ThienNhien.Net – Mới đây trên tuyển tập An Ninh Nguồn Nước quyển 4 với tựa đề: “Tìm hiểu nguy cơ nguồn nước”, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã cảnh báo: “Khan hiếm nước sạch sẽ là một trong những thách thức chủ yếu mà thế giới phải đối mặt trong thế kỉ 21”. Bản báo cáo của Viện Nhân quyền và Kinh tế công bố tại Hội nghị về Nhân quyền tại Paris tháng 12 năm 2008 cũng thể hiện một quan điểm thức thời về những thách thức trong vấn đề nguồn nước và quyền con người đặt ra cho các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự. Bài viết dưới đây trình bày tóm tắt nội dung của báo cáo trên, về mối quan hệ giữa nước và quyền con người, tiềm năng của việc ứng dụng cách tiếp cận dựa trên nhân quyền để cung cấp thông tin về quản lí tất cả vấn đề liên quan đến nước sạch.
Chất và lượng nước đang suy giảm
Các chuyên gia nhận định trong 40 năm tới, dân số toàn cầu sẽ tăng thêm khoảng 3 tỉ người, nghĩa là nhu cầu sử dụng nước cho hoạt động tưới tiêu sẽ tăng gấp đôi, những đập nước được xây dựng để đáp ứng nhu cầu về năng lượng cũng sẽ tăng đáng kể, cộng thêm sự cạnh tranh từ nhu cầu sử dụng nước của những ngành khác. Ngoài ra nạn ô nhiễm nguồn nước có thể sẽ vẫn tiếp diễn.
Lượng nước và chất lượng nguồn nước sẽ có tác động nhiều mặt tới an ninh lương thực, an ninh năng lượng, các vấn đề liên quan tới đói nghèo, tăng trưởng kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. Rõ ràng việc thế giới gia tăng khai thác nguồn nước đã dẫn đến sự suy giảm đáng kể của hệ sinh thái và hàng hóa, dịch vụ mà nguồn nước cung cấp. Chỉ riêng ở Châu Á, chúng ta đã chứng kiến có những con sông ngừng chảy ra biển vào một số thời điểm trong năm, ao hồ trở nên cạn kiệt và ô nhiễm, tầng đất ngậm nước tự nhiên mỏng dần.
Ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh
Sự khai thác quá mức và ô nhiễm nguồn nước có thể gây những ảnh hưởng bất lợi đến việc kinh doanh theo nhiều cách khác nhau chẳng hạn như những rủi ro về vật chất, tài chính, quản lý và uy tín doanh nghiệp.
Nhà kinh doanh có thể là những người sử dụng nguồn nước (nước được dùng trong hầu hết mọi ngành công nghiệp), có thể là những người khai thác nguồn nước (ví dụ, những nhà máy nước và thiết bị xử lí nước thải) hay là những nhà phân phối nước sạch. Mức độ ảnh hưởng sẽ được xác định dựa trên loại hình kinh doanh của doanh nghiệp, mức độ phơi nhiễm rủi ro liên quan tới nguồn nước mà doanh nghiệp đó sử dụng.
Những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn nước (như những nhà máy sản xuất chip silicon, ngành dầu mỏ, nhà máy sản xuất đồ uống, công nghiệp chế biến thực phẩm) với những thương hiệu nổi tiếng, chắc chắn sẽ phải đương đầu với những chuỗi nguy cơ lớn về nguồn cấp nước và những thách thức về duy trì danh tiếng, còn những doanh nghiệp khác cũng sẽ gặp phải nhiều thách thức và bấp bênh.
Điểm cốt yếu chính là việc khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước tạo ra những nguy cơ nghiêm trọng cho khối tư nhân quen hoạt động kinh doanh tự do và không bị giám sát.
