ThienNhien.Net – Bản báo cáo Tổng quan quản lý nguồn nước xuyên biên giới và môi trường của tiến sĩ Migai Akech thuộc Trung tâm Nghiên cứu Luật Môi trường Quốc tế, Nairobi dưới đây giới thiệu về các nguyên tắc luật quốc tế có thể áp dụng trong việc quản lý các nguồn nước xuyên quốc gia, đặc biệt chú ý tới cách thức mà luật quốc tế thúc đẩy khía cạnh môi trường trong việc quản lý nguồn nước. Báo cáo cũng đồng thời xem xét phạm vi mà những nguyên tắc này được thực hiện trong thực tế và đưa ra một số khuyến cáo về chính sách.
Bối cảnh
Các nguồn nước ngọt trên thế giới đang phải gánh chịu những áp lực nặng nề do sự lạm dụng nguồn nước, dân số tăng và các hoạt động khác của con người trong đó yếu tố quyết định gây nên tình trạng khan hiếm nước là việc sử dụng nước ngày càng nhiều, song song với tình trạng tăng dân số.
Bản Báo cáo Viễn cảnh Môi trường Toàn cầu của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) đã dự báo rằng rất nhiều quốc gia trên thế giới sẽ không đáp ứng được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) liên quan tới nước nếu các xu hướng kém bền vững hiện nay vẫn tiếp tục. Bản báo cáo cũng dự báo sẽ có khoảng 1,8 tỉ người phải sống ở các quốc gia hay các khu vực mà đến năm 2025 chắc chắn sẽ khan hiếm nước và khoảng 2/3 số dân thế giới có thể sẽ phải chịu áp lực về nước.
Hơn thế nữa, chất lượng cũng như số lượng các nguồn nước ngọt trên thế giới ngày càng suy giảm do biến đổi khí hậu. Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu đã xác nhận rằng các nguồn nước ngọt rất dễ bị tổn hại và có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, gây nên những hậu quả trên diện rộng đối với xã hội cũng như hệ sinh thái của con người.
Biến đổi khí hậu gây nên ngày càng nhiều vấn đề liên quan đến nước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế của con người, do áp lực về nước và những hiểm họa mưa lũ. Hơn thế nữa, những hậu quả của biến đổi khí hậu như nhiệt độ nước tăng sẽ gây bất lợi cho việc cung cấp lương thực tại địa phương. Vì vậy, cần triển khai các biện pháp đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo sự bền vững cho nguồn nước ngọt và các dịch vụ sinh thái khác.
Tuy nhiên rất nhiều vấn đề và thách thức liên quan tới nguồn nước gây ra do các hoạt động của con người có thể giải quyết bằng cách sử dụng những cải cách và chính sách thích hợp. Điều này giải thích tại sao những cuộc khủng hoảng nước thường được coi là “một cuộc khủng hoảng về quản lý chứ không đơn giản chỉ là do tình trạng khan hiếm nước”. Vì vậy, thách thức chính là sử dụng nguồn nước một cách bền vững, là tái tổ chức cơ cấu nguồn nước ở mức độ có thể duy trì được tình trạng nguyên vẹn của hệ sinh thái và toàn bộ tính bền vững môi trường.
Tình hình này trở nên phức tạp hơn do phần lớn các nguồn nước ngọt trên thế giới đều thuộc phạm vi quyền hạn của trên 1 quốc gia. Nhưng thật không may, các cơ cấu quản lý quốc gia đang tồn tại phần lớn lại chỉ đáp ứng nhu cầu nước của quốc gia đó. Phương pháp tiếp cận quản lý mang tính quốc gia giải thích lý do tại sao trong nhiều trường hợp lại tồn tại cơ cấu quản lý quốc gia trong khi cơ chế xuyên quốc gia tương ứng lại không được áp dụng hoặc áp dụng thiếu hiệu quả.
Theo đó, việc quản lý các nguồn nước xuyên quốc gia đòi hỏi phải có các văn kiện luật pháp đầy đủ và thích hợp, các thể chế và các công cụ quản lý ở cấp lưu vực sông, cận khu vực và khu vực.
