ThienNhien.Net – Ngày 01/07, tại buổi làm việc với Hội Nông dân thành phố Hà Nội, ông Trịnh Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: UBND thành phố Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Nông dân thành phố và các ngành có liên quan xây dựng chính sách tổng thể về hỗ trợ, đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn thành phố để có thể tạo sự thuận lợi, đồng bộ hơn trong quá trình thực hiện trong thời gian tới.
Ngoài ra, Hội Nông dân Hà Nội cũng cần tăng cường vận động để xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, tăng cường vốn vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất để tạo điều kiện cho các cấp Hội Nông dân đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển sản xuât.
Theo Hội Nông dân phố Hà Nội, hiện nay toàn thành phố có gần 200.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng; lao động ở khu vực nông thôn chiếm tỉ lệ trên 60% lực lượng lao động toàn thành phố. Đến thời điểm này, các cấp Hội Nông dân ở Hà Nội đã phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn thành phố được trên 102 tỷ đồng và thành lập các tổ vay vốn ở các ngân hàng với tổng số tiền trên 250 tỷ đồng cho hàng chục ngàn hộ nông dân vay phát triển sản xuất. Nhờ vậy, từ đầu năm 2009 đến nay, nông dân Hà Nội đã phát triển được 57 mô hình sản xuất mới như: trồng mít Thái Lan ở Sóc Sơn, nuôi cá sấu ở Quốc Oai, nuôi ba ba và nhím ở Ứng Hòa, Sóc Sơn, Gia Lâm, Phú Xuyên…
Tuy nhiên, hiện nay, Hà Nội vẫn còn 43 xã thuộc diện nghèo ( theo tiêu chí mới); đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận nông dân ngoại thành Thủ đô vẫn khó khăn; hạ tầng cơ sở về văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục.. ở một số khu vực vùng sâu, xa còn thiếu thốn; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch còn thấp, nhiều vùng nông dân vẫn phải sử dụng nước ô nhiễm chưa qua xử lý; môi trường nông thôn, đặc biệt là môi trường một số làng nghề ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng… Vì vậy, nông dân ở một số vùng có đất nông nghiệp bị thu hồi còn băn khoăn, bức xúc về sự chênh lệch giá đền bù, nhà ở tái định cư, vấn đề việc làm….