ThienNhien.Net – Cá hồng bạc (<i>Lutjanus argentimaculatus</i> Forskal, 1775) xuất hiện rất ít ở biển Việt Nam. Những năm trước đây trên vùng biển Khánh Hòa, người dân chỉ vớt giống tự nhiên và nuôi thương phẩm bằng lồng bè để bán hoặc phục vụ nhu cầu cho bữa ăn hằng ngày trong gia đình. Tuy nhiên, cá hồng bạc là loài có giá trị kinh tế cao nên phong trào nuôi cá hồng bạc đang từng bước được gây dựng ở địa phương.
Cá hồng bạc có thể nuôi theo nhiều hình thức: nuôi lồng trên biển, nuôi trong ao đất và trong bể xi măng, có thể thả vào ao nuôi tôm sau thu hoạch để cá dọn sạch đáy ao, giúp cải tạo môi trường.
Theo ThS. Nguyễn Địch Thanh – Giangr viên Khoa Nuôi trồng thủy sản – Đại học Nha Trang, cá hồng bạc có nhiều ưu điểm như tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, thức ăn dễ kiếm, có thể ăn thức ăn tổng hợp, thức ăn cá tạp hoặc thức ăn chế biến. Ngoài ra, cá kháng thể mạnh, trong quá trình nuôi ít bị bệnh hơn so với các loài cá biển khác, thị trường có nhu cầu, giá trị kinh tế cao hơn cá chẽm. Giá bán trên thị trường hiện khoảng 80.000 – 100.000 đồng/kg cá thương phẩm.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hòa phối hợp với khoa Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang – Khánh Hòa, đã thực hiện thành công đề tài sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá hồng bạc. Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu cho đẻ, ương nuôi cá giống làm cơ sở cho việc xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo, góp phần làm phong phú thêm đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao ở Việt Nam.
Trong quy trình sản xuất giống nhân tạo của đề tài, cá bố mẹ được thu gom ngoài tự nhiên ở biển Việt Nam. Nuôi cá bố mẹ trong lồng ngoài biển (Vũng Ngán). Tiến hành nuôi vỗ thành thục (tỷ lệ đực cái là 1:1) và tiêm cho đẻ, sau khi cá đẻ, vớt trứng đưa vào đất liền ương nuôi. Kết quả đạt được: tỷ lệ trứng thụ tinh gần 70%, tỷ lệ sống từ cá mới nở đến 30 ngày tuổi (cỡ 1-2cm) là 14%, từ cỡ 2 – 3cm đến 4 – 6cm khoảng 70%.
Sau 3 năm thực hiện đề tài (từ năm 2006 – 2009), đã gây dựng thành công được đàn cá bố mẹ và đang nuôi giữ tại Trung tâm Nghiên cứu giống phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững, cơ sở tại Vũng Ngán – Nha Trang – Khánh Hòa của trường Đại học Nha Trang. Số lượng giống đã sản xuất được và cung cấp cho toàn tỉnh đến đến thời điểm này khoảng trên 20.000 con cỡ 3 – 5cm.
Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hòa, việc nghiên cứu cá hồng bạc ở trên thế giới không phải là mới, nhưng ở Việt Nam đây là lần đầu tiên và đã thực hiện thành công.
ThS. Nguyễn Địch Thanh cho biết, tuy lượng giống sản xuất nhân tạo hiện bước đầu chỉ cung cấp trong địa bàn tỉnh. Nhưng trong thời gian tới, khoa Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang sẽ hoàn thiện quy trình sản xuất giống, nuôi thương phẩm cá hồng bạc và sẽ triển khai chuyển giao công nghệ cho một số đơn vị và các địa phương có nhu cầu.
Với những kết quả đạt được từ đề tài nghiên cứu này, trong tương lai không xa sẽ góp phần mở ra triển vọng cho nghề nuôi trồng thủy sản ở tỉnh khánh Hòa nói riêng và ở Việt Nam nói chung một đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, hứa hẹn một hướng đi mới cho những người nuôi cá biển.