Quản lý nước và tầm quan trọng của khía cạnh môi trường
Về bản chất, quản lý nguồn nước là điều hòa những nhu cầu cạnh tranh về nguồn nước. Quản lý nước được xác định là công việc sắp xếp hợp lý các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế và hành chính để phát triển và quản lý các nguồn nước cũng như phân phối các dịch vụ nước cho một xã hội.
Khái niệm quản lý nước bao gồm 4 khía cạnh sau:
- Khía cạnh xã hội: liên quan tới việc sử dụng công bằng các nguồn nước. Khía cạnh này nhấn mạnh tới một thực tế là nước được phân bố không đồng đều cả về không gian lẫn thời gian, và giữa các tầng lớp kinh tế – xã hội khác nhau trong xã hội. Sự phân phối các nguồn nước cùng các dịch vụ liên quan vì vậy cũng có những ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cơ hội sinh kế của con người.
- Khía cạnh kinh tế: quan tâm tới việc sử dụng hiệu quả các nguồn nước và vai trò của nước đối với sự tăng trưởng kinh tế. Quản lý nguồn nước hiệu quả hơn có thể nâng cao khả năng thành công trong công tác giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế.
- Khía cạnh công bằng về mặt chính trị: thừa nhận mọi công dân có cơ hội như nhau trong việc gây ảnh hưởng và giám sát các qui trình cũng như kết quả quản lý nguồn nước. Đặc biệt, cần chú ý đặc biệt đến những người thuộc dân tộc thiểu số, phụ nữ và người nghèo, những người hiếm khi được nhìn nhận như đối tượng có quan hệ hợp pháp trong các quyết định liên quan tới nước ngọt và thường không có tiếng nói, thể chế cũng như khả năng để đẩy mạnh lợi ích về nước.
- Khía cạnh bền vững môi trường: cải tiến quản lý sẽ giúp nâng cao tính sử dụng bền vững các nguồn nước và tính toàn vẹn của hệ sinh thái. Nguồn nước đầy đủ và có chất lượng phù hợp là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc duy trì các dịch vụ và chức năng của hệ sinh thái.
Đặc biệt, khía cạnh môi trường còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước trong việc duy trì một môi trường mạnh khỏe. Từ góc độ quản lý, các yếu tố chính trong khía cạnh môi trường bao gồm:
- Coi môi trường là một nguồn tiêu thụ nước: môi trường nên được thừa nhận như một người sử dụng nước với đầy đủ quyền hạn và nước nên được phân phối theo hướng đó. Điều này rất quan trọng trong việc duy trì các dịch vụ trong hệ sinh thái nước và các hệ sinh thái liên quan.
- Coi các lưu vực như một yếu tố địa lý thích hợp để quản lý nước. Thực tế, điều này có nghĩa rằng việc quản lý nước sẽ rút ngắn những ranh giới hành chính quốc tế và quốc gia truyền thống.
- Thiết lập các dòng chảy môi trường, nghĩa là số lượng, thời gian và chất lượng của dòng chảy đòi hỏi phải duy trì được hệ sinh thái nước ngọt và cửa sông cũng như sinh kế và chất lượng sống của con người vốn phụ thuộc vào các hệ sinh thái này.
- Xây dựng các bản đánh giá tác động môi trường là một phần không thể thiếu trong quá trình lên kế hoạch và ra các quyết định liên quan tới nước.
- Xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng về môi trường.
- Xây dựng thông tin môi trường chính xác về tình trạng các nguồn nước ngọt.
- Áp dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái trong việc quản lý các nguồn nước ngọt.
