“Phủ màu” trên vùng cát trắng

ThienNhien.Net – Trước đây, nhắc đến những vùng đất cát Võ Ninh, Gia Ninh (huyện Quảng Bình) và Hồng Thuỷ (Lệ Thuỷ) là người ta lại nghĩ ngay đến những vùng quê nghèo, quanh năm người nông dân dù đầu tắt, mặt tối mà cái nghèo, cái đói dường như vẫn chưa chịu buông tha. Thế nhưng, trong khoảng 5 năm trở lại đây, cùng với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh và của các địa phương, cuộc sống của người dân các vùng cát Võ Ninh, Gia Ninh và Hồng Thuỷ đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Trên những vùng đất vốn cằn cỗi, chua mặn này, ngày càng xuất hiện thêm nhiều triệu phú, tỷ phú nông dân. Một trong những gương mặt xuất sắc đó là nông dân Võ Đại Nghĩa ở xã Hồng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ.

Về thăm trang trại kinh tế tổng hợp của anh Võ Đại Nghĩa vào những ngày tháng 6 năng như đổ lửa, vẫn cảm nhận sự đổi thay không ngờ của mảnh đất này so với cách đây gần 10 năm. Vùng cát trắng nằm ven đường Quốc lộ IA vốn khô hạn, chỉ còn sót lại một vài cây phi lao cằn cỗi, thiếu sự sống, xung quanh không một ngôi nhà sinh sống của 10 năm trước, giờ đây được thay bằng 30 ha, bao gồm 09 ha nuôi tôm công nghiệp, 05 ha trồng cả VA06, 15 ha rừng cây phi lao các loại và nhiều dãy chuồng dùng để chăn nuôi lợn thịt với tổng nguồn vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng, doanh thu hàng năm từ 2-4 tỷ đồng và giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 30 lao động trong vùng…

Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở Hồng Thuỷ, Lệ Thuỷ, lớn lên Võ Đại Nghĩa cũng rất quen với nghề nông, nhưng do chỉ biết làm ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ, nên cho đến năm 2003, cuộc sống của gia đình anh cũng chẳng khá giả được bao nhiêu. Năm 2003, khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho nông dân, Võ Đại Nghĩa đã bàn với gia đình viết đơn xin nhận thầu 30 ha cát trắng để lập nghiệp. Thời gian đầu mới nhận đất do xã giao cho, nhìn thấy cả một vùng cát trắng cằn cỗi, có lúc anh cũng có chút dao động. “Muốn thành công thì phải cải tạo đất bằng cách trồng thật nhiều cây phải lao…”, đó chính là ý tưởng đầu tiên và quan trọng nhất đã giúp anh thành công sau này.

Sau khi được gia đình ủng hộ, và có được một nguồn vốn kha khá do bà con họ hàng cho vay muợn, vợ chồng anh đã bắt tay vào đầu tư mua các loại giống cây keo, tràm và phi lao về trồng. Không có nhiều tiền để thuê nhân công, hàng ngày trời nắng cũng như trời mưa, vợ anh Nghĩa lại động viên nhau gánh cây lên trồng trên vùng 15 ha đồi cát mình đã nhận thầu. Dù trồng cây trên cát khá dễ dàng, nhưng việc chăm cho cây sống và phát triển là điều khó khăn lớn nhất mà vợ chồng anh Nghĩa gặp phải lúc đó, nhất là vào mùa hạn thiếu nước. Để bảo vệ và chăm sóc vườn cây phát triển, vào những ngày mùa hè, anh phải thuê thêm nhân công trong xã gánh nước tưới cây và dùng các loại lá cây che chăn cho vườn cây…

Kết quả tất cả vườn cây của gia đình anh có tỷ lệ sống khá cao và phát triển bình thường. Sau khi vườn cây đã phát triển xanh tốt, khả năng giữ đất, giữ nước cao, anh Nghĩa đã quyết định trồng thêm nhiều diện tích cỏ VA06 để phát triển chăn nuôi. Với diện tích 05 ha, trang trại anh Nghĩa đã cung cấp đủ lượng cỏ cho việc chăn nuôi trên 100 con bò. Bên cạnh trồng cỏ, anh còn đầu tư trồng thêm 01 ha rau xanh theo phương pháp sinh học dùng để cung cấp cho thị trường và dùng để chăn nuôi lợn. Có thêm vốn liếng tích luỹ và nguồn thức ăn sẵn có, anh Nghia đã đầu tư xây dựng nhiều dãy chuồng trại và chăn nuôi trên 1.000 con lợn thịt.

Chưa bằng lòng với những gì đã đạt được, anh Nghĩa còn khăn gói vào tận Khánh Hoà học kỹ thuật nuôi tôm nhằm sau này về triển khai ở trang trại gia đình mình. Thời gian đầu do thiếu kinh nghiệm nên cả 10 ha của gia đình anh đều chưa cho thu lãi. Sau nhiều vụ đúc rút kinh nghiệm và áp dụng thêm nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, như có sử dụng máy ôzôn (đây là cơ sở sử dụng đầu tiên ở Quảng Bình), vụ tôm năm 2004, trang trại của anh đã thu lãi được 150 triệu đồng, năm 2005 lãi 600 triệu đồng. Từ vụ nuôi năm 2007, anh giảm diện tích xuống còn 9 ha, nhưng lại áp dụng thêm nhiều quy trình nghiêm ngặt, như xây dựng hầm biôga làm ấm hồ nuôi. Từ năm 2007 đến nay, mỗi năm 3 vụ, anh có trong tay gần 2 tỷ đồng tiền lãi.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nghèo trong vùng, anh Nghĩa còn giúp đỡ về vốn, kỹ thuật chăn nuôi lợn, nuôi tôm và trồng rừng cho trên 20 hộ gia đình ở Hồng Thuỷ thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ngoài ra anh cũng tham gia nhiệt tình các phong tào nhân đạo, từ thiện do các cấp, các ngành phát động, như đóng góp 10 triệu đồng xây dựng đường giao thông nông thôn và 10 triệu đồng xây dựng các loại quỹ phúc lợi của xã.

Với những kết quả đạt được trong sản xuất, kinh doanh, liên tục từ năm 2004 đến 2008 anh được UBND huyện Lệ Thuỷ tặng giấy khen, UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khén, năm 2007, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và được công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi” 5 năm liên tục 2004 – 2008.