ThienNhien.Net – Quản lý và phát triển rừng bền vững là một trong 3 Chương trình phát triển của Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 hiện đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đẩy mạnh thực hiện nhằm mục tiêu quản lý, phát triển và sử dụng rừng bền vững, có hiệu quả, đáp ứng cơ bản nhu cầu lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội.
Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 đã triển khai được 2 năm. Chiến lược tập trung vào 5 chương trình chính, đó là: Quản lý và phát triển rừng bền vững; Bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường; Chế biến và thương mại gỗ, lâm sản; Nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và khuyến lâm; Đổi mới chính sách, thể chế, lập kế hoạch và giám sát ngành.
Trong đó Chương trình Quản lý và phát triển rừng bền vững sẽ hướng đến thiết lập lâm phận quốc gia ổn định cho 3 loại rừng, lập bản đồ và cắm mốc trên thực địa, quản lý bền vững và hiệu quả toàn bộ diện tích rừng sản xuất, ổn định 3,63 triệu ha rừng tự nhiên 4,15 triệu ha rừng trồng (bao gồm rừng trồng nguyên liệu công nghiệp, lâm sản ngoài gỗ và các loại rừng trồng khác); làm giàu 0,5 triệu ha rừng nghèo kiệt góp phần nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; trồng cây phân tán 200 triệu cây/năm tương đương với 100.000 ha rừng để phục vụ nhu cầu gỗ gia dụng và gỗ củi ở các địa phương;…
Nâng diện tích đất được che phủ rừng
Thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam đã nỗ lực bảo vệ, phục hồi và trồng rừng mới. Nhờ đó, tỷ lệ đất có rừng che phủ đã được cải thiện đáng kể, nâng lên 33,2% vào năm 2000 và đến năm 2008 đạt tới 39%. Như vậy, trung bình mỗi năm nước ta có thêm 0,6% diện tích đất được che phủ rừng.
Để nhanh chóng nâng diện tích đất được che phủ rừng, Việt Nam đã và đang triển khai dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Đây là chương trình lâm nghiệp quan trọng cấp quốc gia với vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Trong đó các địa phương tập trung trồng mới rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ; bảo tồn và tôn tạo vốn rừng hiện có, nâng cao chất lượng của rừng; thực hiện các giải pháp nhằm chống khai thác rừng bừa bãi, phá hoại rừng để sử dụng vào mục đích khác…
Năm 2008, diện tích rừng sản xuất trồng được là trên 193.400 ha. Trong đó có khoảng 143.000 ha được trồng bằng các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Đây là tín hiệu chuyển biến đáng tích cực.
Khắc phục giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng
Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 6 nước đầu tiên trên thế giới được lựa chọn tham gia Quỹ đối tác Các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) do Ngân hàng Thế giới (WB) quản lý và Chương trình giảm phát thải khí nhà kính gây ra do mất rừng và suy thoái rừng của Liên Hợp quốc (UN-REDD).
Bộ NN&PTNT đặc biệt quan tâm và ủng hộ việc thực hiện Chương trình REDD và FCPF. Bởi hiện nay phá rừng và suy thoái rừng là một nguyên nhân quan trọng làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính dẫn tới biến đổi khí hậu.
Để tiếp tục thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong những năm tới Việt Nam sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ cải thiện và mở rộng diện tích rừng giàu, rừng kín, rừng nguyên sinh; ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng, cháy rừng và khai thác bừa bãi vốn rừng; tăng cường hơn nữa công tác bảo tồn các khu vực giàu đa dạng sinh học, đi đôi với quản lý, bảo vệ chặt chẽ việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên.