây cối và rừng là hi vọng của thế giới này; chúng hàn gắn tâm hồn con người, làm phong phú cuộc sống và mang tới hòa bình.
Nhà thơ, nhà thiền sư Thích Nhất Hạnh, người từng được Martin Luther King đề cử giải Nobel Hòa Bình, trong một cuốn sách của mình đã viết: “Mười năm trước, tôi trồng ba cây tuyết tùng Himalaya rất đẹp bên ngoài ngôi chùa của tôi ở Pháp, và bây giờ, bất cứ khi nào tôi lại gần một cây, tôi lại cúi xuống, chạm má vào vỏ cây và ôm lấy chúng. Khi ôm thân cây, tôi cảm thấy rất thanh thản. Chạm vào một cái cây mang tới cho bạn và cả cái cây một niềm vui lớn. Khi bạn muốn ôm một cái cây, nó sẽ không bao giờ từ chối bạn. Bạn có thể sống dựa vào cây cối. Tôi thậm chí còn dạy các học trò của mình thực hành tiếp xúc với cây cối… Bằng cách chạm vào cây, chúng ta có thể chạm tới bản thân chúng ta và người khác trong sự cảm thông. Đúng vậy, cây cối là bạn của chúng ta. Chúng lắng nghe chúng ta, quan tâm tới chúng ta, trò chuyện với chúng ta bằng những chiếc lá dịu dàng, ôm hôn chúng ta bằng những bông hoa xinh đẹp và nuôi dưỡng chúng ta bằng trái ngọt. Thật tuyệt vời làm sao!”
Kết luận
Khó khăn lớn nhất là gắn kết con người với rừng. Các hiểu biết xã hội và cái được gọi là các học thuyết phát triển rõ ràng đã chia cắt con người với rừng. Điều quan trọng là con người phải hiểu rằng rừng là một phần của thế giới này và chúng nên được quan tâm bảo vệ.
Thời gian đầu sống ở rừng Similipal, không có điện, TV, điện thoại, chỉ có một radiô bán dẫn, cùng nỗi lo rắn cắn, tôi đã cảm thấy cực kỳ thiếu tiện nghi và căm ghét rừng. Nhưng sau 25 ngày, tôi đã nhận ra rằng đây là nơi yên bình nhất thế giới, một thế giới tự nhiên trong lành. Đây cũng là suy nghĩ của 75 – 90% người dân Ấn Độ về rừng. Tôi cho rằng chính phủ và các ban ngành nên tập trung vào thế hệ trẻ và giáo dục họ về bản chất của rừng, về đời sống và đóng góp của rừng cho con người. Nếu thế hệ trẻ hiểu được sự thật này thì sẽ không ai làm hại cây cối nữa và họ sẽ thúc đẩy hoạt động trồng rừng cũng như bắt đầu bảo vệ thiên nhiên.
Trẻ em nên được đi tham quan rừng để có cơ hội khám phá để hiểu được vẻ đẹp của rừng ngay từ nhỏ. Cần chấm dứt truyền bá các kiến thức cũng như thông tin sai lệch về rừng. Người dân tộc và các giá trị xã hội cũng như kinh nghiệm quý của họ cần được phổ biến rộng rãi tới cộng đồng.
Trên tất cả, là con người chân chính, chúng ta nên dành nhiều thời gian hơn cho việc phát triển rừng và xóa bỏ hoàn toàn nạn phá rừng. Tôi tin rằng điều này sẽ tạo ra một môi trường trong sạch hơn cũng như giúp tăng cường công tác bảo tồn và phát triển rừng.
Ý tưởng cho rằng rừng là một thực thể kỳ bí cần được hưởng ứng, rừng như một “tử sĩ” cần được ghi nhớ và rừng như một nhân tố hàn gắn cần được thực nghiệm.