Nước, quyền con người và vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp
Một lĩnh vực liên quan đến rủi ro nguồn nước ít được các doanh nghiệp tư nhân chú ý đúng mức – quyền con người. Nước cần thiết cho sự tồn tại và duy trì cuộc sống, đảm bảo sức khoẻ và cung cấp thức ăn cho con người, chính vì thế sự thiếu nguồn nước sẽ tác động tới một số quyền con người, chẳng hạn như quyền được hưởng một cuộc sống có những tiêu chuẩn phù hợp, quyền không bị phân biệt đối xử, quyền văn hoá ở những khu vực mà nước đóng một vai trò quan trọng trong văn hoá và tín ngưỡng, đồng thời nước còn ảnh hưởng đến một loạt các quyền công dân và chính trị khác. Chính vì vậy mối quan hệ giữa nước và quyền con người vượt ra khỏi vấn đề gần gũi và đơn giản nhất là tiếp cận với nguồn nước. Nếu Nhà nước không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực này thì vai trò của các doanh nghiệp sẽ trở nên quan trọng và xác đáng.
Viện Nghiên cứu Nhân quyền và Kinh tế, một tổ chức độc lập chuyên nghiên cứu nhằm nâng cao nhận thức của con người về mối quan hệ giữa lĩnh vực kinh tế tư nhân và những vấn đề về nhân quyền, hiện tại đang tham gia một loạt những chương trình hội thảo với các bên liên quan về vấn đề nước sạch và quyền con người.
Một cuộc hội thảo bàn tròn đã được tổ chức vào tháng 9 năm 2008, với sự tham gia của các đại diện thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội dân sự, đầu tư xã hội, những tổ chức nhân quyền quốc gia và quốc tế trong cuộc đối thoại về phương thức tiếp cận dựa trên quyền con người nhằm hạn chế những nguy cơ về nước sạch mà chúng ta đang phải đối mặt. Bản báo cáo sơ bộ “Kinh tế, nhân quyền và quyền về nước sạch” chiếm một phần trong cuộc thảo luận và đã đặt ra những câu hỏi và những tình huống nan giải mà các bên liên quan cần suy nghĩ một cách thấu đáo.
Quan điểm chung của những người tham gia hội thảo là hoạt động kinh doanh nên dựa trên nền tảng cơ bản là quyền tiếp cận nguồn nước sạch của con người, dù quyền này có được qui định đầy đủ trong công ước quốc tế về quyền con người hay không. Tuy nhiên, tiềm năng cho những công ty có hướng tiếp cận với nguồn nước dựa trên nhân quyền, đặc biệt là tại những khu vực nơi chính quyền địa phương chưa làm tròn trách nhiệm, vẫn bị hạn chế do sự thiếu tính hợp pháp, khả năng, chuyên môn và sự ủy thác để giải quyết những vấn đề trên.
Do đó cần có thêm đối thoại và chỉ dẫn hỗ trợ cho những doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn nước trên cơ sở tôn trọng nhân quyền. Điều này bao gồm cả việc xác định những tác động liên quan đến nước sạch, cách thức để gắn kết với cộng đồng trong vấn đề nước sạch và giải pháp xử lý những tình huống phát sinh xung quanh vấn đề này.
Cách tiếp cận dựa vào nhân quyền là cách làm hữu ích vì nó cho phép những doanh nghiệp thấy được cam kết với cộng đồng của họ, quan hệ của họ với chính quyền và thấy được sự cho phép của xã hội trong hoạt động liên quan đến nước sạch. Khung pháp lí về quyền con người có thể hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các tiêu chí cam kết của mình, lên kế hoạch hội thảo về vấn đề liên quan đến nước sạch và suy nghĩ về những vấn đề còn gây nhiều khúc mắc như vai trò của doanh nghiệp trong việc cung cấp nước cho tất cả những cộng đồng biệt lập không đủ khả năng chi trả cho nguồn cung này; về nơi doanh nghiệp hoạt động trong những đất nước có tỉ lệ đông đảo người sống dưới mức nghèo khổ và liệu có sự chia sẻ trách nhiệm để đạt được những thay đổi về quyền con người không? Cách tiếp cận dưa trên nhân quyền có thể giúp doanh nghiệp lên kế hoạch và hoạt động trong những tình huống như vậy.
