ThienNhien.Net – Xã hội toàn cầu thời kì hậu công nghiệp phát triển dựa trên nền kinh tế tri thức. Trong nền kinh tế ấy, tri thức và thông tin là hai nhân tố cốt yếu, còn quyền sở hữu tri tuệ là cơ chế luật xác định quyền của con người đối với tri thức. Tuy nhiên, nhìn vào một số lĩnh vực thì thấy sự giao thoa giữa cơn bão toàn cầu hoá và nền kinh tế tri thức đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc chiến chống lại các cơn khủng hoảng, chẳng hạn như trong y dược, điều đó đã cản trở những nỗ lực về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
Ngày nay, sở hữu trí tuệ không còn là vấn đề liên quan tới một vài chuyên gia, luật sư hay giới hạn trong phạm vi luật pháp của một quốc gia nữa mà đã trở thành mối quan tâm quốc tế. Thay đổi đó hoàn toàn phù hợp với logic của quá trình toàn cầu hoá.
Công nghệ sinh học bùng nổ đánh dấu sự chuyển hướng căn bản, từ những lĩnh vực sáng chế trong công nghiệp, các thành tựu khoa học công nghệ sang những phát minh về sinh học. Sự biến chuyển này hiện là đề tài chính trong các cuộc bàn cãi liên quan tới sự vận hành của hệ thống sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các chế định về bằng sáng chế.
Giữa thập niên 90, với đề xuất của Mỹ và dưới quyền lực mạnh mẽ của chiến dịch vận động hàng lang ngành y dược nước này, Hiệp định về các khía cạnh quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS) đã ra đời.
Hiệp định này thiết lập tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ tối thiểu cho các thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Song từ khi có hiệu lực, nó đã trở thành vấn đề tranh luận căng thẳng giữa các nước công nghiệp và các nước công nghiệp kém phát triển.
TRIPS tái xác lập những kỳ vọng của những quốc gia đang phát triển về sở hữu trí tuệ, theo hai hướng. Thứ nhất, TRIPS hạn chế các nước này trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến bảo hộ sở hữu trí tuệ. Họ không thể sử dụng luật về sở hữu trí tuệ như công cụ đòn bẩy cho kinh tế xã hội. Trong ngành y dược, các nước đang phát triển khó có thể bảo trợ cho các nhà sản xuất và nhập khẩu địa phương để giữ giá thuốc men ở mức chấp nhận được để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Thứ hai, TRIPS cho phép mở rộng bảo hộ bằng sáng chế cho các phát minh ở mọi lĩnh vực công nghệ, bao gồm cả những phát minh nằm ngoài lĩnh vực khoa học thông thường, mà không đòi hỏi một điều chỉnh đặc biệt nào. Hầu hết các nước đang phát triển đã phải miễn cưỡng chấp nhận đường lối tiếp cận được đánh giá là quá ư tự do này. Sự cạnh tranh quốc tế quyết liệt về nắm quyền quản lý công nghệ sinh học đã khiến các nước đang phát triển khốn dốn do không có bằng sáng chế.
Một yếu kém nữa của TRIPS là việc không công nhận những tri thức địa phương. Đôi khi điều này đã hạ thấp uy tín của hệ thống sở hữu trí tuệ ở các nước đang phát triển.
Những tập đoàn đa quốc gia về kinh doanh nông nghiệp và dược phẩm đầu tư vốn vào nghiên cứu công nghệ sinh học và công nghệ số – hai động lực chính của nền kinh tế tri thức – để tìm kiếm và thăm dò sinh học. Họ tìm tòi về tính đa dạng sinh học của nguồn gen động thực vật, đặc biệt là tại các cánh rừng nhịêt đới. Họ khai thác những tri thức truyền thống tại địa phương, đăng ký sáng chế dưới tên mình nhưng lại không hề chia sẻ lợi nhuận với người dân, những người đã phát triển hay bảo tồn những kiến thức bản địa đó.
Những chỉ trích trực tiếp cho rằng hệ thống sở hữu trí tuệ toàn cầu hiện nay giới hạn sự tiếp cận và chất thêm gánh nặng lên giá cả các loại thuốc men cơ bản chống lại các dịch bệnh tại các nước đang phát triển cuối cùng đã khiến người ta phải xem xét lại TRIPS một cách không thoải mái.
Ở nhiều nước đang phát triển, câu chuyện tiêu cực về bằng sáng chế dược phẩm tượng trưng cho sự tăm tối của quá trình toàn cầu hoá trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Người ta cho rằng quyền sở hữu trí tuệ cùng với kinh tế tri thức toàn cầu đi liền với những vấn đề như mất an ninh lương thực, đe doạ đến quyền lợi con người, bất công bằng giữa các nước phát triến và đang phát triển trong cơ hội tiếp cân lợi ích từ kết quả nghiên cứu và đổi mới trong các lĩnh vực khác nhau.
Các luật sư và chuyên gia về sở hữu trí tuệ có tinh thần vì cộng đồng thường đứng về phe các nhóm gây áp lực (gồm những người nắm giữ kiến thức bản địa và các nhà hoạt động xã hội về quyền lợi con người, đa dạng sinh học và môi trường), đề xuất các tình huống để phản biện lại các quy định về sở hữu trí tuệ toàn cầu.Vì vậy, quyền sở hữu trí tuệ càng trở thành một chủ đề liên ngành. Nó là một công cụ quan trọng về thương mại, ngoại giao và kinh tế ràng buộc sự cam kết cấp độ khu vực và quốc tế.