Phương pháp tiếp cận hệ sinh thái là một chiến lược trong quản lý hợp nhất đất, nước và các nguồn sống nhằm tăng cường bảo tồn và sử dụng bền vững theo cách cân bằng. Phương pháp này xác định con người là thành phần không thể thiếu trong nhiều hệ sinh thái. Phương pháp tiếp cận hệ sinh thái cũng tìm ra cách thể hiện trong khái niệm thông thường về Quản lý các Nguồn nước tích hợp (IWRM). Theo Hiệp Hội Nước Toàn Cầu (Global Water Partnership), IWRM là “một quy trình nâng cao quản lý và phát triển điều phối nước, đất và các nguồn tài nguyên liên quan để tối đa hóa phúc lợi xã hội và kinh tế một cách cân bằng mà không làm tổn hại đến việc duy trì các hệ sinh thái quan trọng. Ngoài ra, IWRM kêu gọi kết hợp quản lý nước ngầm và nước bề mặt, thu hút sự chú ý tới tầm quan trọng của nước ngầm, nguồn nước mà phần lớn dân số thế giới đang phụ thuộc vào.
Luật quốc tế và việc quản lý nước sạch xuyên biên giới
Thống kê cho thấy các lưu vực sông quốc tế nằm trong vùng biên giới hành chính của hai hoặc nhiều nước chiếm khoảng 45.3 % bề mặt Trái đất, là nơi sinh sống của khoảng 40% dân số thế giới và chiếm khoảng 60% lưu lượng nước sông toàn cầu.
Tổng cộng có khoảng 263 con sông xuyên biên giới chảy qua vùng đất của 145 nước. Và những sông lớn như Amazon, Nile, Rhine, và Mekong đều chảy qua 5 quốc gia trở lên. Sự chia sẻ nguồn nước này có thể là nguyên nhân của các cuộc tranh luận song phương hoặc đa phương. Địa hình của nguồn nước xuyên biên giới cũng đặt ra không ít khó khăn cho công tác quản lý. Mặt khác, tầm quan trọng của mối liên hệ thủy lực giữa các mạch nước ngầm và nguồn nước trên bề mặt các sông hồ dẫn đến việc cần phải có một bộ luật quốc tế để kết nối các hệ thống nước ngầm. Nếu không tính đến các nguồn nước được tích trữ trong các tảng băng, nước ngầm chiếm khoảng 97% nguồn nước ngọt trên thế giới.
Các mạch nước ngầm cung cấp khoảng 50% nguồn nước uống, 40% nhu cầu nước sử dụng trong công nghiệp và từ 20-30% nước sử dụng trong tưới tiêu nông nghiệp. Nước ngầm đảm bảo dòng chảy cố định cho các sông hồ, cung cấp nguồn nước cho các suối, giúp phát triển trồng trọt và duy trì độ ẩm ở các đầm lầy. Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ về hệ thống mạch nước ngầm trên thế giới, số lượng mạch nước ngầm nằm trên lãnh thổ của nhiều hơn một quốc gia đã được thống kê là tương đương và còn có phần nhiều hơn con số 260 sông xuyên biên giới.
Chính vì thế, hai câu hỏi được đặt ra là: 1.) Luật quốc tế có tạo ra được một khung pháp lý để ngăn chặn hoặc đưa ra giải pháp cho những xung đột kể trên?; 2.) Luật quốc tế có thúc đẩy việc sử dụng bền vững nguồn nước chung?
Trước đây, luật quốc tế chỉ ưu tiên giải quyết vấn đề “Phát triển và sử dụng hiệu quả” nguồn nước. Chỉ gần đây, vấn đề về “Các dịch vụ sinh thái từ nước và tầm quan trọng của việc bảo tồn và gìn giữ chất lượng nguồn nước” mới trở thành mối quan tâm chủ yếu của luật quốc tế về nguồn nước. Theo đó, việc hợp nhất khía cạnh môi trường vào các công cụ chính sách quốc tế về nước là cần thiết và nên được coi là một phần của công việc đang được xúc tiến.
Những nguyên tắc của luật quốc tế đòi hỏi biên giới quốc gia nên bị xem nhẹ và lưu vực các con sông nên được xem xét và quản lý theo một thể thống nhất. Những nguyên tắc xuất phát từ tập tục địa phương đã được đưa vào dự thảo luật quốc tế về nguồn nước xuyên biên giới. Trong đó, phải kể đến Hiệp ước khung của Liên Hiệp Quốc 1997 – Công ước Sông ngòi Quốc tế và Dự thảo luật quốc tế về nguồn nước ngầm xuyên biên giới. Cũng cần lưu ý rằng cả hai bộ luật này đều đã đi vào hiệu lực.
