ThienNhien.Net – Nhiệt độ Trái đất nóng lên, nước biển dâng cao, lũ lụt, hạn hán ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp nước ta ngày càng nhiều. Để ứng phó với những hiện tượng bất thường của thời tiết, Bộ NN&PTNT vừa đưa ra bàn thảo Chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2010 – 2015.
Đối mặt với thiên tai, dịch bệnh
Lượng mưa thất thường và luôn biến đổi, nhiệt độ tăng cao hơn, tần suất các cơn bão xuất hiện nhiều, triều cường tăng đột biến… sinh kế của hàng chục triệu người dân Việt Nam đang bị đe dọa bởi những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo các nhà khoa học thuộc Chương trình Khí hậu và Không khí, Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF) nhận định, Việt Nam là nước đứng thứ 2 sau Ấn Độ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và trực tiếp thể hiện rõ nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Nếu nhiệt độ trên Trái đất tăng thêm 2 độ C, và nước biển dâng lên 1 mét thì 90% diện tích đất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập chìm trong nước biển, kéo theo hậu quả sẽ mất 12 – 15 triệu tấn gạo/năm. Trong vòng 100 năm tới nếu mực nước biển dâng lên khoảng 1 mét so với hiện nay, 1/3 môi trường sống tự nhiên trên lãnh thổ Việt Nam sẽ mất đi. Gần như toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vốn thấp so với mặt nước biển, sẽ bị ngập trong nước mặn.
Hiện nay, khoảng 2,1 triệu ha đất nông nghiệp ở khu vùng này bị nhiễm mặn và 1,6 triệu ha đất nhiễm phèn, đất đai bị bạc màu, đa dạng sinh học giảm mạnh. Không những vậy mà các dịch bệnh xuất hiện sẽ lan tràn… Tình trạng thiếu hụt nước tăng cao. Diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam cũng bị tác động. Phân bố rừng nguyên sinh, thứ sinh có thể dịch chuyển. Nguy cơ tuyệt chủng các loài động thực vật gia tăng. Nguy cơ cháy rừng, phát tán dịch bệnh ngày càng hiển hiện. Nguồn thủy, hải sản bị phân tán. Riêng việc nước biển dâng cao có thể khiến hàng triệu người Việt Nam mất nhà cửa, các loài cây á nhiệt đới suy giảm…
Theo như Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học, biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng nhiều nhất cho Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây. Hạn hán đã xảy ra liên tục tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam với cường độ ngày càng mạnh và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn về người và tài sản. Mỗi năm, thiệt hại do thiên tai gây ra chiếm khoảng 1,5% GDP của Việt Nam.
Những biện pháp giảm thiểu và thích ứng
Theo Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng, Thủy văn và Môi trường (Bộ TN&MT) thì: Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu có thể dẫn đến 5 nguy cơ lớn: giảm năng suất nông nghiệp; gia tăng tình trạng thiếu nước; thời tiết cực đoan gia tăng; các hệ sinh thái tan vỡ và bệnh tật gia tăng. Trên thực tế, biểu hiện của nó đã và đang diễn ra khá rõ nét như mưa lũ bất thường, hạn hán ngày càng khắc nghiệt hơn… gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù thời gian qua chúng ta đã có những nỗ lực quan trọng trong quá trình giảm thiểu và thích ứng với sự biến đổi khí hậu thông qua các chương trình như: Tăng cường trồng rừng đầu nguồn, rừng ven biển, sử dụng các công nghệ sạch tránh phát thải khí, nâng cấp hệ thống đê bao, xây dựng hồ chứa nước ngọt… Tuy nhiên, về nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu vẫn còn có những hạn chế nhất định, đòi hỏi phải bồi dưỡng nâng cao nhận thức.
Theo ông Tea Yong Jung – chuyên gia nghiên cứu thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, “Nếu Việt Nam không có sự thay đổi để giảm thiểu sự phát thải nhà kính thì sản lượng lúa gạo sẽ giảm 1/2 vào cuối thế kỷ này”. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đều cho rằng, Việt Nam cần phải có một chiến lược dài hơn, trong một tầm nhìn dài hạn, cần một quyết tâm lớn và có thể thực hiện một số giải pháp khả thi như: Làm đê bao kết hợp hệ thống cống và trạm bơm ở các vùng ven biển để tránh ngập lụt; xây dựng hồ chứa nước ngọt ngay tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong các vùng ngập hay bán ngập để trữ nước, tránh tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Đặc biệt là tìm các biện pháp sản xuất thích nghi cho người nông dân, những người chịu tác động nhiều nhất thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Nếu không điều chỉnh, đất nước sẽ ngày càng ngập sâu vào “món nợ sinh thái” không bền vững và thế hệ mai sau sẽ là người phải trả giá.