ThienNhien.Net – Mặc dù lượng thuỷ ngân trong môi trường nước biển thấp nhưng trong cá biển hàm lượng thuỷ ngân lại cao. Mới đây, các nhà khoa học đã lý giải được hiện tượng này.
Thuỷ ngân là sản phẩm phụ thoát ra từ hoạt động đốt than, chất thải công nghiệp và các hoạt động khác của con người. Nó ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sơ sinh, gây bệnh tim và một số căn bệnh khác ở người trưởng thành. Hơn 90% methyl thủy ngân trong cơ thể người dân Mỹ có nguồn gốc từ các sinh vật biển hai mảnh vỏ và cá biển, đặc biệt là cá ngừ.
Tuy vậy, lâu nay các nhà khoa học vẫn chưa nghiên cứu nhiều về vấn để thuỷ ngân có trong đại dương. Họ không thể giải thích rõ ràng thuỷ ngân xâm nhập từ không khí vào cơ thể của cá biển qua con đường nào?
Nước biển có chứa quá ít methyl thủy ngân nên các nhà khoa học gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập các mẫu nghiên cứu đáng tin cậy.
Krabbenhoft và các đồng nghiệp của ông là những người đầu tiên áp dụng các kỹ thuật mới, có độ nhạy cao để lấy mẫu nước tại 16 điểm ở Thái Bình Dương , từ Alaska tới Hawaii. Tại mỗi điểm, các nhà nghiên cứu phân tích các mẫu cách nhau 100m cho tới độ sâu 1000m.
Khi xây dựng đồ thị, họ nhận thấy lượng methyl thủy ngân cao nhất tại những độ sâu nơi ôxi bị rút nhanh nhất. Tại vùng này, xác tảo dưới sự phân hủy nhờ các loài vi khuẩn chìm xuống vùng nước đậm đặc khiến chúng khó bị cuốn đi. Độ sâu đó là từ khoảng 300m đến 800m, nơi có cá ngừ sinh sống.
Những giả thuyết trước đây thường cho rằng thuỷ ngân trong nước biển thoát ra từ các núi lửa dưới đáy đại dương hoặc từ các dòng chảy của sông. Nay, các chuyên gia đã lý giải được cách thức thuỷ ngân xâm nhập vào cơ thể cá.
Ban đầu, loài tảo ở mặt nước hấp thụ thuỷ ngân từ không khí. Hiện tượng này xảy ra mạnh ở vùng ngoài khơi châu Á, nơi có nhiều thủy ngân thoát ra từ các nhà máy nhiệt điện. Các dòng hải lưu đưa chúng theo chiều ngược kim đồng hồ vượt qua Thái Bình Dương đến Bắc Mỷ và trở lại. Khi tảo chết, chìm xuống và phân huỷ trên đường đi, chúng thải ra methyl thủy ngân (thủy ngân ở dạng hòa tan trong chất béo). Chất độc này theo chuỗi thức ăn vào cơ thể cá và người ăn chúng.
So sánh với các nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học cảnh báo về mức độ gia tăng báo động của mực thuỷ ngân trong nước biển trong hai thập kỷ qua. Nồng độ thuỷ ngân đã gia tăng 30% tại Thái Bình Dương trong khoảng thời gian này. Và nếu việc phát tán vẫn tiếp tục gia tăng như dự kiến, nồng độ thủy ngân sẽ tăng thêm 50% nữa cho tới năm 2050.
“Quả thực đáng ngạc nhiên khi họ có thể phát hiên sự gia tăng của nồng độ thuỷ ngân tại Thái Bình Dương”, ông Vincent St. Louis, một nhà sinh địa hoá tại đại học Alberta. “Đó là một vùng nước rất rộng lớn”.
Bằng việc vạch ra mối liên hệ rõ ràng giữa chất thải từ hoạt động của con người với sự gia tăng mực thuỷ ngân trong cơ thể cá, nghiên cứu là một căn cứ để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách rằng có một mối nguy cơ lớn nếu các chất thải gia tăng thiếu sự kiểm soát.