Công ước Sông ngòi Quốc tế là một thỏa thuận khung hơn là hiệp ước chính thức với các điều luật chắc chắn để hướng các bên liên quan tiến tới một sự đồng thuận. Chính vì vậy, chắc chắn các bên liên quan sẽ chỉ thực hiện và đáp ứng các yêu cầu nêu trong hiệp ước có thể mang lại lợi ích cho họ.
Công ước thiết lập một loạt các nguyên tắc quan trọng đòi hỏi phải được tuân thủ.
Nguyên tắc đầu tiên là các quốc gia liên quan sẽ “sử dụng sông ngòi quốc tế một cách công bằng và hợp lý”.
Thứ hai, các bên liên quan có nghĩa vụ “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để không gây ra tổn thất lớn cho quốc gia khác” và khi đã gây ra tổn thất, phải “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để làm giảm nhẹ cũng như khắc phục hậu quả, và vào thời điểm thích hợp phải thảo luận về vấn đề bồi thường cho quốc gia bị tổn thất.”
Thứ ba, hiệp ước kêu gọi các bên liên quan hợp tác trên cơ sở cởi mở, bình đẳng, thống nhất, đôi bên cùng có lợi, để đạt được lợi ích cao nhất trong khai thác và bảo vệ các sông quốc tế. Hiệp ước Sông ngòi Quốc tế cũng kêu gọi sự đồng thuận của các quốc gia trong việc giải quyết các tranh chấp quanh vấn đề khai thác công bằng và ngăn chặn các tổn hại to lớn. Bên cạnh đó, sự hợp tác này nên được củng cố bằng việc thiết lập “các cơ chế hoặc hội đồng chung để đạt được lợi ích cao nhất trong khai thác và bảo vệ sông ngòi quốc tế.”
Thứ tư, những quốc gia có liên quan cần có quy chế trao đổi thông tin định kỳ về điều kiện của sông ngòi.
Nguyên tắc thứ năm là quốc gia sử dụng nguồn nước chung đang có “kế hoạch thực hiện hoặc thông qua các dự án có ảnh hưởng không tốt đến quốc gia sử dụng nước khác phải có nghĩa vụ thông báo kịp thời cho quốc gia đó”.
Một nguyên tắc quan trọng nữa được đề cập trong hiệp ước là yêu cầu các quốc gia “hành động một cách độc lập và hợp tác để bảo vệ và gìn giữ hệ sinh thái của các sông ngòi quốc tế.”
Dự thảo về các mạch nước ngầm xuyên biên giới của Ủy ban Luật Quốc tế đưa ra các quy định để bảo vệ và quản lý nguồn nước ngầm bao gồm:1/Khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm xuyên biên giới;2/ Các hoạt động khác có ảnh hưởng hoặc có thể sẽ gây ảnh hưởng đến các nguồn nước này; 3/ Các giải pháp bảo tồn, gìn giữ, và quản lý nguồn nước xuyên biên giới.
So với công ước Liên Hợp quốc về Sông ngòi, dự thảo có điểm mới là đã nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ các mạch nước ngầm khỏi các tác hại gián tiếp như phân bón, thuốc trừ sâu hay các chất thải công nghiệp.
Song xét trên nhiều khía cạnh, bản dự thảo cũng tương tự như Công ước về Sông ngòi Quốc tế của UN và bao gồm các nội dung chính của các luật theo truyền thống địa phương trên thế giới về sông ngòi, đặc biệt là nội dung về bình đẳng và hợp lý trong khai thác (Điều 4), nghĩa vụ không gây ra tổn hại lớn (Điều 6), và nghĩa vụ hợp tác, thống nhất trong quản lý (Điều 7).
