ThienNhien.Net – Việt Nam được biết đến như một trung tâm đa dạng sinh học (ĐDSH) của thế giới, với các hệ sinh thái tự nhiên, loài và nguồn gen phong phú, đa dạng. Tuy nhiên ĐDSH ở nước ta hiện đang suy thoái nhanh, với sự thu hẹp về diện tích của khu có ĐDSH cao, sự suy giảm và thất thoát số loài, số lượng cá thể và nguồn gen hoang dã. Một trong những nguyên nhân của hiện trạng này được cho là do Việt Nam chưa có một bộ luật thống nhất và hệ thống để bảo vệ ĐDSH. Luật ĐDSH ra đời và chính thức có hiệu lực vào ngày 01/07/2009 được kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống này.
Bảo tồn ĐDSH tuy đã được Việt Nam xác định là một trong 3 nội dung quan trọng nhất của công tác bảo vệ môi trường bên cạnh phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, song trước khi Luật ĐDSH ra đời, nội dung ĐDSH chỉ được quy định rải rác ở các văn bản luật như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản… Thêm vào đó, các quy định này còn chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn với nhau và nhiều nội dung quan trọng của ĐDSH chưa được văn bản nào quy định.
Trước thực trạng này, từ năm 2003-2005 Tổng cục Môi trường đã nghiên cứu luận cứ xây dựng Luật ĐDSH, và triển khai xây dựng Luật từ 2006-2008 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Bộ luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư Quốc hội Khóa XII và chính thức có hiệu lực kể từ 01/07/2009.
“Ngày hôm nay tiếng chim ca, thú reo vui khắp các cánh rừng chào đón Luật ĐDSH đi vào cuộc sống” – GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh (Ảnh: ThienNhien.Net) |
Bộ luật gồm 8 chương, 78 điều đã quy định thống nhất về các thuật ngữ liên quan đến ĐDSH, đưa ra các quy định liên quan tới các khu bảo tồn thiên nhiên, về quy hoạch bảo tồn ĐDSH, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại, quản lý rủi ro của sinh vật biến đổi gen với ĐDSH, tài chính cho bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH…
Tại buổi lễ mit tinh chào mừng Luật ĐDSH chính thức có hiệu lực tổ chức tại Công viên Bách Thảo ngày 01/07/2009, thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Xuân Cường phát biểu: “Luật ĐDSH chính thức có hiệu lực không chỉ là hành lang pháp lý hỗ trợ công tác bảo tồn ĐDSH mà còn giải quyết hài hòa lợi ích giữa cộng đồng và bảo tồn.”
Chia sẻ niềm vui khi bộ luật ĐDSH ra đời, GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cũng cho biết: “Suy giảm ĐDSH chủ yếu là do con người gây ra, chính vì thế Bộ luật ra đời sẽ là kim chỉ nam, là chìa khóa quan trọng để các cộng đồng địa phương và toàn thể dân tộc tham gia bảo tồn ĐDSH. Luật cũng đồng thời chứng minh cho quốc tế thấy Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc những cam kết trong các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.”
Hy vọng rằng, khi đã chính thức đi vào cuộc sống, Luật ĐDSH không chỉ khiến “chim ca, thú reo vang khắp các cánh rừng đón mừng” như giáo sư Đặng Huy Huỳnh ví von, mà bên cạnh bảo vệ ĐDSH, bộ luật còn thực sự mang lại lợi ích cho cộng đồng, đảm bảo sinh kế cho người dân và góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.