ThienNhien.Net – Trong khuôn khổ chương trình Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam 2009 diễn ra tại Thừa thiên Huế từ ngày 10-14/06, buổi tọa đàm với chủ đề “Tăng cường năng lực thiết kế mẫu sản phẩm thủ công” đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 11/06. Buổi toạ đàm có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện cho Bộ Nông nghiệp, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bộ Công thương, Viện nghiên cứu chiến lược, các nhà khoa học nghiên cứu về vấn đề hàng thủ công mỹ nghệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các nghệ nhân, các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ các tỉnh trên cả nước.
Đánh giá về hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, hầu hết các sản phẩm đều thể hiện được rất rõ tính truyền thống, đó cũng chính là ưu thế chung của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam, tiêu biểu là các sản phẩm thêu, thổ cẩm, chạm bạc, đúc đồng, đan mây tre, chạm gỗ… Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm lại chưa theo kịp với thị hiếu đương đại, chưa phụ hợp với môi trường sống hiện nay, nhất là với thị hiếu của thị trường phương Tây.
Hoạ sỹ Vũ Huy Thiều, chuyên gia thủ công mỹ nghệ ví dụ tại hội thi sản phẩm thủ công lần VI-2009, đôi hài bạc các hình chạm nhìn rất đẹp và tinh xảo, sản phẩm đã đạt giải nhì nhưng ông Thiều vẫn phân vân về tính ứng dụng của nó, vì những hình chạm gai góc trên đôi hài có móc rách gấu quần, gấu váy không?!. Hay các loại chao đèn thì chưa tính đến sự phát tán ánh sáng, kết cấu mắc dây, gắn bóng điện, thâm chí chưa tính đến cả cách đặt vững vàng nữa.
Theo các nhà nghiên cứu về vấn đề hàng thủ công, nguyên nhân chính là trong một thời gian dài rất nhiều mẫu không có sự thay đổi. Các loại sản phẩm tuy có sự cố gắng tìm kiếm ý tưởng mới nhưng vẫn bị lệ thuộc khá nhiều vào sản phẩm truyền thống. Có sản phẩm mặc dù đã đạt được kỹ thuật tinh xảo nhưng chưa thấy nét sáng tạo mới. Riêng đối với các sản phẩm sơn mài thí lại chưa thể hiện được sự rực rỡ, quý phái vốn là đặc trưng vốn có của sơn mài…
Tại buổi toạ đàm, vấn đề được đặt ra là: sản phẩm thủ công muốn chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ, kể cả nội đia và xuất khẩu phải đạt được 5 tiêu chí đó là: Tính mới, sáng tạo; tính công dụng; tính thẩm mỹ; tính truyền thống, đương đại và cuối cúng là tính kinh tế và an toàn.
Buổi toạ đàm là nhằm đẩy mạnh liên kết phát triển năng lực thiết kế cho các tay nghề trẻ trong các làng nghề thủ công, nâng cao chất lượng các sản phẩm thủ công trong các làng nghề, đặc biệt là phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống mang tính định hướng, đảm bảo phát triển bền vững.
Bên cạnh sự chủ động đầu tư của các cơ sở, doanh nghiệp đối với việc thiết kế mẫu sản phẩm thủ công, trong chương trình đào tạo nghề cho nông dân nói riêng và các làng nghề truyền thống nói chung, thời gian tới cũng cần được tiếp tục quan tâm đào tạo một cách bài bản, khoa học hơn.