Những văn kiện trên còn được củng cố bởi các thỏa thuận và hợp tác giữa các vùng như: Hiệp ước châu Âu về bảo vệ và sử dụng sông ngòi xuyên biên giới (Hiệp ước UNECE) của Uỷ ban Kinh tế Liên hợp quốc, Dự thảo thỏa thuận hợp tác lưu vực sông Nile, Nghị định thư về hệ thống sông ngòi chung của Tổ chức Hợp tác Phát triển Nam Mỹ, Hiệp ước Hợp tác Amazon, và Thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông.
Trên thực tế, trở ngại lớn nhất trong việc đưa những dự thảo này vào thực tế là trên bình diện quan hệ thủy học giữa các mạch nước ngầm, nguồn nước bề mặt và hệ sinh thái.
Xu hướng quản lý nước sạch xuyên biên giới
Các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về nước sạch đã được đưa vào thực tiễn như thế nào? Có lẽ phương tiện hiệu quả nhất bảo đảm việc tuân thủ các quy định trên chính là các hiệp định song phương và đa phương giữa các quốc gia có chung nguồn nước sạch. Các hiệp định này góp phần thiết lập cơ chế thích hợp, tạo điều kiện trong hợp tác quản lý nguồn nước sạch chung, bao gồm cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan. Các hiệp định như thế dường như là công cụ thích hợp nhất thúc đẩy hợp tác quản lý nguồn nước sạch xuyên quốc gia.
Tuy nhiên, đến nay những lưu vực sông có những thỏa ước chính thức như vậy vẫn chỉ là một con số khiêm tốn, khoảng 117 trong tổng số 263 lưu vực. Hơn thế, các thỏa thuận chính thức đó thường có những điều khoản mơ hồ đối với các vấn đề quan trọng, không xem xét đến việc phân phối nước sạch, thiếu các cơ chế kiểm soát việc tuân thủ của các quốc gia.
Để hợp tác quản lý nguồn nước sạch chung hiệu quả, mỗi lưu vực sông phải thiết lập thiết chế cho lưu vực, như tổ chức quản lý lưu vực sông. Tuy nhiên, trong thực tế, từ lời nói cho đến việc làm vẫn là một câu chuyện dài, không chỉ xét ở tinh thần sẵn sàng hợp tác về chính trị, mà còn ở mức độ thực tế trong việc thiết lập các hệ thống dữ liệu và thông tin cơ sở; các công cụ lý luận giúp hợp tác có ý nghĩa hơn.
Quản lý xuyên quốc gia quanh lưu vực sông Nin
Kinh nghiệm lịch sử cho hợp tác trong quản lý trên thực tế là rất khó. Sông Nin là một minh chứng sống động cho thất bại đó. Tại sông Nin người ta từng đưa ra 2 thỏa thuận nhằm khẳng định Ai Cập và Suđăng có quyền kiểm soát nước sông Nil đồng thời bảo vệ và củng cố quyền của 2 quốc gia này về nguồn nước trong tương lai. Hai hiệp định trên đã dựng lên một khung pháp chế phòng ngừa mâu thuẫn trong việc phân phối nguồn nước giữa một bên là các nước vùng thượng lưu sông Nin với bên kia là các quốc gia hạ nguồn như Ai Cập và Suđăng.
Thật không may, luật quốc tế thường không đưa ra một khung pháp lý rõ ràng cho các giải pháp tranh chấp khi cả cư dân thượng nguồn và hạ nguồn đều muốn có những điều khoản thuận lợi về phía mình.
Không những thế, hai Hiệp định về nguồn nước sông Nin còn gây trở ngại cho việc quản lý sông Nin xuyên quốc gia vì chúng “tăng cường, thậm chí tạo ra sự phân rẽ và cạnh tranh giữa các quốc gia dọc lưu vực sông Nin.” Bởi vậy chúng trở thành trở ngại đáng kể cho quá trình tiến tới một lưu vực sông thống nhất giữa các nước.
Tổ chức Sáng kiến Lưu vực sông Nin (NBI) đang nỗ lực nhằm thiết lập một khung luật pháp chính thức có tên Khung hợp tác lưu vực sông Nin. Khung hợp tác này bên cạnh việc giải quyết nhiều vấn đề, cũng đề xuất xây dựng một cơ chế có tên Ủy ban Lưu vực sông Nin, nhằm củng cố hợp tác giữa các nước.
