ThienNhien.Net – Với 3.260 km bờ biển, đứng thứ 27 trong 156 quốc gia có biển trên thế giới; có vùng biển rộng gần 1 triệu km2 và khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ…, Việt Nam có quá nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển, đảo. Thậm chí, so với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam không thua kém nước nào về tài nguyên biển và điều kiện tự nhiên phát triển du lịch biển đảo.
Trung bình, 100 km2 đất liền Việt Nam có 1 km bờ biển, một tỉ lệ cao so với trung bình 600 km2 đất liền- 1 km bờ biển của thế giới. Trong số hàng nghìn hòn đảo của Việt Nam có 3 đảo diện tích lớn hơn 100 km2, 23 đảo có diện tích lớn hơn 10 km2, 82 đảo có diện tích hơn 1 km2 và khoảng 1.400 đảo chưa có tên.
Vùng biển và ven biển Việt Nam có vị trí địa chính trị, địa kinh tế là “mặt tiền” quan trọng của đất nước để thông ra Thái Bình Dương và mở cửa mạnh mẽ ra nước ngoài. Dọc bờ biển hiện đã xác định được 125 bãi biển đẹp có điều kiện thuận lợi cho tắm biển, vui chơi, nghỉ dưỡng, có quy mô và tầm cỡ quốc tế. Các bãi biển của Việt Nam bằng phẳng, nguyên sơ, tràn ngập nắng, cát, nước trong, sóng gió vừa phải, không có các ổ xoáy và cá dữ. Sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với cảnh quan văn hóa, xã hội của vùng biển, ven biển và các hải đảo cùng điều kiện thuận lợi về địa lý, địa hình tạo lợi thế phải triển du lịch biển đảo hơn hẳn các loại hình khác trên đất liền.
Không thể phủ nhận, du lịch biển Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước. Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010 đã xác định 7 khu vực ưu tiên phát triển du lịch biển đảo, trong đó có 5 khu thuộc ven biển: Hạ Long- Cát Bà- Đồ Sơn; Lăng Cô- Cảnh Dương- Non Nước; Đại Lãnh- Văn Phong- Nha Trang; Long Hải- Vũng Tàu- Côn Đảo; Rạch Giá- Phú Quốc.
Ở các khu vực ven biển đang tập trung khoảng 70% các khu điểm, du lịch trong cả nước, trong đó có nhiều khu du lịch biển cao cấp, nổi tiểng trong và ngoài nước: Tuần Châu (Hạ Long), Vạn Chài (Thanh Hóa), Sun Spa resort Quảng Bình, Lang Co beach (Huế), Furama (Đà Nẵng), The Nam Hai resort, Palm Garden resort (Quảng Nam), Vinpearl Nha Trang, Mũi Né (Bình Thuận), Long Hải, Sài Gòn – Côn Đảo resort (Vũng Tàu), Sài Gòn – Phú Quốc resort (Kiên Giang)… Hằng năm, du lịch biển đảo thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam lớn nhất (khoảng 70%) và trên 50% lượng khách du lịch nội địa; thu hút 65% lượng lao động toàn ngành, 50% lượng buồng phòng khách sạn, trong đó, 80% đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao. Thu nhập từ hoạt động du lịch biển chiếm tỉ trọng cao trong thu nhập du lịch cả nước, khoảng 60%. Chiếm 3 trên 4 khu du lịch quốc gia, 12 trên tổng số 30 khu du lịch chuyên đề và 10 trên 11 khu đô thị du lịch trên cả nước.
“Mặc dù có nhiều tiềm năng du lịch biển đặc sắc, với nhiều đảo ven bờ nhưng biển đảo Việt Nam vẫn chưa được khai thác du lịch tương xứng, chưa xác định được cho mình một vị trí không thể thay thế, một hình ảnh riêng về phát triển du lịch biển đảo trên bản đồ du lịch biển đảo các nước trong khu vực và trên thế giới”- ông Phạm Trương Hoàng- Trường ĐH Kinh tế quốc dân nói.
Do điều kiện tự nhiên, hiện nay, từ khu vực Thừa Thiên – Huế trở ra Bắc, các khu du lịch biển đảo chủ yếu đón khách nội địa (ngoại trừ Hạ Long và Huế vẫn đông khách quốc tế) và kinh doanh theo mùa vụ (chủ yếu trong những tháng hè). Những hạn chế này vẫn chưa được khắc phục dù những nhà làm du lịch chuyên nghiệp Việt Nam đã nhiều lần đi nước ngoài học tập, chính quyền các địa phương cũng đã quyết tâm cao.
Việc tự phát “băm nát” bờ biển, tận diệt tài nguyên, ồ ạt xây dựng và kinh doanh resort, khách sạn ở ven biển đã được cảnh báo nhiều lần nhưng tình trạng này vẫn đang diễn ra. Điển hình nhất là phát triển vô tội vạ các resort ở Bình Thuận và các tỉnh miền Trung. Gần đây nhất là việc resort mọc lên như nấm ở đảo Phú Quốc… Muốn phát triển đúng hướng và bài bản, bền vững và lâu dài thì cũng chưa được vì đến bây giờ, cả quy hoạch tổng thể lẫn quy hoạch chi tiết để phát triển du lịch biển đảo của Việt Nam đều… chưa có.
Nếu không nhanh chóng xây dựng quy hoạch phát triển biển đảo Việt Nam thì e rằng sẽ mất dần đi những bãi biển đẹp. Những vẻ đẹp này có được từ sự kiến tạo của thiên nhiên trong hàng vạn, hàng triệu năm nhưng phá thì rất nhanh, biến mất cũng chỉ trong tích tắc.