ThienNhien.Net – Khoảng 10.000 đến 15.000 ha lúa hè thu tại 3 huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận thuộc tỉnh Kiên Giang mới gieo sạ 1 tháng tuổi đang “héo quắt” do gần một tháng nay ở địa phương này không có mưa. Diện tích lúa này sẽ bị mất trắng nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài thêm khoảng 10 ngày nữa.
Trong khi đó, việc bơm tát nước chống hạn cứu lúa hầu như không thể thực hiện được do hệ thống kinh mương dẫn nước ngọt đều bị nhiễm mặn. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do “phong trào” nuôi tôm phát triển tự phát, nhiều hộ dân tự tiện đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm xen lẫn với trồng lúa gây nhiễm mặn tràn lan.
Vùng đất có diện tích lúa bị “héo” nói trên từ xưa đến nay được quy hoạch để trồng lúa. Việc các hộ dân tự tiện đưa nước mặn vào để nuôi tôm khiến cho diện tích đất vốn trước đây được cải tạo “ngọt hóa” ngày càng thu hẹp. Người dân trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc ngày càng khó khăn thêm do nạn thiếu nước ngọt ngày càng trầm trọng.
Nếu như sắp tới đây, các ngành chức năng ở địa phương không có biện pháp gì giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa “nuôi tôm và trồng lúa“ thì nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái đã ngọt hóa trong vùng là không thể tránh khỏi. Khi đó mâu thuẫn nội tại trong nhân dân giữa người trồng lúa và người nuôi tôm sẽ càng diễn ra gay gắt hơn.
Thời gian vừa qua, “mâu thuẫn” giữa cây lúa và con tôm đã xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh, không những tạo ra mâu thuẫn trong nội bộ nông dân mà còn làm ngưng trệ sản xuất đẩy đời sống nhân dân lâm vào tình cảnh khó khăn. Thiết nghĩ chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp chấn chỉnh.