ThienNhien.Net – Đó là nhận định của Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Tài nguyên, Môi trường và Công nghệ Sinh học (Đại Học Huế), do PGS – TS Lê Văn Thăng đứng đầu đã tiến hành quan trắc chất lượng môi trường nước sông Hương. Sau 6 năm (2003 – 2008), với chuỗi số liệu thu được từ 72 đợt quan trắc, lấy mẫu trên 9 vị trí thuộc sông Hương và phân tích 14 thông số, nhóm tác giả đã đưa ra bức tranh tổng thể về diễn biến chất lượng môi trường nước sông Hương hiện nằm trong tình trạng nhiễm bẩn nhẹ.
Ngoại trừ giá trị tổng photphat chịu ảnh hưởng của cấu tạo địa chất, các chỉ tiêu đặc trưng cho thành phần dinh dưỡng là amoni (NH4+), nitrat ( NO3–), chất hữu cơ ô xy sinh hóa(BOD5), ô xy hóa học (COD) và vi sinh ( tổng Coliform) trong nước sông Hương cao. Nguyên nhân là do tác động của con người với các loại nước thải sinh hoạt, nước thải đô thị, nước thải từ các hoạt động sản xuất và dịch vụ du lịch. Đoạn sông Hương qua thành phố Huế đã có hiện tượng ô nhiễm cục bộ, đặc biệt là nhánh sông Đông Ba. Phạm vi mức độ ô nhiễm đang tăng dần theo thời gian, nhất là vào mùa khô. Nếu không có giải pháp quản lý kịp thời và hiệu quả thì phạm vi ô nhiễm sẽ lan rộng trên toàn bộ dòng sông và mức độ ô nhiễm sẽ gia tăng đáng kể.
Để có được kết quả quan trắc chính xác, nhóm nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, chọn địa điểm địa chất – địa hình; đặc điểm hình thái lưu vực sông Hương; chế độ dòng chảy, lưu lượng dòng chảy, mục đích nhu cầu sử dụng nước sông Hương của người dân trong vùng. Ngoài ra việc xác định vị trí quan trắc còn tính đến khả năng xả thải của nguồn thải lớn, có thể gây tác động đáng kể đến chất lượng nước sông Hương như các nhà máy, xí nghiệp đóng ở hai bờ sông Hương và công tác quan trắc được thực hiện mỗi tháng một lần.
Nhóm nghiên cứu cũng đã sử dụng phương pháp thu thập nghiên cứu tài liệu, bản đồ, lấy mẫu và phân tích ở phòng thí nghiệm; tin học, chuyên gia, phóng vấn, so sánh nhằm có những nhận định đánh giá khách quan về diễn biễn chất lượng môi trường nước sông Hương từ 2003- 2008.