Nhiều nhóm xã hội dân sự nhận thấy tiềm năng mở rộng kinh doanh vượt ra khỏi những tiêu chuẩn đã thiết lập phù hợp với khả năng và tính minh bạch của họ về vấn đề nước sạch, để tham gia vào tranh luận chính sách về vấn đề nhân quyền và nước sạch. Vai trò của doanh nghiệp trong bối cảnh về nước sạch từ lâu đã là tâm điểm trong các chiến dịch do các nhóm xã hội dân sự và các nhà hoạt động chống tư nhân hoá ở nhiều nơi như Bolivia, Nam Phi, Philippin và Ấn Độ, nơi đối tượng hướng đến là các doanh nghiệp cung cấp nước và sản xuất nước ngọt.
Nhiều doanh nghiệp hiện nay đã nhận thức được vai trò của họ trong những vấn đề về nước, thể hiện qua cam kết của họ với Thoả thuận chung của Liên Hợp quốc về nguồn nước. Những công ty này đã cam kết tham gia vào những hoạt động tình nguyện quản lý nước một cách có trách nhiệm thông qua các hoạt động trực tiếp và chuỗi cung cấp nước của họ, qua việc quản lí tốt hơn lưu vực sông, qua hoạt động chung, chính sách công, sự cam kết của cộng đồng và tính minh bạch.
Cho đến nay, Chủ tịch điều hành Thỏa thuận chung của Liên hợp quốc về nguồn nước, Water Mandate, chưa có giải thích nào về sử dụng nước sạch trong việc đáp ứng quyền con người. Cuộc thảo luận bàn tròn đã phân tích vấn đề với những câu hỏi cốt lõi đặt ra là khi nào trách nhiệm của những công ty liên quan đến nước sạch (hoặc là nhà cung cấp, người sử dụng hoặc người được trao quyền) được chính thức qui định hay các công ty nên xác định một cách tự nguyện những trách nhiệm mà họ cần gánh vác liên quan đến vấn đề nước sạch.
Bảy mục tiêu phát triển thiên nhiên kỉ bao gồm mục tiêu giảm một nửa số người không được tiếp cận nguồn nước sạch một cách bền vững cho đến năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn trên 1 tỷ người chưa được tiếp cận nước sạch và điều kiện vệ sinh. Câu hỏi hiện nay là liệu cách tiếp cận dựa trên nhân quyền có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cũng như những tổ chức xã hội khác đáp ứng tốt hơn những nhu cầu phát triển cơ bản đó hay không.
Vai trò của doanh nghiệp trong việc vượt ra khỏi cách tiếp cận “không gây hại” đồng thời xây dựng năng lực cho chính phủ để nâng cao vị thế của họ như người nắm trách nhiệm chính trong việc đảm bảo quyền sử dụng nguồn nước cần được tìm hiểu thêm. Một số công ty đã thể hiện khả năng quản lý thông qua những cam kết của họ với Water Mandate nhưng liệu những công ty này có thể có những bước tiến xa hơn nữa thông qua việc thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên nhân quyền để giải quyết các vấn đề về nguồn nước?
Kết hợp hành động với chính phủ và xã hội dân sự để đáp ứng những đòi hỏi về nước sạch của những tầng lớp nghèo khổ nhất trong xã hội là một thách thức lớn với các doanh nghiệp ngày nay, nhưng đây là điều thực sự cần thiết. Nhận thức được cái ngưỡng mà ở đó quyền sử dụng nước trở thành vấn đề quan tâm cơ bản của bất cứ doanh nghiệp nào có cam kết về sử dụng nước, không chỉ ở việc quản lý nước, sẽ là một khởi đầu quan trọng.