ThienNhien.Net – “Mai táng sinh thái” là hình thức mai táng đang được chính phủ Trung Quốc và các phương tiên truyền thông kêu gọi người dân thực hiện. Hình thức mai táng này nằm trong chủ trương ủng hộ mai táng thân thiện môi trường của Trung Quốc. Dẫu vậy hầu hết người dân Trung Quốc vẫn lựa chọn nghi thức địa táng truyền thông.
Mai táng sinh thái dùng để chỉ một số hình thức mai táng mới như “mai táng với cây”, “mai táng với hoa”, “mai táng với cỏ” và “thủy táng”. Với 3 hình thức mai táng đầu tiên, tro của người đã khuất được đặt dưới đất và trồng cây, hoa hoặc cỏ phủ bên trên. Với thủy táng, tro của người đã khuất được rắc xuống sông, biển.
Những loại hình mai táng sinh thái trên cho thấy sự đổi mới lần thứ hai trong phong tục mai táng của Trung Quốc. Trong lần đổi mới đầu tiên, hỏa táng đã thay thế cho địa táng, khi thi hài người đã khuất không còn được giữ nguyên vẹn mà trả về với thiên nhiên.
Trước đây, địa táng là loại hình mai táng chủ yếu ở Trung Quốc. Tuy nhiên vào năm 1956, 151 quan chức cấp cao Trung Quốc, gồm cả Mao Trạch Đông, Chu Đức, Chu Ân Lai, và Đặng Tiểu Bình đã cùng ký một bản kêu gọi sử dụng hỏa táng.
Năm 1985, Hội đồng nhà nước ban hành những quy chế khuyến khích sử dụng hỏa táng trong những khu vực đông dân hoặc ít đất trồng trọt và đề ra hình thức phạt đối với những cán bộ nhà nước không tuân thủ quy định này. Hỏa táng sau đó đã trở thành hình thức mai táng phổ biến nhất và tro của người chết thường được lưu giữ tại các khu tưởng niệm.
Ở Trung Quốc mỗi năm có khoảng 70 km2 đất được sử dụng cho những khu tưởng niệm như vậy, cùng với khối lượng lớn gạch đá, xi măng. Những con số này ngày càng tăng. Đất đã sử dụng là không thể chuyển đổi và người Trung Quốc đang phải đối mặt với việc cạnh tranh không gian sống cả khi đang sống và khi đã chết.
Năm 1976, tro thi hài của thủ tướng Chu Ân Lai được phát tán trong bầu khí quyển Bắc Kinh, trên hồ Mật Vân, sông Hoàng Hà và Hoàng Hải. Tro của Đặng Tiểu Bình cũng được rắc xuống biển năm 1997. Cả hai nghi thức mai táng này gọi chung là thủy táng.
Xét trên nhiều khía cạnh, những loại hình mai táng sinh thái này đã đáp ứng nhu cầu của thời đại, đặc biệt là tại các thành phố của Trung Quốc. Dân số Trung Quốc đang già nhanh hơn mà đất thì khan hiếm, vì lẽ đó, nguy cơ không còn đất để xây nghĩa trang kiểu truyền thống là hiện hữu. Với phong tục mai táng truyền thống tốn kém, trong một số trường hợp, chi phí mai táng ở Trung Quốc còn cao hơn xây nhà, và nhiều người cho rằng rằng họ có thể trang trải đủ cho cuộc sống nhưng lại không thể trang trải cho cái chết.
Mới đây Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, một cán bộ xã ở Quảng Đông đã chặt 16 000 m2 rừng để xây một nghĩa trang sang trọng. Điều này phần nào cho thấy rõ những hiểm họa mà mai táng truyền thống gây ra cho môi trường.
Mai táng sinh thái sử dụng rất ít hoặc không cần sử dụng đất. Với hình thức này, người ta không xây mộ đá để giữ tro của người đã khuất, mà dùng cây cỏ trồng lên trên. Các khu tưởng niệm sẽ tăng gấp đôi các khoảng xanh nhờ thế. Lễ Tảo mộ của Trung Quốc thường diễn ra vào tháng 4, dịp mà họ hàng người đã khuất đến thăm viếng và sửa sang cho các ngôi mộ. Đây cũng chính là thời điểm cây cối sinh trưởng và ra hoa.
Việc thực hiện rộng rãi hình thức mai táng này sẽ tiết kiệm được cả chi phí và diện tích đất, đồng thời lại tăng khoảng không gian xanh. Mặc dù vậy, theo giới truyền thông, sau Lễ Tảo mộ năm nay, số người lựa chọn mai táng sinh thái vẫn còn rất ít ỏi.
Người Trung Hoa, đặc biệt ở vùng nông thôn thường trồng cây bên cạnh mộ. Họ tin rằng cây là nơi trú ngụ của người đã khuất, và cây chết sẽ là điềm gở. Người ta cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự đối với các hình thức mai táng với cây, hoa và cỏ. Hình thức thủy táng thậm chí còn ít được chấp nhận hơn. Nhiều người cho rằng nếu mai táng theo hình thức đó người thân không biết phải thể hiện niềm thương tiếc đối với người đã khuất ở đâu.
Ở Trung Quốc, tư tưởng thiên về các hình thức mai táng truyền thống đang là trở ngại lớn nhất cho mai táng sinh thái. Thậm chí, hình thức hỏa táng, dù đến sớm hơn vẫn còn chưa được chấp nhận ở các vùng nông thôn, và 50% mai táng ở Trung Quốc là địa táng. Thành công hay thất bại của đổi mới lần hai này tùy thuộc vào sự thay đổi của những tập tục đã bám rễ sâu này.
Chính quyền chưa có quy định cụ thể nào về mai táng sinh thái. Hồi tháng 4/2009, Bản tin Pháp luật hàng ngày của Trung Quốc có đăng tin rằng dự thảo Quy chế Quản lý Mai táng, đã xuất bản lần đầu năm 2007, sẽ hoàn thành trong năm nay. Ông Di Yingqi, một đại biểu quốc hội, cho biết bản thảo này không đề cập đến các loại hình mai táng sinh thái.
Để đạt được những mục tiêu của cuộc cách tân trước, chính quyền địa phương đã cố gắng đưa hỏa táng trở thành hình thức mai táng bắt buộc, nhưng nỗ lực của họ gần như không đạt hiệu quả. Người ta vẫn bí mật tổ chức địa táng và hậu quả là dẫn đến tham nhũng, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Cuộc khủng hoảng tài chính hiện thời và chiến lược dài hạn về phát triển bền vững của Trung Quốc đều yêu cầu một sự thay đổi theo hướng thân thiện môi trường trong kinh tế, xã hội và các lĩnh vực văn hóa. Trong mai táng cũng vậy, nhưng việc sử dụng các biện pháp hành chính pháp luật, trong trường hợp tốt nhất, cũng rất kém hiệu quả vì văn hóa là thứ không thể bắt buộc thay đổi. Đây không phải là vấn đề luật pháp và thể chế mà là vấn đề nâng cao nhận thức môi trường cho người dân. Khi đó việc lựa chọn sống và chết thân thiên với môi trường sẽ là ý chí tự nguyện của họ.