ThienNhien.Net – Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, sức khỏe con người ở các nước phát triển cũng được quan tâm dưới một hình thức khác – chăm sóc sức khỏe qua mạng. Ngoài những lợi ích có thể thấy rõ, việc sử dụng internet và những công nghệ mới trong cuộc cách mạng về chăm sóc sức khỏe cũng đang làm rấy lên những mối lo ngại.
Theo Hội đồng Nuffield về đạo đức sinh học, trong vài năm qua, việc sử dụng dịch vụ bán thuốc qua mạng và dịch vụ kiểm tra, phân tích DNA tư nhân đang tăng nhanh. Những thay đổi này có thể đặt bệnh nhân vào tình trạng nguy hiểm hoặc gây ra những mối lo lắng không cần thiết.
Trong một cuộc thảo luận về vấn đề này, Hội đồng Nuffield cho biết họ muốn được nghe ý kiến của bệnh nhận và các công ty tư nhân cung cấp các dịch vụ này. Vì theo họ có rất nhiều nghi vấn cần đặt ra về các loại hình dịch vụ này.
Ví dụ, những thông tin được đưa ra nhờ xét nghiệm DNA hoặc chụp phim MRI, CT có thể bị sai lạc và khó đọc kết quả.
Giáo sư Christopher Hood, chuyên gia Đại học Oxford, cho biết những sai lạc này có thể tác động đến cả các cơ sở y tế công cộng vì người dân đến đó với những nỗi lo lắng không đáng có về sức khỏe.
Cuộc thảo luận cũng đặt ra những mối lo ngại về việc bán thuốc qua mạng. Một cuộc thăm dò giữa tháng 4/2009 cho thấy cứ 4 bác sĩ đa khoa thì có một người từng điều trị cho các bệnh nhân bị phản ứng với các loại thuốc được mua qua mạng.
Tuy nhiên, bên cạnh những bất cập này, cuộc thảo luận cũng nhận định, những ưu điểm của công nghệ có thể tạo ra các cơ hội cho cơ sở y tế nhà nước. Một trong số những ví dụ được đưa ra là dịch vụ thầy thuốc từ xa ở khu vực nông thôn cho phép các bác sỹ đa khoa và những người bệnh sử dụng đường truyền TV để tiến hành các cuộc thăm khám, hội chẩn.
Về vấn đề này, Hugh Whittal giám đốc Nufield phát biểu: “Có rất nhiều lợi ích mà dịch vụ này có thể đem lại, nhưng điều đó chỉ đúng khi các vấn đề về rủi ro, chất lượng chuẩn đoán, sự bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ và ảnh hưởng của nó đến các cơ sở y tế nhà nước được giải quyết.”
Trong khi đó, các nhà khoa học hàng đầu cũng đang đặt ra những câu hỏi về tầm quan trọng của các nghiên cứu về gen di truyền.
Từ khi bản đồ gen người được khám phá vào năm 2003, các công trình nghiên cứu gen đã được đầu tư đáng kể với niềm tin vào việc sẽ tìm ra phương pháp điều trị mới cho mọi loại bệnh tật, từ ung thư cho đến đái tháo đường.
Nhưng giáo sư Steve Jones, trưởng khoa sinh Đại học London lại cho rằng chúng ta cần cân nhắc lại cách đầu tư cho công nghệ gen bởi có thể nó sẽ không mang lại những thay đổi cho cuộc sống của chúng ta, trong khi đầu tư cho các lĩnh vực nghiên cứu khác có thể mang lại hiệu quả cao hơn.