Tuy nhiên, cho đến nay Hiệp định về nguồn nước tại sông Nin vẫn là trở ngại lớn cho việc hoàn thành Khung hợp tác được đề xuất trên đây, bởi cả Ai Cập và Suđăng liên tiếp phản đối các hành động làm giảm nguồn sử dụng nước của họ.
Hai quốc gia này tỏ ra không quan tâm tới một hiệp định mới sửa đổi lại hiệp định năm 1959. Họ có thể đang theo đuổi một chiến lược nhằm trì hoãn tiến trình đàm phán, cố gắng bảo vệ quyền lợi của họ theo hiệp định 1959.
Hiệp định SADC về hệ thống sông ngòi chung
Các nỗ lực của các nước thành viên trong Tổ chức hợp tác phát triển Nam Phi (SADC) nhằm thiết lập một cơ chế quản lý nguồn nước xuyên biên giới đang ngày càng được thúc đẩy. Tầm quan trọng chiến lược của việc tiếp cận nguồn nước là lời giải thích tại sao hiệp định hợp tác đầu tiên được thông qua trong khu vực SADC là Hiệp định về Hệ thống Sông ngòi chung.
Bắt đầu có hiệu lực từ 1998, mục đích của Hiệp định là bảo đảm quyền lợi sử dụng nước cho các quốc gia có chung nguồn nước, đồng thời “bảo tồn hiệu quả” nguồn nước. Bản hiệp định đã đưa ra hàng loạt các qui tắc chung nhằm hướng tới các mục tiêu đề ra, bao gồm:
- Tôn trọng nguyên tắc chung hay luật quốc tế liên quan đến sử dụng và quản lý hệ thống nước chung, đặc biệt tôn trọng nguyên tắc lợi ích cộng đồng trong việc sử dụng công bằng nguồn nước và các nguồn tài nguyên liên quan;
- Đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển và bảo tồn;
- Hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên, cùng với việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các dự án có tác dụng tích cực đến nguồn nước;
- Trao đổi thông tin;
- Nghĩa vụ sử dụng hệ thống sông ngòi chung một cách công bằng.
Hiệp định cũng yêu cầu các quốc gia thành viên thiết lập một hệ thống quản lý thích hợp nhằm thực hiện các điều khoản, bao gồm Ban Giám Sát, Ủy ban quản lý lưu vực … Các tổ chức trên có nghĩa vụ thực hiện giám sát nguồn nước chung, thúc đẩy việc sử dụng công bằng, giám sát việc thực hiện các kế hoạch phát triển nguồn nước chung, đảm bảo sự hài hòa trong chính sách và luật về tài nguyên nước của mỗi quốc gia.
Các quốc gia thành viên phải có chính sách quản lý tài nguyên nước chặt chẽ, phối hợp với các nước trong khu vực, tiến tới “hợp tác ở mức cao” về cả mục tiêu và cơ cấu chính sách và luật về nguồn nước.
SADC cũng thiết lập các chính sách và luật trong mỗi quốc gia với quan điểm thực hiện IWRM theo yêu cầu đặt ra của hiệp định. Để làm được điều này, các quốc gia cũng đã thể chế hóa tiến trình hợp tác. Kết quả là “Nam Phi đã đạt được mức cao nhất trong việc phát triển thể chế quản lý nước các lưu vực quốc tế trên lục địa Châu Phi”.
So với lưu vực sông Nin trước đó, SADC đã chứng tỏ nhận thức của các quốc gia Nam Phi về lợi ích chung của họ khi hợp tác quản lý nguồn nước chung. Dẫu vậy, SADC cũng gặp rất nhiều thử thách khi triển khai các mục tiêu. Thách thức trong việc thiết lập những thể chế mới bao gồm:
- Thiết lập mối quan hệ quyền lực giữa các thể chế mới;
- Sự từ chối tham gia của các bên liên quan;
- Sự thiếu hiểu biết và nhận thức chưa đầy đủ về tiến trình cải cách nguồn nước của người dân địa phương;
- Sự chồng chéo về nhiệm vụ của các cơ quan hiện tại với các cơ quan mới;
- Thiếu sự tham gia hưởng ứng của người dân;
- Nguồn lực về tài chính, kĩ thuật, cũng như con người đều hạn chế;
- Sự thờ ơ của các thể chế và luật lệ truyền thống, không chính thức.
