ThienNhien.Net – Khu bảo tồn biển Vườn Quốc gia mũi Cà Mau đang bị xâm phạm nặng nề bởi các đối tượng xâm hại khai thác cá, tôm bất kể ngày hay đêm với nhiều phương tiện lớn, nhỏ. Tình trạng này vừa gây suy kiệt nguồn lợi thủy sản, vừa làm tổn hại môi trường ven biển ở đây. Tuy nhiên, do ngư trường rộng lớn trong khi lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ quá mỏng nên gần như bất lực trước tình trạng này.
Ngoài việc lén lút khai thác nguồn lợi thủy sản bằng những hình thức mang tính hủy diệt như: đặt lú bát quái, lưới ba mành, lưới xung điện, đẩy te… các đối tượng còn uy hiếp, chống đối và đánh gây thương tích lực lượng tuần tra, kiểm soát.
Lãnh đạo Vườn Quốc gia mũi Cà Mau cho biết, việc các đối tượng chống người thi hành công vụ thường xuyên xảy ra, từ đầu năm đến nay có rất nhiều vụ nghiêm trọng đáng báo động.
Cụ thể là vào trung tuần tháng 5 vừa qua, các cán bộ Trạm kiểm ngư số 2 phân khu bảo tồn biển này tổ chức tuần tra, kiểm soát phát hiện một số đối tượng sử dụng lưới xung điện khai thác thủy sản trong khu vực và tổ chức bắt giữ, lập biên bản xử lý.
Tuy nhiên, đợi đến đêm khuya, khoảng 10 đối tượng khác đi trên phương tiện thủy công suất lớn có trang bị mã tấu, dao và gậy bất ngờ xông vào trạm trên biển chém bị thương nặng anh Trương Quốc Ý, phụ trách trạm; chém vào lưng, đánh vào đầu anh Nguyễn Đăng Khoa, cán bộ trạm bất tỉnh phải chuyển đi cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa Năm Căn, khống chế và tấn công một số cán bộ khác sau đó tẩu thoát.
Tại trạm kiểm lâm Cái Mòi, trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng, cán bộ của trạm phát hiện nhiều đối tượng ngang nhiên khai thác cá kèo giống trong khu bảo tồn, tiến hành lập biên bản, tạm giữ phương tiện vi phạm để xử lý. Sau đó, lợi dụng đêm khuya, bọn chúng bất ngờ tấn công, khống chế các cán bộ của trạm cưỡng đoạt lại phương tiện đang bị tạm giữ đồng thời hăm dọa sẽ “thủ tiêu” những ai cản trở việc “làm ăn” của chúng.
Phân khu bảo tồn biển Vườn Quốc gia mũi Cà Mau diện tích 26.600 ha. Nơi đây bảo vệ và quản lý một cách bền vững mẫu sinh cảnh ngập nước đang trong quá trình diễn thế tự nhiên ở vùng ven biển, đảm bảo duy trì sự tồn tại ổn định lâu dài, bảo vệ đa dạng sinh học của vùng ven biển; bảo vệ nơi cư trú của các loài sinh vật biển đang bị đe dọa tuyệt chủng hoặc số lượng cá thể của chúng đang bị giảm sút.
Ngoài ra, phân khu còn bảo vệ vùng đất ngập nước có giá trị đối với chu kỳ sinh sống của các loài có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ cho các mục đích bảo tồn, giáo dục và nghiên cứu… Vì vậy việc nghiêm cấm các phương tiện đánh bắt hủy diệt, săn bắt các loài sinh vật quý hiếm và mọi hình thức khai thác thủy sản thiết nghĩ cần được giám sát và xử lý nghiêm.