Thêm vào đó, các hội đồng nhân dân tại lưu vực sông cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc gây quỹ. Họ có xu hướng phụ thuộc vào các nhà tài trợ. Hơn thế, cuộc cải cách không hề tăng cường giải quyết các mâu thuẫn. Trong khi các nhà hoạch định chính sách ở cấp khu vực sẵn sàng thiết lập các hiệp định chính thức để giải quyết mâu thuẫn về nguồn nước chung, thì việc phát triển cơ cấu ở cấp địa phương chưa được chú ý đúng mức.
Bài học
Nghiên cứu về việc thực thi các nguyên tắc luật quốc tế về quản lý nguồn nước xuyên biên giới đem lại nhiều bài học quí báu:
- Phải mất nhiều thời gian và nỗ lực nếu muốn đạt được những cam kết hiệu quả kết hợp bảo vệ môi trường trong việc quản lý nguồn nước chung;
- Chiến lược khảo sát chung giữa các nước thành viên có thể đóng vai trò quan trọng như một chất xúc tác cho việc phát triển hợp tác;
- Cơ quan quản lý nguồn nước thất bại trong việc quản lý các mâu thuẫn bởi không có một hiệp định nào chỉ ra quyền và nghĩa vụ của mỗi quốc gia;
- Xây dựng và tăng cường năng lực của các nhóm yếu hơn, nhóm bị đứng ngoài bàn đàm phán để bàn về lợi ích của họ chính là cách hướng họ quan tâm đến việc hợp tác quản lý;
- Sự phối hợp giữa chính sách quốc gia và các khung pháp lý thường mang lại thử thách lớn. Trường hợp sông Mekong là một ví dụ. Có rất nhiều sự khác biệt trong cách thức thành lập và hoạt động của các cơ quan hành chính thuộc các quốc gia.
Các kết luận và khuyến cáo về chính sách
Hợp tác là rất cần thiết cho việc quản lý hiệu quả nguồn nước chung bởi lẽ việc quản lý nguồn nước xuyên biên giới đòi hỏi sự kết hợp và niềm tin giữa các nước trong lưu vực. Luật pháp đóng vai trò quan trọng, bởi nó xây dựng lên một khung hợp tác. Tuy nhiên dù khung hợp tác là quan trọng thì tiến trình quản lý sẽ chỉ đạt kết quả khi các quốc gia coi hợp tác là quyền lợi và mối quan tâm lớn nhất của họ, như trường hợp các nước Nam Phi.
Nhưng dù sự hợp tác đã được cam kết, việc thực hiện các nguyên tắc quản lý chung cũng được xác định sẽ phải đối mặt với các thử thách lớn. Tuy vậy, mọi thử thách đều có thể giải quyết. Lĩnh vực mà các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng quốc tế có thể can thiệp là cung cấp cho các cơ quan quản lý nguồn nước chung trong nước và khu vực một nguồn tài chính dồi dào hơn, tạo ra nguồn lực tốt hơn để đẩy mạnh sự tham gia của người dân trong việc cải thiện tình hình.
Các khuyến cáo về chính sách
- Cần có các buổi họp định kỳ của các tổ chức lưu vực sông để phổ biến kinh nghiệm, qua đó nâng cao việc thực hiện các điều luật quốc tế về quản lý nguồn nước xuyên quốc gia;
- Cần gặp gỡ và trao đổi với các chuyên gia luật quản lý nguồn nước xuyên biên giới về những kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế của họ;
- Cần có những nghiên cứu đa ngành về các vấn đề nổi cộm trong việc quản lý và luật về nguồn nước chung như các thách thức do biến đổi khí hậu và việc hợp tác quản lý nước bề mặt cũng như nước ngầm;
- Cần có sự huy động chính sách và tài chính tốt hơn nữa.